Bám sát mục tiêu đào tạo

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 41 - 42)

c) Kỹ năng thuyết phục

2.2.3. Bám sát mục tiêu đào tạo

Trong “hoạt động học bao giờ cũng có mục tiêu, từ mục tiêu riêng từng tình huống, từng bài học đến mục tiêu chung của một khóa học, một cấp học cho đến mục tiêu cuối cùng hay mục đích học.”[51,93]. Bám sát mục tiêu đào tạo là nguyên tắc quan trọng trong dạy học nói chung, trong đó có dạy, học VHNN.

Theo từ điển Giáo dục học, mục tiêu đào tạo là “mô hình nhân cách có tính định chuẩn của cả hệ thống giáo dục quốc dân hay của tổng phân hệ giáo dục được xác định trên cơ sở những yêu cầu của xã hội về người công dân, về nguồn nhân lực.”[41,272]. Mục tiêu có 3 cấp: mục tiêu chung, mục tiêu đào tạo, mục tiêu chuyên biệt. Khi dạy, học VHNN trong trường TCCN ta phải bám sát 3 mục tiêu này.

Thứ nhất là mục tiêu chung. Mục tiêu này là do “yêu cầu của xã hội, do các cấp lãnh đạo, quản lí xã hội đề ra; giữ vai trò định hướng về giá trị nhân cách ở cấp toàn xã hội; Đây chính là mục đích, lí tưởng của con người”

[52,28], chẳng hạn mục tiêu chung của giáo dục Việt Nam là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp,trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.”[31,6]. Chính mục tiêu này sẽ định hướng các kỹ năng và phương pháp rèn luyện cho học sinh.

Thứ hai là mục tiêu đào tạo. Đây là “yêu cầu của các cấp quản lí giáo dục, từ Bộ đến trường, phản ánh mục tiêu chung; giữ vai trò mục tiêu về nhân cách, về chất lượng đào tạo cho toàn ngành giáo dục và cho từng bậc học, cấp học (còn có thể cho từng giai đoạn, từng năm học”[52,28]. Điều này được thể hiện rất rõ qua mục tiêu giáo dục từng bậc học trong Luật giáo dục. Khi dạy ở trường nghề ta phải bám sát mục tiêu giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba là mục tiêu chuyên biệt. Mục tiêu này giữ vai trò mục tiêu hành động của thầy và trò, do các nhà sư phạm, các giáo viên đề ra cho từng môn học, chủ đề, vấn đề mình phụ trách, trên từng giờ học, bài học, từng hoạt động… phản ánh mục tiêu đào tạo. Như vậy mỗi một môn học, mỗi một bài học đều có mục tiêu riêng và ta phải bám sát mục tiêu đó. Chẳng hạn khi ta dạy đoạn trích Uy-lít-xơ trở về bám vào mục tiêu sau: “cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người Hi Lạp thể hiện qua cảnh vợ chồng sau hai mươi năm xa cách.”[27,65]. Đồng thời học sinh phải biết phân tích diễn biến tâm lí nhân vật qua các đối thoại trong cảnh gặp mặt để thấy được khát vọng và trí tuệ của họ. Từ đó, xác định những kỹ năng cần rèn luyện cho các em qua bài học.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w