c) Kỹ năng thuyết phục
2.2.1. Dạy học văn bản văn học dịch
Các văn bản VHNN được dạy, học ở trường trung học hiện nay đều là văn bản dịch. So với nguyên tác, văn bản dịch có sự khúc xạ nhất định. Tùy theo thể loại, khả năng người dịch các văn bản có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Tín, đạt, nhã, đó là những yêu cầu cần có của một văn bản dịch. Song thực tế khó văn bản dịch nào đạt được ba yêu cầu đó, nhất là trong thơ. Các văn bản thơ được chọn học trong nhà trường đều được xem là những bản dịch tốt nhất, song giữa bản dịch và nguyên tác vẫn có nhiều khác biệt. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lí Bạch và
Bài thơ số 28 của R.Ta-go là những ví dụ. Trong nguyên tác Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng được làm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, trong khi đó bản dịch thơ theo thể lục bát. Bài thơ số 28 của R.Ta-go, nguyên tác gồm 11 câu thơ văn xuôi, không có tên bài. Trong khi đó bản dịch thơ lại có tên bài với 12 với dòng thơ. Có thể thấy đó là những khác biệt khá lớn về văn bản. Dạy học một văn bản dịch, vì vậy có nhiều khác biệt so với dạy học một văn bản nguyên tác. Nói cách khác, dạy học văn bản dịch có những nguyên tắc riêng, mà trước hết là phải dựa vào những yếu tố ổn định nhất giữa nguyên tác và bản dịch. Đối với thơ, đó là cấu tứ, sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình, hình ảnh; đối với văn xuôi, đó là tình huống, nhân vật, cốt truyện; đối với kịch, đó là xung đột, tình huống, nhân vật... Việc bám sát ngôn ngữ là điều không thể. Bởi lẽ, ngôn ngữ trong văn bản dịch là ngôn ngữ của dịch giả, một thứ ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ nguyên tác. Nắm vững nguyên tắc này không chỉ giúp người dạy, người học hiểu được những giá trị cơ bản về nội dung, nghệ thuật của văn bản mà còn có định hướng đúng trong việc rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh.
Do có sự khác biệt nhất định giữa văn bản nguyên tác và văn bản dịch, để giúp người dạy, người học thấy được điều này, những người biên soạn sách giáo khoa đã cố gắng lựa chọn những bản dịch thơ được xem là tốt nhất,
và cạnh đó là bản dịch nghĩa bài thơ. Đây là việc làm cần thiết, hữu ích, giúp người dạy, người học tiếp cận được các lớp giá trị của bài thơ. Để giúp học sinh đọc hiểu văn bản, trước hết người dạy cần tổ chức cho các em so sánh, đối chiếu, phát hiện những vênh lệch giữa bản dịch nghĩa và bản dịch thơ thông qua phát biểu, xây dựng bài trên lớp hoặc sinh hoạt theo nhóm học tập. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với dạy học văn bản thơ nước ngoài. Theo đó, các em không chỉ nắm được ý nghĩa cơ bản của bài thơ, mà còn được rèn luyện một số kỹ năng mềm, như: kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hoạt động nhóm.
So với thơ, bản dịch văn xuôi ít có sự khác biệt so với nguyên tác. Các yếu tố như: cốt truyện, tình huống, nhân vật, không gian, thời gian, chi tiết, sự kiện... ít thay đổi. Dựa vào những yếu tố đó, giáo viên có thể gợi mở, hướng dẫn các em đọc hiểu văn bản. Chẳng hạn khi dạy tác phẩm Người trong bao
của Sê-khốp, giáo viên gợi cho học sinh thấy được“xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế nặng nề cuối thế kỉ XIX.” [25,65], môi trường xã hội ấy đã sinh ra kiểu người kì quái như Bê-li-cốp. Hay như truyện
Thuốc của Lỗ Tấn, người dạy cho học sinh thấy được không gian văn hóa, phong tục thời Mãn Thanh. Hoặc dạy đoạn trích Số phận con người của Sô- lô-khôp, qua nhân vật Xô-cô-lốp học sinh hiểu rõ được tính cách Nga kiên cường, nhân ái... Những tri thức văn hóa, văn học là cần thiết, hữu ích với các em. Nó không chỉ góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, lối xử thế... cho các em mà còn giúp các em tự tin hơn trong ứng xử, giao tiếp với bạn bè quốc tế - điều mà thế hệ thanh niên ngày nay phải hướng tới.