chỉ huy cấp phân đội hiện nay
Việc rèn luyện người chỉ huy cấp phân đội để củng cố, phát triển trình độ, năng lực, bản lĩnh chỉ huy của họ phụ thuộc rất lớn vào công tác tổ chức và quản lý, chất lượng và hiệu quả của hoạt động thực tiễn chỉ huy. Vì vậy, cần tổ chức khoa học, nâng cao chất lượng các hoạt động thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục, v.v.. từ đó mà tác động tích cực đến quá trình rèn luyện nhằm phát triển bản lĩnh chỉ huy của họ. Trong Chiến lược cán bộ
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã khẳng định: “Không đánh giá, sử dụng cán bộ một cách cảm tính, chủ quan, mọi phẩm giá và bằng cấp, danh hiệu và chức vụ, tài năng và cống hiến đều phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn” [24, tr.31], đồng thời, “thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ” [24, tr.77].
Nâng cao chất lượng hoạt động thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay cần thực hiện một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, bảo đảm tính khoa học trong xây dựng kế hoạch hoạt động thực tiễn chỉ huy. Bởi vì, làm việc có kế hoạch luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo
của con người trong hoạt động thực tiễn, là nội dung then chốt, đồng thời cũng là phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy bộ đội ở mọi cấp. Cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp cần căn cứ vào tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ, chức năng, biên chế, tổ chức, truyền thống của đơn vị... để xây dựng kế hoạch với nội dung, biện pháp, cơ sở vật chất bảo đảm, yêu cầu về thời gian, số lượng, chất lượng công việc phải hoàn thành, các tình huống có thể xảy ra... Kế hoạch đó phải dựa trên cơ sở nguyên tắc, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng cụ thể vào tình hình
phân đội, tránh chủ quan phiến diện, chung chung, trừu tượng thiếu sát thực. Trong kế hoạch hoạt động phải xây dựng được hệ thống biện pháp khoa học, đa dạng, phong phú, sát thực tế chiến đấu và có tính khả thi cao.
Kế hoạch hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội có thể là kế hoạch dài hạn hay ngắn hạn, nhưng đều phải bảo đảm tính toàn diện, tính cụ thể, nhất quán, lôgíc và có sự bổ sung, hoàn thiện cho nhau. Cùng với xây dựng kế hoạch tổng thể trên tất cả các mặt, các nhiệm vụ, phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng mặt, từng nhiệm vụ. Cần đặc biệt quan tâm xây dựng kế hoạch sát thực tế chiến đấu với các đối tượng, bộ phận ở phân đội và mềm dẻo trong vận dụng, phát triển và bổ sung kế hoạch. Trong kế hoạch phải dự kiến được các tình huống, có phương án phù hợp để xử lý tình huống.
Hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội phải được tổ chức có kế hoạch khoa học, sát thực tế chiến đấu, phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình, qua đó rèn luyện bản lĩnh, khơi dậy tiềm năng và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của họ. Tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy phải phù hợp với khả năng, sở trường và sự thích ứng của người chỉ huy cấp phân đội, qua đó kích thích tính độc lập quyết đoán, tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của mỗi người. Tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội phải bảo đảm tính liên tục, phong phú với các tình huống và những giả định chiến thuật sát thực tế chiến đấu, luôn đặt ra yêu cầu cao về kỹ năng, kỹ xảo và khả năng ứng xử chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện ở đơn vị, đồng thời, cần khắc phục những điều kiện ảnh hưởng tới tính độc lập quyết đoán, tự chủ, kiên định, sáng tạo của người chỉ huy cấp phân đội, như: sự chây lười, thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu tích cực trong giải quyết các tình huống nảy sinh từ thực tiễn.
Để hiện thực hoá kế hoạch hoạt động thực tiễn chỉ huy đã xác định, ngoài việc phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn đơn vị, cần huy động tối đa nỗ lực của chủ thể, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các tổ chức và cần có những hình thức, phương pháp phong phú, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở cấp phân đội.
