Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định trong trường hợp bình thường là chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên được coi là mức nguy hiểm đáng kể và được coi là tội phạm, còn tội lừa dối khách hàng thì trong trường hợp bình thường chỉ cấu thành tội phạm khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Dấu hiệu "gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng" cho đến nay cũng chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích. Vì vậy, việc xác định gây thiệt hại cho khách hàng là những thiệt hại gì, ở mức độ nào được coi là nghiêm trọng vẫn còn là điều bỏ ngỏ, rất khó trong việc áp dụng pháp luật.
Theo tôi, thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng trực tiếp và trước hết là sự thiệt hại về tài sản đối với quyền sở hữu của người mua hàng.
Trên thực tế, có những vụ phạm tội xảy ra nếu chỉ căn cứ các dấu hiệu về chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan thì không xác định được là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lừa dối khách hàng. Lúc đó, chúng ta phải xem xét quan hệ xã hội mà hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại là quan hệ gì:
+ Nếu quyền sở hữu bị xâm hại được phản ánh rõ nét, tức là nó thể hiện đúng mục đích cũng như bản chất nguy hiểm của hành vi thì đó là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
+ Nếu quyền sở hữu bị xâm hại không được phản ánh rõ nét, hành vi phạm tội mang tính "nhỏ nhặt", phải xảy ra nhiều lần mới thu được số tiền bất chính đáng kể gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, chủ yếu xâm hại đến hoạt động đúng đắn trong thương mại, lưu thông hàng hóa. Lúc đó mới xác định phạm tội lừa dối khách hàng.
1.3.3. Phân biệt với tội đánh bạc (Điều 248 Bộ luật hình sự 1999)
Đặt ra vấn đề phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội đánh bạc vì trên thực tế đã có những quan điểm khác nhau trong trường hợp có hành vi gian dối trong đánh bạc thì xử về tội gì: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay đánh bạc?
Về lý luận có thể phân biệt hai tội phạm này dựa trên các căn cứ pháp lý sau: