PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG MỀM CHO HỌC SINH TCCN QUA DẠY HỌC VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
2.1. Khái niệm kỹ năng mềm và các kỹ năng mềm cơ bản2.1.1.Khái niệm kỹ năng mềm 2.1.1.Khái niệm kỹ năng mềm
Thế kỉ XXI, thế kỉ của sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa, kinh tế, khoa học công nghệ… Tốc độ của sự phát triển phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ chuyên môn, có kỹ năng sống và một khả năng thích ứng cao với mọi biến đổi của thời đại.
Kỹ năng sống và kỹ năng mềm là hai thuật ngữ gần đây được quan tâm nhiều trong giáo dục và trong đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, khi đề cập đến một vấn đề mà cá nhân không thích ứng hay không giải quyết được trong cuộc sống thì cho là “thiếu kỹ năng sống”. Mặt khác, khi cá nhân không xin được việc làm, gặp thất bại trong công việc thì được cho là “thiếu kỹ năng mềm”. Dựa vào đâu để gọi là thiếu KNS hay thiếu kỹ năng mềm? Phải chăng hai dạng kỹ năng này khác nhau? Phân biệt thuật ngữ KNS và kỹ năng mềm vì vậy là một vấn đề cần thiết. Bởi lẽ, nếu không hiểu đúng nội hàm, cũng như mối liên hệ giữa hai dạng kỹ năng này, sẽ dễ dẫn đến những cái nhìn và hành động sai lệch. Sau đây là một số ý kiến về vấn đề này:
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), kỹ năng sống là “khả năng để có hành vi thích ứng (adaptive) và tích cực (positive), giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày.”[36,7]. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) quan niệm “kỹ năng sống là cách tiếp cận giúp thay đổi hoặc hình thành hành vi mới. Cách tiếp cận này lưu ý đến sự cân bằng về tiếp thu kiến thức, hình thành thái độ và kỹ năng.” [38,7]. Theo tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO), “kỹ năng sống gắn với bốn trụ cột của giáo dục. Đó là: Học để biết (Learning to know) gồm các kỹ năng tư duy phê phán,
tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả …; Học làm người (Learning to be) gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin…; Học để sống với người khác (Learning to live together) gồm các kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm thể hiện sự cảm thông; Học để làm (Learning to do) gồm các kỹ năng thực hiện công việc và các nhiệm vụ như: kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm…”.[39,7].
Diễn giả Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị của TGM Corporration, cho rằng “kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người.”[64]. Còn ý kiến về kỹ năng sống, ông cho rằng “kỹ năng sống bao gồm những kỹ năng mềm, cộng thêm những kỹ năng khác giúp chúng ta phản ứng hiệu quả trước những thách thức của cuộc sống, và từ đó vươn lên mạnh mẽ để thành công hơn.”[64]; Theo Huỳnh Văn Sơn - Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Kỹ năng sống chính là những kỹ năng tinh thần hay những kỹ năng tâm lý, kỹ năng tâm lý- xã hội cơ bản giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống.”[64]. Còn ý kiến về kỹ năng mềm, ông cho rằng: “Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng liên quan trực tiếp đến hiệu quả sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người.”[64].
Từ những quan niệm trên, ta thấy KNS và kỹ năng mềm không phải là hai thứ khác nhau, và càng không phải là hai thứ giống nhau, mà kỹ năng mềm chính là một phần của KNS, hay KNS bao gồm kỹ năng mềm. Bởi lẽ, KNS nằm trong một phạm trù mang nghĩa phổ quát và rộng hơn nhiều so với kỹ năng mềm. Kỹ năng sống bao hàm tất cả các kỹ năng thuộc về mặt tâm lý xã hội giúp cá nhân giải quyết có hiệu quả các yêu cầu, thách thức đặt ra của cuộc sống và thích nghi với cuộc sống. Hay nói một cách đơn thuần hơn đó là những kỹ năng giúp chúng ta phản ứng hiệu quả trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Còn kỹ năng mềm trước hết liên quan đến mặt tương tác với
người khác bằng những yếu tố liên quan đến mặt cảm xúc, ngôn ngữ, thái độ nhằm thiết lập ra những mối quan hệ xã hội tích cực để đạt được hiệu quả cao cho công việc nhưng không hoàn toàn đầy đủ để giúp cá nhân thích ứng được với các vấn đề khác nảy sinh từ cuộc sống.
Như vậy kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức, nó hướng đến hiệu quả hay đỉnh cao của việc làm hay nghề nghiệp. Kỹ năng mềm thường gắn liền với những thể hiện của tính cách cá nhân trong một tương tác cụ thể. Kỹ năng mềm là khả năng thiên về mặt tinh thần của cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, công việc nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả.
Có thể nhận thấy mối quan hệ giữa kỹ năng mềm và KNS. Kỹ năng sống giúp con người khả năng tồn tại và thích ứng trước cuộc sống. Đó cũng là một năng lực quan trọng để con người làm chủ được bản thân và chung sống với những người xung quanh cũng như xã hội một cách hiệu quả. Điều đó cho ta thấy KNS bao hàm kỹ năng mềm và rộng hơn khá nhiều. Còn kỹ năng mềm giúp con người “tồn tại” trong công việc và trong những mối quan hệ với con người chứ chưa đề cập đến những kỹ năng giúp con người thích ứng với môi trường xung quanh, thích ứng với thiên nhiên, thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống, những tình huống nguy hiểm hay thậm chí là những tình thế hiểm nghèo và các đại dịch liên quan đến con người.
2.1.2. Một số kỹ năng mềm cơ bản2.1.2.1. Kỹ năng giao tiếp 2.1.2.1. Kỹ năng giao tiếp
Trong các kỹ năng mềm, giao tiếp là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng nhất. Giao tiếp tốt giúp chúng ta xây dựng và duy trì những mối quan hệ hữu ích, thành công trong công việc, xây dựng một hình ảnh cá nhân ấn tượng, cũng như đạt được những mục đích trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi việc giao tiếp không hiệu quả có thể tạo nên những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, dẫn đến nhiều bất lợi trong sự nghiệp và đời sống. Một học giả người Mĩ cho rằng “sự thành công của một con người chỉ
có 15% dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% phải dựa vào những quan hệ giao tiếp và năng lực xử thế của người ấy.”[55,4]. Để giao tiếp có hiệu quả, chúng ta phải biết những kỹ năng giao tiếp cơ bản sau đây.