Các hình thức giáo dục pháp luật được sử dụng trên địa bàn thành phố Hải Dương

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật ở đô thị qua thực tiễn Thành phố Hải Dương (Trang 55 - 61)

cầu về chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật sao cho:

2.2.3. Các hình thức giáo dục pháp luật được sử dụng trên địa bàn thành phố Hải Dương

thành phố Hải Dương

Các hình thức giáo dục pháp luật pháp luật ngày càng đa dạng, phong phú.

Hình thức sử dụng phổ biến nhất là qua phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ sở chính là thông qua hệ thống loa truyền thanh. Các

phương tiện thông tin đại chúng với những ưu thế đặc biệt đã thực sự là một công cụ tuyên truyền giáo dục pháp luật có hiệu quả xã hội cao. Mỗi người dân trong đời sống sinh hoạt thường ngày của mình được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng một cách trực tiếp, cập nhật, phong phú, đa dạng, sinh động, dễ dàng. Thông qua các phương tiện nghe, nhìn của đài phát thanh, đài truyền hình, sách báo in, báo mạng, tạp chí,... người dân có thể thấm nhuần những nội dung pháp luật, những điều cần phải làm, những vấn đề phải quan tâm,... Các phương tiên thông tin đại chúng cũng phê phán, nêu rõ các hiện tượng sai trái coi thường pháp luật, không hiểu pháp luật đã dẫn đến những hậu qủa khó lường cho cá nhân, gia đình và xã hội. Việc làm này có tác động mạnh đến nhận thức tư tưởng, tình cảm của mỗi người, khiến họ phải tự điều chỉnh hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Nhận thức được việc giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết, có nhiều ưu thế và là một trong những hình thức giáo dục pháp luật có hiệu quả cao nên phòng Tư pháp thành phố đã chỉ đạo 21/21 phường, xã duy trì đều đặn việc tuyên truyền các văn bản pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh. Nhìn chung, các phường, xã đã chú trọng chất lượng tin bài, tập trung tuyên truyền những nội dung thiết thực, liên quan đến đời sống dân sinh và tăng cường thời gian phát thanh, từ 3 đến 5 buổi mỗi tuần với thời lượng 20 - 30 phút/buổi.

Cái khó của việc giáo dục pháp luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở hiện nay là chưa có nhiều tài liệu biên soạn chính thức cho hệ thống truyền thanh. Điều này, đòi hỏi các cán bộ truyền thanh cơ sở phải tự tìm tòi và biên soạn, biên tập. Trong điều kiện các cán bộ truyền thanh cơ sở trình độ pháp luật còn hạn chế thì yêu cầu họ phải biên soạn các nội dung sao cho phù hợp thiết thực, dễ tiếp thu là một điều rất khó. V. Lê- nin đã từng chỉ rõ, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục. Muốn tuyên truyền giáo dục pháp luật,

người làm công tác tuyên truyền phải nắm vững hệ thống luật pháp trong lĩnh vực mà mình phụ trách như giao thông, an ninh trật tự, kinh tế, văn hoá,...Hơn thế việc phát thanh không chỉ một buổi mà phải làm thường xuyên, hàng ngày với thời lượng nhất định. Bên cạnh đó, mạng lưới truyền thanh còn chưa được phủ khắp tổ dân phố. Nhiều nơi hệ thống loa truyền thanh đã xuống cấp, chưa có điều kiện khôi phục lại, nhất là ở các xã.

Tuyên truyền miệng: là hình thức được sử dụng rộng rãi, thường xuyên ở cơ sở, thông qua các cuộc hội nghị, tập huấn, toạ đàm, họp, nói chuyện,... do các báo cáo viên, tuyên truyền viên của ngành Tư pháp, của các ngành, đoàn thể và cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến địa phương đảm nhiệm. Thành phố và các phường, xã đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở cấp mình. Lực lượng này hoạt động khá hiệu quả và đang có những đóng góp quan trọng trong việc đưa pháp luật đến mọi người dân. Tuy nhiên,hình thức giáo dục này với một số hạn chế vốn có như không thể áp dụng đối với các đối tượng không cùng ngôn ngữ, lời nói chỉ tác động vào thính giác, đòi hỏi người nghe sự theo dõi, tập trung,... Đồng thời, hình thức này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, trình độ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, mà năng lực của đội ngũ này, nhất là ở cơ sở còn hạn chế.

Biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật: Đây là hình thức được chú ý khai thác và thực sự phát huy hiệu quả. Là cẩm nang, phương tiện hoạt động của những người làm công tác giáo dục pháp luật. Tài liệu tuyên truyền được biên soạn dưới dạng hỏi đáp, tờ gấp,... đề cương tuyên truyền tập trung vào những văn bản pháp luật liên quan tới đời sống hàng ngày của nhân dân và những văn bản mới được ban hành.

Những năm gần đây, việc biên soạn các tài liệu tuyên truyền được Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành phố quan tâm, các

nội dung hỏi đáp pháp luật đã được biên soạn và phát hành tới từng hộ gia đình: Luật thuế thu nhập cá nhân; hỏi và đáp về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; cách nhận biết dấu hiệu lâm sàng và cách phòng chống dịch cúm A - H1N1,...

Trong tuyên truyền miệng, các hoạt động hoà giải, trợ giúp pháp lý,...đều sử dụng tài liệu pháp luật để tiến hành giáo dục pháp luật. Hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chịu sự tác động nhất định của chất lượng các tài liệu pháp luật, vì vậy, việc biên soạn, phát hành các tài liệu này cũng được chú trọng cả hình thức và nội dung.

