cầu về chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật sao cho:
2.2.1. Về chủ thể và đối tượng giáo dục pháp luật
Hiện nay, công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Dương được thực hiện bởi:
- Ở thành phố có phòng Tư pháp; - Ở phường, xã có cán bộ Tư pháp.
Cán bộ chuyên trách thực hiện giáo dục pháp luật bao gồm cán bộ Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp cơ sở.
Phòng Tư pháp thành phố Hải Dương có tổng số 04 cán bộ, công chức; trong đó có 01 đồng chí trực tiếp theo dõi công tác này. Đối với các phường, xã công tác này được giao cho đồng chí cán bộ Tư pháp trực tiếp tham mưu. Hiện nay, biên chế Tư pháp các phường, xã là 21 cán bộ. Phòng Tư pháp thành phố và Tư pháp phường, xã không có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giáo dục pháp luật.
Nhiệm vụ của các cán bộ chuyên trách giáo dục pháp luật là xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, biện pháp và tổ chức phối hợp thực hiện. Cán bộ Tư pháp thành phố và phường, xã số lượng ít ỏi và phải kiêm nhiệm các công tác tư pháp khác nên không thể chuyên tâm cho công tác giáo dục pháp luật. Không những thế, phần lớn cán bộ thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật ở thành phố và cơ sở chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm của bản thân
mà chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ giáo dục pháp luật, chính vì vậy, mặc dù có sự chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện nhưng hiệu quả của công tác này chưa thật cao.
Cán bộ bán chuyên trách, cộng tác viên: Cùng với đội ngũ cán bộ chuyên trách, công tác giáo dục pháp luật đã thu hút được một lực lượng đông đảo tham gia vào các hoạt động giáo dục pháp luật ở các ngành, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng. Đó là:
- Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: Thành phố đã xây dựng được 13 báo cáo viên pháp luật và 138 tuyên truyền viên pháp luật. Họ không chỉ là cán bộ của các ngành tuyên giáo, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội như Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, phụ nữ, các hoà giải viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ trưởng dân phố,... mà còn là những người có nhiều uy tín trong nội bộ nhân dân, gương mẫu chấp hành pháp luật, có khả năng vận động nhân dân và được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Việc huy động được đông đảo đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật đã đem lại hiệu quả đáng kể trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuy nhiên về trình độ của báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật không đồng đều. Số báo cáo viên và tuyên truyền viên ở cơ sở, những người gần dân nhất, trực tiếp giới thiệu, phổ biến pháp luật cho nhân dân thì trình độ còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Mặc dù ngành Tư pháp đã tích cực phối hợp với các ngành khác trong việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ giáo dục pháp luật cho lực lượng này song chưa thường xuyên, chưa có hiệu quả thực tế. Bên cạnh đó, báo cáo viên, tuyên truyền viên còn chưa được cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động của mình. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc của họ cũng như sự tiếp thu của đối tượng thụ hưởng.
- Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và pháp luật trong các nhà trường không chuyên luật. Thời gian qua, nhất là sau khi có Chỉ thị số 30 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đội ngũ này được tăng lên cả về số lượng và chất lượng (trong đó có một bộ phận là giáo viên chuyên trách được đào tạo cơ bản về luật, giáo viên dạy pháp luật trong các trường Trung học cơ sở và Trung học chuyên nghiệp được tập huấn định kỳ về kiến thức pháp luật, được cung cấp sách, tài liệu để giảng dạy, được tham dự các kỳ thi giáo viên dạy pháp luật giỏi). Bên cạnh sự thiếu đồng bộ, chưa cập nhật về chương trình môn học thì đội ngũ giáo viên này đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh sự thiếu hụt về số lượng thì phần lớn trong số họ là giáo viên dạy kiêm nhiệm, không được đào tạo cơ bản về luật. Các tài liệu tham khảo dành cho giáo viên còn thiếu. Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này tuy đã được quan tâm nhưng chưa thường xuyên.
- Cán bộ làm công tác nghiệp vụ của một số ngành: Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quản lý thị trường, Thuế,... Bằng các hoạt động nghiệp vụ của mình họ đã góp phần giúp các tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và chấp hành pháp luật.
Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố và 21 phường, xã trên địa bàn đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của đơn vị mình gồm các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Tính đến nay, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố từng bước được kiện toàn với 15 thành viên. 21/21 phường đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tổng số 315 thành viên. Trong đó, Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp cơ sở được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực. Với vai trò là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng Tư pháp thành phố và cán bộ Tư pháp cơ sở đã có nhiều cố gắng
tham mưu giúp Hội đồng xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; lập chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì sự phối hợp của các thành viên của Hội đồng để tổ chức kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, sơ kết và tổng kết hoạt động của Hội đồng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
2.2.2.Về nội dung giáo dục pháp luật
Cụ thể hoá Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 17/01/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007. Từ khi Chương trình được ban hành, dưới sự hướng dẫn của Tỉnh; Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố đã xây dựng Chương trình công tác; Uỷ ban nhân dân thành phố và 21 phường, xã đã chủ động xây dựng Chương trình 5 năm; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục pháp luật hàng năm. Ngày 25/4/2008, Bộ Tư pháp và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ đã tiến hành tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 và triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 (Chương trình mới này được được ban hành kèm theo Quyết định số 37/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Căn cứ Chương trình của Tỉnh, thành phố Hải Dương cũng đã xây dựng Chương trình giai đoạn 2008-2012.