phân đội trong hoạt động chỉ huy ở đơn vị cơ sở hiện nay
Trình độ tri thức khoa học chỉ huy và thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội ngày càng được nâng lên cùng với sự phát triển của quân đội và xã hội. Người chỉ huy cấp phân đội hiện nay, có điều kiện học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt. Được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, toàn diện, chuyên sâu về khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự, khoa học chỉ huy; được rèn luyện trong môi trường chính quy, khoa học để có thể lực và nếp sống quân sự, tác phong của người cán bộ chỉ huy... do vậy, đa số họ có trình độ học vấn cao, có bước tiến bộ đáng kể so với các thế hệ trước đây, đồng thời, đó cũng là điều kiện thuận lợi để họ củng cố, nâng cao trình độ tri thức và thực tiễn chỉ huy trong hoạt động chỉ huy ở đơn vị cơ sở. Theo số liệu, báo cáo của các nhà trường, đơn vị. Từ năm 2006 đến năm 2013, đa số học viên đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, có kết quả học tập khá, rèn luyện tốt; có trình độ tri thức khoa học chỉ huy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chức trách người chỉ huy cấp phân đội trong tình hình mới [xem phụ lục 4]. Báo cáo tình hình cán bộ năm 2012 của Sư đoàn B09, Quân đoàn 4, số cán bộ qua trường đào tạo cơ bản: đại đội trưởng 100%, trung đội trưởng 97,26% [11, tr.3]. Điều đó phản ánh trình độ tri thức của người chỉ huy cấp phân đội được tăng lên, ngày càng khẳng định năng lực làm chủ hoạt động chỉ huy của họ ở đơn vị cơ sở.
Hoạt động thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội, dựa trên mức độ lĩnh hội và hiểu biết toàn diện, chuyên sâu về kiến thức quân sự, quốc phòng; kiến thức chuyên ngành chỉ huy, tham mưu và kỹ năng, kỹ xảo trong tiếp nhận, xử lý tình huống có vấn đề trong thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện và các công tác khác. Do đó, họ phải có trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ toàn diện, nhất là tri thức về khoa học chỉ huy, quản lý bộ đội, đồng
thời phải có kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng hoạt động chỉ huy cấp phân đội. Việc nâng cao trình độ tri thức khoa học và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan nói chung, người chỉ huy cấp phân đội nói riêng, luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội, trong đó: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng hiện đại, chuẩn hoá, chuyên sâu; gắn đào tạo cơ bản tại trường với bồi dưỡng tại chức và rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; thông qua thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn và phát triển tài năng của cán bộ” [109, tr.5], có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay. Đây chính là cơ hội, điều kiện tốt để người chỉ huy cấp phân đội phát triển trình độ tri thức và thực tiễn chỉ huy của mình.
Với phương châm đào tạo người chỉ huy cấp phân đội: “hiểu cấp dưới, giỏi cấp mình, làm được cấp trên” không chỉ được quán triệt trong quá trình đào tạo tại nhà trường mà còn được quán triệt trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị. Trên thực tế, các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên luôn quan tâm đến sự phát triển tri thức khoa học và thực tiễn chỉ huy cho người chỉ huy cấp phân đội. Nhiều đơn vị đã rất coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt cho người chỉ huy cấp phân đội, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong chính quy, khoa học trong công việc, trong ứng xử các tình huống nảy sinh từ thực tiễn, điều đó đã trực tiếp góp phần củng cố, bổ sung và phát triển trình độ tri thức, năng lực chỉ huy cho họ. Do thường xuyên được bồi dưỡng các nội dung chuyên sâu theo chức trách nhiệm vụ, với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, thiết thực, cụ thể, sát với thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị. Cho nên, người chỉ huy cấp phân đội đã luôn nhận thức và tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, có bản lĩnh vững vàng, không ngả nghiêng, dao động; tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo trong quán triệt và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, quản lý, huấn luyện, bảo đảm đúng đối tượng, chất lượng, hiệu quả; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu mới của thực tiễn quân sự và chất lượng công tác chỉ huy ở đơn vị.
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 72,8% cán bộ chỉ huy cấp phân đội ở các đơn vị đã vận dụng có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách [xem phụ lục 3]. Báo cáo tình hình cán bộ năm 2013 của Sư đoàn B, Quân khu 1, khẳng định: Đội ngũ cán bộ trong toàn đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Phẩm chất, trách nhiệm tốt, phần lớn đã biết vận dụng những kiến thức đã học ở trường vào chỉ huy, quản lý, huấn luyện và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, tốt của cán bộ trung đội 77,72%, cán bộ đại đội 80,34%, cán bộ tiểu đoàn 84,12% [12, tr.4]. Điều đó cho thấy, tri thức chỉ huy đã có đóng góp rất quan trọng.
Người chỉ huy cấp phân đội ở các đơn vị hiện nay, họ không chỉ dừng lại ở những kiến thức và thực tiễn được trang bị trong nhà trường, mà luôn tích cực chủ động vươn lên nắm bắt những đỉnh cao tri thức khoa học và thực tiễn chỉ huy quân sự hiện đại, những kinh nghiệm của cha ông thông qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời vận dụng sáng tạo, có hiệu quả những tri thức đó vào thực tiễn hoạt động chỉ huy cấp phân đội. Đó là cơ sở vững chắc để họ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tránh tụt hậu, luôn theo kịp với sự phát triển của quân đội và xã hội. Trải qua quá trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện trong môi trường nghiêm túc, chặt chẽ, chính quy và khoa học, đã không chỉ giúp họ phát triển các phẩm chất trí tuệ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội, mà còn tạo điều kiện để họ trải nghiệm, rèn luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh... xây dựng ý thức, trách nhiệm cao đối với nghề nghiệp. Kết quả điều tra xã hội học ở đơn vị về trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của người chỉ huy cấp phân đội cho thấy, tốt 28,6%, khá 47,3%, trung bình 23,6%, yếu 0,5% [xem phụ lục 3].
Tri thức khoa học, tính độc lập, tự chủ, quyết đoán, kiên định, sáng tạo, ý chí, nghị lực, v.v.. là những đặc trưng cơ bản, quan trọng của người có bản lĩnh, khẳng định trình độ tri thức và năng lực làm chủ của con người trong các mối quan hệ cụ thể. Đó chính là sự vươn lên, không cam chịu, chấp nhận của mỗi con người trước hoàn cảnh và sự vượt lên chính mình, để thực hiện mục đích của mình, hoàn thiện mình, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Ở người chỉ huy cấp phân đội hiện nay, những đặc trưng này được thể hiện đầy đủ trong thực tiễn hoạt động chỉ huy, quản lý và huấn luyện ở đơn vị, với khả năng ứng xử chủ động, linh hoạt, nhưng luôn giữ vững mục đích, nguyên tắc và hiệu quả. Trả lời câu hỏi: “Đâu là phẩm chất cần thiết, quan trọng đối với người chỉ huy cấp phân đội?”, có 73,5% số được hỏi chọn “tri thức khoa học và thực tiễn chỉ huy”, 71,9% lựa chọn “khả năng độc lập, tự chủ, kiên định, quyết đoán trong hoạt động chỉ huy”, 69,8% lựa chọn “thái độ tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, 65,3% lựa chọn “ý chí, nghị lực, khả năng ứng xử chủ động, chính xác các tình huống nảy sinh từ thực tiễn” [xem phụ lục 1]. Điều đó chứng tỏ họ đã rất coi trọng tri thức khoa học và thực tiễn chỉ huy.
Khả năng vận dụng khoa học hệ thống tri thức trong thực tiễn hoạt động chỉ huy - tiêu chí cơ bản nhất trong đánh giá trình độ tri thức và thực tiễn chỉ huy trong hoạt động chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay, vẫn là vấn đề chứa đựng nhiều khía cạnh cần có sự quan tâm đặc biệt. Đúng như V.I. Lênin đã khẳng định: “Thêm nữa là chúng ta căn cứ vào điều gì để xét đoán những “tư tưởng và tình cảm” thực sự của cá nhân có thực? Tất nhiên, căn cứ đó chỉ có thể là những hoạt động của các cá nhân ấy” [63, tr.531]. Khảo sát thực trạng theo tiêu chí này cho thấy, bước đầu người chỉ huy cấp phân đội đã vận dụng khá hiệu quả lý luận và kinh nghiệm khoa học trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được phân công. Họ đã cơ bản thích ứng được với tình hình thực tiễn đơn vị, nắm bắt các vấn đề nảy sinh để giải quyết kịp thời. Kết quả điều tra
xã hội học về chất lượng hoạt động chỉ huy, tốt 67,6%, chưa tốt 26,9%; chất lượng tổ chức, quán lý đơn vị, tốt 68,7%, chưa tốt 28,6% [xem phụ lục 1].
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên trong việc nâng cao trình độ tri thức và thực tiễn chỉ huy cho người chỉ huy cấp phân đội còn có hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, người chỉ huy ở các đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của người chỉ huy cấp phân đội, chưa chú trọng bồi dưỡng tri thức khoa học và thực tiễn chỉ huy cho họ. Việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đôi khi còn chậm, các chủ trương, chính sách thiếu đồng bộ, chưa chú trọng rút kinh nghiệm kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện còn nhiều bất cập, chưa theo sát sự phát triển của thực tiễn và yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ người chỉ huy cấp phân đội. Cơ sở vật chất, phương tiện đảm bảo cho hoạt động chỉ huy, quản lý thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện tốt nhất để người chỉ huy cấp phân đội phát huy trình độ, năng lực, bản lĩnh. Thực trạng đó đã tạo ra những trở lực không nhỏ cho quá trình phát triển tri thức và thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay.
