Các phương pháp quản lý

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật ở đô thị qua thực tiễn Thành phố Hải Dương (Trang 42 - 46)

cầu về chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật sao cho:

1.2.1. Các phương pháp quản lý

Cơ chế giáo dục pháp luật thể hiện thông qua quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn và quan hệ phối hợp trong thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật.

- Quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn: Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý thống nhất về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Theo cơ chế này, công tác giáo dục pháp luật được quản lý và thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương (theo ngành dọc): Bộ Tư pháp đến Sở Tư pháp đến Phòng Tư pháp và đến cán bộ Tư pháp cơ sở. Tại các Bộ, ngành ở Trung ương có các Vụ, Phòng hoặc bộ phận Pháp chế; ở địa phương có Sở, Phòng, Ban là những cơ quan thực hiện công tác giáo dục

pháp luật của ngành chuyên môn (cụ thể ở cấp huyện là Phòng Tư pháp). Các cơ quan này chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan Tư pháp cùng cấp và thực hiện các chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật đề ra. Định kỳ hàng quý hoặc để triển khai các công việc trọng tâm, đột xuất khác, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp - Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ và Sở Tư pháp - Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện cùng phòng Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ Tư pháp cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm ở địa phương và trực tiếp thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh kiểm tra các hoạt động thi đua khen thưởng, về chế độ thông tin báo cáo cũng như về củng cố tổ chức Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, còn tổ chức các hoạt động cụ thể như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn sách, tài liệu, bản tin; tổ chức các hội nghị tập huấn, sơ kết; tổ chức các đoàn đi kiểm tra; tổ chức ký Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp giáo dục pháp luật với các ngành, đoàn thể.

- Quan hệ phối hợp:

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với đoàn thể ở cơ sở, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật.

Đặc biệt, từ năm 1998, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03 về thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cơ chế phối hợp thông qua mô hình này ngày càng được định hình ở Trung ương và địa phương, trong đó cơ quan Tư pháp làm đầu mối tổ chức, hướng dẫn các hoạt động phối hợp chung. Thành phần Hội đồng gồm một số

thành viên của cơ quan nhà nước có chức năng đặc thù trong giáo dục pháp luật, các ban, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội.

Phương thức thực hiện

- Phương thức đầu tiên của các cơ quan khi triển khai hoạt động giáo dục pháp luật là lập chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật. Trên cơ sở chương trình công tác nhiệm kỳ và hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban, ngành xác định các công việc trọng tâm trong năm trong đó có hoạt động liên quan đến giáo dục pháp luật. Về phía ngành Tư pháp, Phòng Tư pháp hướng dẫn cán bộ Tư pháp cơ sở và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động trong năm, các công việc cụ thể, tiến độ thực hiện. Để đảm bảo cho chương trình, kế hoạch hoạt động giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao thì một trong những biện pháp không thể thiếu là hoạt động kiểm tra, đánh giá qua đó phát hiện ra những điều còn vướng mắc, bất cập để kịp thời đề ra những biện pháp khắc phục. Chế độ thông tin, báo cáo được thực hiện định kỳ, thường xuyên.

- Phương thức trực tiếp:

+ Phổ biến, nói chuyện pháp luật tại cơ quan, các Hội nghị, hội thảo pháp luật tại các địa bàn dân cư,…(tuyên truyền miệng).

+ Bằng truyền thông đại chúng: Các phương tiện truyền thông đại chúng được sử dụng để tiến hành các hoạt động giáo dục pháp luật gồm: hệ thống loa truyền thanh cơ sở, sách, tờ gấp hỏi - đáp pháp luật,...

+ Bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật (kịch, tiểu phẩm,...), câu lạc bộ pháp luật, các đội thông tin cổ động pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật,...

+ Bằng những hiện vật nhìn thấy được: panô, áp phích, khẩu hiệu, tranh ảnh dưới hình thức triển lãm để thu hút nhân dân đến xem.

+ Bằng dạy và học pháp luật trong trường học: Hình thức dạy và học pháp luật trong nhà trường vừa sử dụng lời nói (thầy, cô giảng bài; trao đổi, thảo luận giữa thầy và trò,…) vừa bằng những hiện vật (giáo cụ trực quan: biểu bảng, biểu mẫu, tranh cổ động, video) hoặc bằng các loại sách văn học pháp lý.

- Phương thức gián tiếp:

+ Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật: giáo dục pháp luật bắt đầu từ khâu phát hiện ra nhu cầu và sự quan tâm của công dân tới việc phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội mà họ đang tham gia. Sau đó giáo dục pháp luật sẽ được tiến hành cùng quá trình xây dựng pháp luật để cung cấp kịp thời các thông tin về dự thảo văn bản và phản ánh ý kiến đóng góp cho văn bản của nhân dân cũng như của các chuyên gia pháp luật, kinh tế. Quá trình góp ý cho dự thảo văn bản luật góp phần tạo ra nhận thức bước đầu về pháp luật, tạo tâm lý thuận lợi để nhân dân tiếp nhận văn bản luật và tự giác thực hiện văn bản ngay sau khi được ban hành.

+ Thông qua hoạt động áp dụng pháp luật: đó là các quyết định (bằng lời nói hay văn bản) của các cơ quan, các cá nhân đại diện cho cơ quan hay tổ chức trong hoạt động thi hành và bảo vệ pháp luật. Bản thân các quy phạm pháp luật, các quyết định của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ở các cơ quan hành pháp, tư pháp đã chứa đựng yếu tố giáo dục rất lớn.

+ Thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý: Bằng hoạt động của mình, các tổ chức trợ giúp pháp lý góp phần tích cực trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý kinh tế và quản lý xã hội theo pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức, giáo dục công dân tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

+ Thông qua khảo sát, điều tra dư luận xã hội về việc thi hành văn bản pháp luật hoặc về vấn đề pháp luật nào đó cũng là phương thức hoạt động giáo dục pháp luật một cách gián tiếp.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật ở đô thị qua thực tiễn Thành phố Hải Dương (Trang 42 - 46)