Châu Thành là huyện tiên phong trong mô hình ca cao xen của tỉnh Bến Tre với 190 ha đầu tiên trồng thử nghiệm tại xã An Khánh vào năm 2000. Từ đó đến nay, Châu Thành luôn là huyện dẫn đầu về diện tích, sản lượng cũng như năng suất ca cao.
Bảng 3.2 Diễn biến diện tích – năng suất – sản lượng ca cao xen dừa của huyện Châu Thành so với toàn tỉnh trong năm 2013
Khu vực Tổng diện tích (ha) Diện tích thu hoạch (ha) Sản lượng (tấn trái tươi) Năng suất (tấn trái tươi/ha) Huyện Châu Thành 1.659 1.479 10.468 7,1 Toàn tỉnh 5.211 3.463 20.631 5,96
Nguồn: Niên giám thống kê Bến Tre năm 2013.
Qua bảng 3.2 ta thấy, năm 2013, tổng diện tích ca cao của Châu Thành là 1.659 ha, chiếm 31,84% toàn tỉnh; diện tích thu hoạch của huyện là 1.479 ha, chiếm 42,71% toàn tỉnh. Cây ca cao huyện Châu Thành được trồng chủ yếu xen trong vườn dừa và một số loại cây ăn trái khác như: nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi…Nhờ địa hình, thổ nhưỡng phù hợp, ca cao ở Châu Thành cho trái nhiều, sản lượng luôn ổn định ở mức cao. Đáng chú ý, năm 2013, sản lượng ca cao của huyện Châu Thành là 10.468 tấn quả tươi, chiếm 50,74% tổng sản lượng toàn tỉnh; năng suất đạt 7,1 tấn trái tươi/ha, cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh 1,14 tấn trái tươi/ha. Nhờ sự phối hợp giúp đỡ của tổ chức Helvetas và Ban Quản lý Dự án phát triển ca cao chứng nhận tỉnh Bến Tre mà Châu Thành là một trong những huyện có tỷ lệ số CLB ca cao và số người trồng ca cao theo tiêu chuẩn cao nhất tỉnh. Hiện tại huyện có 36 trên tổng số 76 CLB ca cao chứng nhận với 888 hộ tham gia. Ngoài ra, trong năm 2013 vừa qua, huyện đã có 1 CLB phát triển thành Tổ hợp tác sản xuất ca cao chứng nhận (tại xã Tam Phước). Định hướng của Tổ hợp tác là ngoài sản xuất ca cao chứng nhận còn tham gia sản xuất và kinh doanh phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ nhu cầu nông dân trong vùng. Hiện nay, huyện Châu Thành là điểm đến chính của nhiều đoàn nghiên cứu, tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trồng ca cao với 13 vườn được công nhận vườn mẫu trên tổng số 42 vườn trên cả tỉnh. Tất cả những kết quả đạt được chứng minh rằng, huyện Châu Thành đang đi đúng hướng trong lĩnh vực sản xuất ca cao và xứng đáng giữ vai trò dẫn đầu, tiên phong trong mục tiêu phát triển cây ca cao toàn tỉnh.
Về thị trường tiêu thụ, cả 4 công ty sản xuất ca cao chứng nhận đó là Phạm Minh, Hương Việt, Lâm Tùng, Phú Bình đều có trụ sở tại địa bàn huyện Châu Thành. Ngoài ra trên địa bàn còn có 3 công ty lớn thu mua như Cargill, Amajaro, Grand Place và một số công ty bánh kẹo khác ở TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên đến huyện thu mua hạt ca cao. Đặc biệt, vào ngày 14.11.2013 vừa qua, tại khu công nghiệp Giao Long thuộc địa bàn huyện, Grand Place đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy thu mua và lên men hạt ca cao
do tập đoàn này đầu tư xây dựng. Đây chính là nhà máy chế biến hạt ca cao đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, nhà máy còn có một trung tâm phát triển ca cao, là sự hợp tác của Grand Place cùng tập đoàn Mars. Hoạt động của hai công trình này không những là lời cam kết mạnh mẽ về sự đầu tư dài hạn của Putaros Grand Place mà còn là sự đảm bảo thị trường tiêu thụ, sự khẳng định về tương lai đầy hứa hẹn của ngành ca cao. Hy vọng, đây sẽ là sự khởi đầu cho hàng loạt các tập đoàn lớn trên thế giới tiếp tục đầu tư vào ca cao Việt Nam nói chung và ca cao Bến Tre nới riêng mà trong đó, huyện Châu Thành tiếp tục nắm vai trò chủ đạo.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục vận động mở rộng thành lập mới các CLB và từng bước hình thành Tổ hợp tác ca cao chứng nhận; tăng cường hỗ trợ, củng cố, mở rộng, phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động của các CLB đã chứng nhận nhằm giữ vững vị trí tiên phong, đi đầu, góp phần thực hiện thành công Dự án phát triển ca cao tổng thể của tỉnh.
CHƯƠNG 4
PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ SẢN XUẤT CA CAO Ở HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH BẾN TRE