Công tác giảng dạy và học tập pháp luật trong nhà trường: Giáo dục pháp luật là sự tác động có định hướng có tổ chức nhằm hình thành tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với quy định của pháp luật, làm cho công dân tự giác tuân thủ, thi hành pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của công dân.

Đây là một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua việc dạy và học pháp luật trong các nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần hình thành và bồi dưỡng ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trên địa bàn thành phố Hải Dương, 54 trường học đều có nội dung giáo dục pháp luật. Các trường mầm non đã đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, vệ sinh công cộng, vê sinh an toàn thực phẩm vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo. Đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học dạy môn học đạo đức, giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho sinh viên của tất cả các

ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Các trường nghề tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình môn học pháp luật trong các chương trình dạy nghề theo hướng cung cấp các nội dung pháp luật cụ thể trong đó chú ý các quy định về pháp luật lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng nghề.

Thi tìm hiểu pháp luật: là hình thức giáo dục pháp luật khá hấp dẫn và hiệu quả, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia tìm hiểu pháp luật. Những năm gần đây, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (như thi tìm hiểu Bộ Luật Dân sự, Luật phòng chống ma tuý,...) với quy mô rộng đã thu hút được nhiều người dân tham gia.

Ngoài ra, theo kế hoạch của tỉnh, thành phố; các phường, xã cũng tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương (thi về phòng chống HIV/AIDS, An toàn giao thông, Tuyên truyền viên phòng chống ma túy giỏi, Hoà giải viên giỏi, Hộ tịch viên giỏi,...). Thông qua các cuộc thi, nội dung pháp luật được chuyển tải đến các đối tượng giáo dục một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, tránh được sự cứng nhắc, khô cứng. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật của chủ thể giáo dục cũng được trau dồi, gọt dũa. Qua đó, đã góp phần giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thi tìm hiểu pháp luật khó có thể tổ chức được một cách thường xuyên trong điều kiện kinh phí hạn hẹp,...

Tập huấn chuyên đề pháp luật là hình thức giáo dục pháp luật ngắn hạn, do các chủ thể giáo dục pháp luật khác nhau (Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Hội Luật gia...) thực hiện, hướng tới nhằm cung cấp cho cán bộ, công chức hành chính những kiến thức pháp luật về những văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ

sung, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ hành chính - công vụ mà họ đang đảm nhiệm. Thời gian tập huấn thường từ 3 - 7 ngày tùy theo nội dung chuyên đề.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật là hình thức giáo dục pháp luật ngắn hạn, do các chủ thể giáo dục pháp luật thực hiện (trường chính trị thành phố, các dự án đào tạo, bồi dưỡng,...) hướng tới bổ sung, cung cấp lại, trang bị mới, cập nhật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính những kiến thức, hiểu biết pháp luật cụ thể, thiết thực đối với công tác chuyên môn của họ. Thời gian bồi dưỡng có thể là 15 ngày, 1 tháng hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào số lượng chuyên đề cần bồi dưỡng.

Hoạt động hoà giải ở cơ sở: Trong những năm gần đây, hoạt động hoà giải được quan tâm và phát triển. Công tác hoà giải đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục pháp luật và ngày càng phát huy tác dụng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống nhân dân. Hiện nay, toàn thành phố có 227 tổ hoà giải với 1141 hoà giải viên. Các hoà giải viên ở cơ sở trong quá trình hoà giải, kết hợp tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm dần các vi phạm pháp luật trong đời sống cộng đồng.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý: với mục đích đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý (tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa), bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội, hiện hội luật gia thành phố và chi hội luật gia các phường, xã thông qua các vụ, việc trợ giúp pháp lý cụ thể thiết thực góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật của đối tượng được trợ giúp như: giúp các đối tượng nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, hướng dẫn công dân,

tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Bên cạnh các hình thức giáo dục nêu trên, còn có các hình thức giáo dục pháp luật khác cũng được sử dụng khá có hiệu quả trong nhân dân như thông qua các câu lạc bộ pháp luật, qua hoạt động xét xử của Toà án và đặc biệt thông qua các hoạt động tuyên truyền, cổ động, các hình thức sinh hoạt văn nghệ quần chúng,...

Ngoài ra, ở địa bàn dân cư, việc kết hợp giáo dục pháp luật với việc thực hiện quy ước dân chủ cũng là một hình thức phù hợp và có hiệu quả. Thực tiễn ban hành, thực hiện quy ước dân chủ trong mấy năm gần đây đã cho thấy, bằng biện pháp hợp lý, đúng đắn, chúng ta đã hạn chế tối đa các nội dung lạc hậu, vi phạm pháp luật, tạo nên tác động đồng điệu thuận chiều, bổ sung, hỗ trợ cho nhau giữa pháp luật và quy ước dân chủ, góp phần xây dựng cuộc sống mới ở địa bàn dân cư. Sự tác động đồng điệu, thuận chiều giữa pháp luật và quy ước dân chủ tạo tiền đề cho phép kết hợp giữa giáo dục pháp luật với tổ chức xây dựng và thực hiện quy ước dân chủ, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc kết hợp tốt giáo dục pháp luật với xây dựng và thực hiện quy ước dân chủ vừa góp phần gìn giữ, phát huy được thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp, vừa nâng cao được trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân; đồng thời, cũng làm cho việc xây dựng quy ước dân chủ được thuận lợi, nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật ở đô thị qua thực tiễn Thành phố Hải Dương (Trang 55 - 61)