Bến Tre là tỉnh tiên phong đi đầu trong khu vực ĐBSCL về sản xuất ca cao với mô hình ca cao xen dừa. Năm 2013, diện tích ca cao của Bến Tre đạt 5.211 ha, chiếm 23,57% tổng diện tích của cả nước (Bảng 3.1). Những năm vừa qua, phong trào trồng ca cao xen dừa ở tỉnh Bến Tre được nông dân hưởng ứng, sản xuất ca cao ở Bến Tre đã có những tiến bộ vượt bậc. “Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển ca cao ở Việt Nam” (Nguyễn Hữu Tâm, 2013).
Bảng 3.1: Diễn biến diện tích – năng suất – sản lượng ca cao xen dừa của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2009 – 2013
STT Năm Tổng diện tích (ha) Diện tích thu hoạch (ha) Sản lượng (tấn quả tươi) Năng suất (tấn quả tươi/ha) 1 2009 5.493 2.259 17.633 7,81 2 2010 6.333 2.615 21.636 8,27 3 2011 7.478 3.355 26.939 8,03 4 2012 8.243 4.144 29.987 7,24 5 2013 5.211 3.463 20.631 5,96
Tăng tuyệt đối (2013/2009)
-282 1.204 2.998 -1,85
Nguồn: Niên giám thống kê Bến Tre năm 2013.
Quan sát bảng 3.1 ta thấy, trong giai đoạn 2009-2012, tổng diện tích, diện tích thu hoạch và sản lượng ca cao của mô hình ca cao xen dừa ở Bến Tre liên tục tăng. Riêng trong năm 2013 vừa qua, cũng giống như tình hình cả nước, ca cao Bến Tre đối mặt với sự sụt giảm mạnh về diện tích trồng. Tổng diện tích năm 2013 là 5.211 ha, giảm 282 ha so với năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở vấn đề giá cả thu mua và sự cạnh tranh của các loại cây khác như bưởi da xanh khiến người dân không còn mặn mà và quyết định đốn bỏ ca cao ở nhiều nơi. Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bến Tre, số ca cao bị đốn bỏ tính đến đầu tháng 7 năm 2013 là khoảng 1.950 ha, trong đó có 500 ha bị chết do nước ngập mặn vào mùa khô, còn lại là do người dân đốn để trồng loại cây khác có giá trị inh tế cao hơn. Một điều rất đáng lưu tâm nữa đó là năng suất ca cao của Bến Tre không ổn định, lúc tăng lúc giảm trong suốt giai đoạn từ năm 2009 đến nay. Theo dự thảo báo cáo “Kết quả thực hiện Dự án phát triển ca cao chứng nhận năm 2013, kế hoạch năm 2014” của Trung tâm Khuyến nông – Khuyên ngư tỉnh Bến Tre thì năng suất ca cao chứng nhận tiêu chuẩn (UTZ) là cao hơn so với trồng tự do không theo tiêu chuẩn. Cụ thể, theo số liệu khảo sát trên địa bàn 4 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Châu Thành cho thấy, năng suất tăng thêm từ sản xuất theo UTZ của năm 2013 là 31% so với năm 2012. Chính vì vậy, để có thể cải thiện năng suất ca cao, Ban quản lý Dự án và các tổ chức liên quan cần xây dựng thêm nhiều CLB ca cao chứng nhận và kêu gọi bà con tham gia. Hiện tại, tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 76 CLB với 1.419 hộ tham gia đạt chứng nhận (tăng 39% so với năm 2012), cùng 42 vườn mẫu tại các địa phương tham gia Dự án.
Theo phương hướng kế hoạch năm 2014, tỉnh phấn đấu xây dụng thêm 4 CLB mới với số thành viên từ 20 – 25 thành viên/CLB, tăng số lượng thành viên của 76 CLB hiện nay lên 20 – 30 thành viên/CLB, thành lập ít nhất 1 vườn mẫu/xã tham gia Dự án.
Về thị trường tiêu thụ, thời gian qua đã có nhiều tập đoàn lớn tìm đến Bến Tre đặt trạm thu mua hạt ca cao để xuất khẩu, trong số đó có hai cái tên lớn đáng chú ý là Cargill và Grand Place. Trong khi Cargill hiện trở thành nhà thu mua ca cao lớn nhất tại Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng thì vào thời điểm cuối năm 2013 vừa qua có một sự kiện “tôn vinh” hạt ca cao Bến Tre đó là vào cuối tháng 10-2013, tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp) Công ty Puratos Grand Place Việt Nam nhận giải thưởng Ca cao quốc tế với danh hiệu Ca cao tốt nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với sản phẩm chính là hạt ca cao trồng tại Bến Tre. Hạt ca cao Bến Tre sẽ là nguyên liệu chính để tập đoàn Puratos khai thác, sử sụng để phát triển dòng sản phẩm sô-cô-la nguồn gốc Việt Nam, dự kiến sẽ được giới thiệu ra thị trường quốc tế trong năm 2014. Đối với các công ty trong nước, hiện tại có 4 doanh nghiệp kết hợp cùng dự án thành lập 4 hệ thống phát triển sản xuất ca cao chứng nhận đó là Phạm Minh, Hương Việt, Lâm Tùng, Phú Bình. Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường đầu ra cho ca cao Bến Tre là hết sức sôi động, triển vọng ca cao Bến Tre là rất sáng sủa.
Về định hướng phát triển, từ năm 2007, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Dự án 10.000 ha ca cao phục vụ xuất khẩu. Dự án này nằm trong tổng thể quy hoạch 20.000 ha ca cao ở ĐBSCL vào năm 2015 của Bộ NN & PTNT đề ra mà trong đó, Bến Tre là trọng tâm. Tuy nhiên, trước tỉnh hình diện tích sụt giảm trong năm 2013 vừa qua, để đạt được mục tiêu đã đề ra, chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre và các tổ chức có liên quan cần tăng cường hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, lao cụ cho người dân, phối hợp mở thêm nhiều CLB ca cao chứng nhận cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục duy trì thực hiện chứng nhận trong thời gian tới để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.