Phương pháp thảo luận nhóm

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 49 - 51)

c) Kỹ năng thuyết phục

2.3.2.2. Phương pháp thảo luận nhóm

Phương pháp thảo luận nhóm (còn gọi là dạy học hợp tác) là một phương pháp dạy học tích cực, có nhiều ưu thế trong rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, nhất là với học sinh TCCN. Theo Phan Trọng Ngọ, thảo luận nhóm là “phương pháp trong đó nhóm lớn (lớp học) được chia thành những nhóm nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề nào đó”[32]. Phương pháp này xuất hiện từ những năm 70 của thế ki XX, ở một số nước tiên tiến, trước hết ở trong trường sư phạm. Nó được hình thành từ môn học “Năng động tập thể” (Group dynaies), một môn học dạy cho sinh viên kỹ năng làm việc tập thể. Ở Việt Nam, phương pháp này được áp dụng rộng rãi trong dạy học từ những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.

Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học có nhiều ưu điểm. Nếu phương pháp vấn đáp, đàm thoại, nêu vấn đề có tác động tích cực tới sự động não của từng cá nhân riêng lẻ thì phương pháp thảo luận nhóm lại tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm hợp tác làm việc. Mỗi thành viên trong nhóm có điều kiện học hỏi lẫn nhau, biết kiên nhẫn lắng nghe và đánh giá ý kiến của người khác một cách độc lập. Từ đó hình thành thói quen tương tác trong học tập, tăng năng lực hợp tác và không khí hiểu biết, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau.

Phương thức tổ chức hoạt động nhóm đơn giản, dễ thực hiện. Giáo viên chia lớp học thành từng nhóm nhỏ. Tuỳ mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng, các thành viên được phân công mỗi người một phần việc. Trong nhóm nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Để trình bày kết quả làm việc của nhóm trước toàn lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc phân công mỗi thành viên trình bày một phần (nếu nhiệm vụ giao cho nhóm là phức tạp), trong khoảng thời gian quy định, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp. Dạy, học nhóm nếu được tổ chức tốt sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển năng lực cộng tác làm việc và năng lực giao tiếp của học sinh. Trong dạy học văn, phương pháp làm việc nhóm rất hữu ích. Nó không chỉ kích thích hứng thú học tập, mà còn giúp các em hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống…

Với mục đích rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh TCCN qua dạy học VHNN, phương pháp làm việc nhóm có nhiều ưu điểm. Về đối tượng,

học sinh TCCN đều ở tuổi thanh niên, hiếu động, có cá tính. Ở nhà trường, các em được học tri thức văn hóa kết hợp đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi ra trường, các em tham gia vào đời sống xã hội với tư cách những công nhân có tay nghề. Với một đối tượng như vậy, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm là yêu cầu cần thiết, giúp học sinh có khả năng hợp tác lao động sau khi ra trường. Các tác phẩm VHNN luôn mang đến cho học sinh những tri thức phong phú, mới, lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên do sự khác biệt văn hóa, việc tiếp nhận tác phẩm VHNN với học sinh TCCN là điều không dễ, nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy, học. Đó là điều kiện cho hoạt động làm việc nhóm phát huy thế mạnh của mình.

Để hoạt động làm việc nhóm có kết quả, giáo viên phải lựa chọn được đúng vấn đề, gợi mở để các nhóm thảo luận, đi đến cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Chẳng hạn, trong quá trình hướng dẫn các em đọc hiểu truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp, dựa vào phần hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa, kết hợp nêu một số vấn đề mang tính liên hệ với thực tế đời sống, giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm. Theo hướng đó, những kỹ năng tổ chức thảo luận nhóm, hợp tác làm việc và thuyết trình, đối thoại... sẽ được hình thành, củng cố qua từng bài học. Vai trò của giáo viên ở đây là định hướng, gợi mở, tổ chức. Học sinh đóng vai trò chủ thể tích cực trong hoạt động nhóm.

Những phân tích trên cho thấy, với mục đích rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh TCCN, thảo luận nhóm là phương pháp phù hợp, có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, để vận dụng thành công phương pháp này, giáo viên cần nắm vững qui trình tiến hành thảo luận và có kỹ năng sư phạm. Bên cạnh đó, cần phải có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi và sự kết hợp linh hoạt thảo luận nhóm với các phương pháp giảng dạy khác.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w