Trên thực tế, còn một số cán bộ chỉ huy cấp phân đội thiếu tu dưỡng, rèn luyện, học tập vươn lên, dẫn đến hạn chế về trình độ tri thức và thực tiễn tổ chức chỉ huy, quản lý, huấn luyện và giáo dục bộ đội. Trong công tác còn biểu hiện thụ động, lúng túng, chưa thực sự làm chủ được nội dung, phương pháp chỉ huy, quản lý. Kết quả điều tra xã hội học tại các đơn vị: Quân khu 1, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân đoàn 4, cho thấy, 69,8% người chỉ huy cấp phân đội đã kết hợp giữa nhận thức với hoạt động thực tiễn, nắm vững lý luận, vận dụng sát đối tượng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, khả năng phát hiện và xử lý mâu thuẫn, tình huống thiếu linh hoạt 12,4% [xem phụ lục 3]. Khả năng tổ chức chỉ huy, quản lý, huấn luyện ở một số chỉ huy cấp phân đội chưa theo kịp với những bổ sung, phát triển mới các nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Một số do
không được đào tạo cơ bản, dẫn đến kiến thức thiếu hệ thống, năng lực thực tiễn, kinh nghiệm chỉ huy, quản lý bộ đội yếu. Một số khác, quá trình rèn luyện, trải nghiệm thực tiễn khi ở cương vị chỉ huy chưa tương xứng, tính kế hoạch, sự gương mẫu, năng lực thực hành kém... cho nên, khi trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu tính thuyết phục. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển trình độ tri thức và thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay.
Một số cán bộ chỉ huy cấp phân đội còn hạn chế về chiều sâu kiến thức, đặc biệt, tri thức thực tiễn chỉ huy còn thiếu sự phong phú và độ vững chắc, chủ yếu mới chỉ là thực tiễn thông thường được trang bị ở nhà trường, nặng về trực quan cảm tính. Khi trao đổi về khả năng tổ chức chỉ huy, quản lý của đội ngũ cán bộ chỉ huy cấp phân đội, có đồng chí rất “thuộc” về lý thuyết, song hỏi cụ thể về một vấn đề cần có tri thức thực tiễn và sự vận dụng thì họ rất khó trả lời. Tri thức lý luận của một bộ phận chỉ huy cấp phân đội cũng thiếu chiều sâu cần thiết. Tính toàn diện và chuyên sâu của hệ thống tri thức tổng hợp về đời sống xã hội còn nhiều bất cập. Nghị quyết 94/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương đã nhận định: “Một bộ phận cán bộ, trình độ kiến thức còn thiếu hệ thống, cơ bản toàn diện, cán bộ tư duy lý luận chưa phát triển kịp với chức năng của quân đội trong thời kỳ mới, năng lực tổ chức, quản lý, đấu tranh thuyết phục còn hạn chế, chưa năng động, nhạy bén xử lý các tình huống phức tạp” [31, tr.2].
Với người chỉ huy cấp phân đội hiện nay, sự tự ý thức về bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm và vị trí vai trò của mình chưa cao. Năng lực tự khẳng định mình ở người chỉ huy cấp phân cũng còn nhiều hạn chế. Ở họ, khi phải xử lý, lựa chọn dứt khoát trước những tình huống, vấn đề cần giải quyết, hoặc tỏ thái độ trong phân biệt đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu, v.v.. tính độc lập, quyết đoán chưa cao, nhiều khi chưa thật kiên quyết, rõ ràng. Sự thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ và đối với chính mình còn ở mức độ hạn chế nhất định. Nhu cầu khẳng định mình khá cao, trong khi ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình chưa thật đầy đủ, năng lực tự khẳng định mình còn hạn chế, dễ dẫn tới nhận thức và
hành động hoặc là tuyệt đối hoá cá nhân, hoặc là buông xuôi, ỷ lại, thụ động. 12,3% số người được hỏi cho rằng, ở đơn vị mình có hiện tượng cán bộ phân đội “ỷ lại, dựa dẫm, kém nhiệt tình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ” [xem phụ lục 3]. Với những biểu hiện hạn chế như vậy, ở người chỉ huy cấp phân đội sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa nhận thức và hành động còn có khoảng cách không nhỏ. Điều đó tất yếu ảnh hưởng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị cũng như sự trưởng thành của họ.
Phát triển tri thức và thực tiễn chỉ huy cho người chỉ huy cấp phân đội hiện nay, ngày càng có nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp, sát thực tiễn hơn. Về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và quân đội trong tình hình mới, nhưng vẫn chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn quân đội và xã hội. Hạn chế đó là do nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị, phương thức tác chiến của quân đội có bước phát triển mới; đội ngũ cán bộ chỉ huy cấp phân đội tuy được đào tạo cơ bản, nhiệt tình, trách nhiệm, nhưng kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều; đời sống kinh tế, chính trị - xã hội có những phát triển đáng kể và những tác động đa chiều của nó đến người chỉ huy cấp phân đội. Điều đó đã thực sự mang lại cả thuận lợi và khó khăn trong