Phù hợp tâm sinh lý lứa tuổ

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 39 - 41)

c) Kỹ năng thuyết phục

2.2.2.Phù hợp tâm sinh lý lứa tuổ

Dạy, học phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi là một nguyên tắc cơ bản, không mới trong dạy học văn. Tuy nhiên, trong thực tế, do vô tình hay thiếu ý thức, nguyên tắc này ít được quan tâm. Hệ quả của nó là người dạy và người học còn chưa gặp nhau trong việc xác định mục đích và phương pháp tiếp cận văn bản văn học. Người dạy cái mình có, mình nghĩ mà không quan tâm đến cái người học cần và có khả năng tiếp nhận. Lựa chọn tri thức, phương pháp

giảng dạy phù hợp với đối tượng, vì vậy, là một nguyên tắc đối với dạy học văn, nhất là VHNN.

Như đã nói ở trên, những tác phẩm văn học nước ngoài được chọn học trong chương trình Ngữ văn ở trường TCCN hiện nay đều là những tác phẩm đỉnh cao của văn học thế giới ở nhiều châu lục, trong những thời đại khác nhau. Đó không chỉ là văn chương mà còn là văn hóa. Dạy, học cái gì/dạy, học như thế nào cho phù hợp với tâm sinh lý, khả năng tiếp nhận của người học, vì vậy là điều cần phải được quan tâm. Bởi lẽ, quan niệm thẩm mỹ, các thang bậc giá trị, lối biểu hiện... giữa các dân tộc, ở các thời đại có những khác biệt nhất định. Không chú ý đến điều này, giáo viên khó có định hướng đúng trong việc lựa chọn tri thức, kỹ năng để cung cấp cho học sinh.

Ở lứa tuổi thanh niên, học sinh TCCN đã có những trải nghiệm, kỹ năng sống nhất định. Tuy nhiên, tri thức, bản lĩnh, khả năng độc lập trong tư duy của các em chưa nhiều. Bởi vậy, sự định hướng của giáo viên trong việc tiếp nhận tri thức, kỹ năng là hết sức cần thiết. Chẳng hạn, dạy trích đoạn Ra- ma buộc tội (Trích sử thi Ra-ma-ya-na), bên cạnh những nội dung đã được định hướng trong phần hướng dẫn học bài ở sách giáo khoa, giáo viên phải hướng các em đến những kỹ năng sống cần thiết, như: biết lắng nghe, thấu hiểu và trình bày suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách phù hợp trong giao tiếp; biết làm chủ bản thân, chọn giải pháp thích hợp... Đó đều là những kỹ năng cần thiết đối với học sinh TCCN. Tất cả những nội dung ấy, giáo viên có thể gợi ý để các em thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân thông qua tìm hiểu những đoạn đối thoại đầy kịch tính giữa Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích. Với cách làm đó, giờ dạy học văn không chỉ là học cái hay cái đẹp của văn chương, mở mang tri thức, bồi dưỡng tâm hồn mà còn góp phần hình thành kỹ năng sống cần thiết cho các em. Hứng thú học tập của học sinh, nhờ đó cũng tăng lên. Văn học đã gần hơn với cuộc đời, nhà trường gần hơn với xã hội.

Nguyên tắc phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trong dạy học văn học nước ngoài còn thể hiện ở sự linh hoạt của người dạy. Bám sát đối tượng hiểu

tâm lý, cảm xúc, nhu cầu, khả năng của đối tượng, giáo viên sẽ lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp để chuyển tải đến các em những gì các em cần, các em có khả năng tiếp nhận. Hiểu rõ đời sống cảm xúc, tình cảm của học sinh chính là cơ sở để người dạy điều chỉnh cảm xúc, bồi dưỡng, phát triển tình cảm tích cực cho các em trong quá trình học tập. Quan sát thái độ, hành vi của người học qua ánh mắt, cử chỉ, mức độ chú ý… sẽ giúp giáo viên có được những bài giảng gây hứng thú cho các em, kích thích các em bày tỏ quan điểm, thể hiện mình qua thảo luận bài học. Và đó cũng là cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trình bày quan điểm cho các em.

So với văn học Việt Nam, VHNN trong nhà trường có những đặc điểm riêng. Những tri thức mới lạ, những quan niệm, lối sống được tái hiện trong tác phẩm có nhiều khác biệt với trường tiếp nhận của người Việt Nam, nhất là tuổi mới lớn như học sinh TCCN. Bởi thế, hiểu đối tượng, bám sát đối tượng là điều cần thiết, giúp giáo viên có định hướng đúng trong việc lựa chọn tri thức, phương pháp tổ chức giờ dạy, học văn hiệu quả.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 39 - 41)