Hai là, nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội. Tổ chức hiệu quả hoạt động thực tiễn chỉ huy với những tình huống sát
thực tế chiến đấu của người chỉ huy cấp phân đội là một trong các khâu có ý nghĩa quyết định trong đánh giá trình độ, năng lực, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên, trong đó có khả năng chỉ huy, quản lý, huấn luyện và giáo dục của người chỉ huy cấp phân đội. Tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội cần có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể và có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất giữa các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị.
Ở phân đội hiện nay, hoạt động thực tiễn chỉ huy, cần tập trung nâng cao chất lượng thực tiễn huấn luyện, khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu sát với sự phát triển của tình tình, nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn tác chiến; tổ chức có hiệu quả các cuộc diễn tập tổng hợp, diễn tập đối kháng cấp phân đội, bài tập thực hành, các tình huống giả định... Các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên cần sâu sát, tỉ mỉ, kịp thời uốn nắn, chỉ đạo, bổ sung về phương pháp, cách thức và nội dung hoạt động cho người chỉ huy cấp phân đội. Qua đó, giúp họ biết nhận định, đánh giá đúng tình hình, đưa ra quyết định, hạ quyết tâm chính xác, nâng cao khả năng phân tích, tổng hợp, dự báo và xử lý linh hoạt, nhạy bén các tình huống quân sự, và trên cơ sở rèn luyện các khả năng này làm cho bản lĩnh chỉ huy của họ được củng cố, phát triển.
Quá trình giải quyết các tình huống sát thực tế chiến đấu có tính phức tạp trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẽ góp phần nâng cao bản lĩnh, tinh thần, ý chí cho người chỉ huy cấp phân đội. Điều này giúp cho họ rèn luyện để nâng cao các phẩm chất tinh thần như bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, có ý chí quyết tâm cao và phát huy tốt hơn cương vị, chức trách người chỉ huy cấp phân đội. Ngược lại, nếu người chỉ huy cấp phân đội không được rèn luyện trong hoạt động thực tiễn chỉ huy, đặc biệt là các tình huống sát thực tế chiến đấu khó khăn, phức tạp, thì sẽ thiếu bình tĩnh và sáng suốt trong nhận thức và hành động.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy gắn với những tình huống chỉ huy sát thực tế chiến đấu ở phân đội, cần liên tục tạo ra những cơ sở cho sự rèn luyện, phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội, tạo dựng được các chuẩn mực, những kinh nghiệm chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục trong hoạt động chỉ huy để họ kế thừa, phát triển. Các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên cần mạnh dạn sử dụng người chỉ huy cấp phân đội trong thực hiện các nhiệm vụ, tham gia giải quyết các tình huống có vấn đề, đồng thời, luôn có sự giám sát, giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cũng như uốn nắn, sửa chữa kịp thời những hạn chế, non yếu của họ. Trong bối cảnh tình hình mới, tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy ở phân đội phải biết phát huy những kinh nghiệm truyền thống, biết bám sát đối tượng tác chiến, dự kiến các tình huống và phương án giải quyết phù hợp.
Hiệu quả tổ chức hoạt động thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội phát huy cao nhất, khi được các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên quan tâm, động viên kịp thời, hướng dẫn, phân công trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau và nhất là sự hướng dẫn, bồi dưỡng trực tiếp của cấp trên đối với cấp dưới.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy chiến đấu trong hoạt động thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội. Bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy chiến
đấu là một nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, đồng thời còn là vấn đề chiến lược trong xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội. Thông qua bồi dưỡng, rèn luyện làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nắm vững các kỹ năng, kỹ xảo chiến đấu, hiểu biết về chiến thuật, cách đánh địch và nghệ thuật quân sự, giúp họ làm quen với những tình huống thực sự của chiến tranh, nhất là những tình huống phức tạp, ác liệt của cuộc chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao, nâng cao trình độ, bản lĩnh chiến đấu và ý chí, nghị lực, khả năng chiến thắng đối phương trên chiến trường.
Bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy chiến đấu cho người chỉ huy cấp phân đội, phải tập trung nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, bản lĩnh toàn diện cho họ, theo hướng “cơ bản, thiết thực, vững chắc và chuyên sâu”, nhằm hướng tới yêu cầu đánh thắng các loại hình, các quy mô chiến tranh xâm lược trong điều kiện chiến tranh thông thường cũng như khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và yêu cầu đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của địch… để bồi dưỡng, rèn luyện người chỉ huy cấp phân đội có bản lĩnh chiến đấu kiên định, vững vàng.
Bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy chiến đấu cho người chỉ huy cấp phân đội, phải hết sức coi trọng chất lượng cán bộ, coi đó là khâu then chốt quyết định chất lượng của từng đơn vị và trong toàn quân. Nội dung và phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện phải đảm bảo cho họ nắm vững đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân của Đảng; thấy rõ âm mưu cơ bản và thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với đất nước và đối với từng địa bàn đơn vị đóng quân. Đối với người chỉ huy cấp phân đội, phải tập trung bồi dưỡng năng lực tổ chức thực tiễn chỉ huy và phương pháp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, thể lực. Đặc biệt là cách điều hành, chỉ đạo huấn luyện chiến thuật, huấn luyện cơ động phòng tránh, đánh trả trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Cần xác định các phương án tối ưu, đưa bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy chiến đấu cho người chỉ huy cấp phân đội sát với yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động của từng lực lượng, phù hợp với tổ chức, biên chế, trang bị và cách đánh truyền thống của ta. Từng bước tiếp cận, khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao. Tập trung bồi dưỡng, rèn luyện thật cơ bản để đạt được trình độ thuần thục, vững chắc, làm cơ sở vận dụng khi huấn luyện cũng như trong diễn tập và thực hành chiến đấu. Chú trọng nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến của các lực lượng trên từng địa bàn, từng khu
vực, làm cơ sở nâng cao khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cho người chỉ huy cấp phân đội có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Bốn là, người chỉ huy cấp phân đội tích cực, tự giác tham gia vào các hình thức diễn tập chiến đấu, diễn tập tổng hợp, diễn tập chống chiến lược diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của địch để rèn luyện, bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất chỉ huy chiến đấu. Không thể giáo dục cho con người trở nên
dũng cảm nếu như không đưa người đó vào những điều kiện, tình huống mà họ có thể thể hiện được lòng dũng cảm. Sự thông minh thuần tuý và đơn giản không làm cho người ta trở lên dũng cảm, vì những người thông minh nhất thường thường lại hay thiếu tính quyết đoán. Sự thông minh trước tiên phải thức tỉnh ý thức về lòng dũng cảm. Do vậy, diễn tập chiến đấu là điều kiện hết sức thuận lợi để rèn luyện và bồi dưỡng kỹ năng, kỹ xảo thực hành chỉ huy chiến đấu, giáo dục lòng dũng cảm, tính kiên cường, chịu đựng gian khổ, tính năng động, sáng tạo, quyết đoán cho người chỉ huy cấp phân đội. Thông qua các hình thức diễn tập sát với thực tế chiến đấu, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện nguỵ trang, nghi binh… để trực tiếp giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cho họ những phẩm chất chỉ huy chiến đấu cơ bản.
Năm là, coi trọng kiểm tra, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm hoạt động thực tiễn chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết
kinh nghiệm là một trong các khâu cơ bản để nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh cho người chỉ huy cấp phân đội. V.I. Lênin đã chỉ ra rất rõ rằng, kinh nghiệm thực tiễn không những có giá trị trong việc xác định nội dung hoạt động mà còn giúp tìm ra hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện nội dung đó. V.I. Lênin khẳng định: “Sức mạnh của chúng ta đã và luôn luôn sẽ là nhìn nhận những thất bại nặng nề nhất một cách hoàn toàn tỉnh táo, và rút ra từ những thất bại ấy những bài học kinh nghiệm để xem cần sửa đổi những gì trong hoạt động của chúng ta... chúng ta sẽ không bao giờ học được cách giải quyết những nhiệm vụ của mình bằng những phương pháp mới, nếu như kinh nghiệm ngày hôm qua
đã không mở mắt cho chúng ta thấy những sai lầm của những phương pháp cũ” [70, tr.255]. Điều đó là rất quan trọng và cần thiết không những về mặt chân lý lý luận, mà cả về mặt thực tiễn nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê bình lối làm việc “không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc”, đồng thời cũng chỉ ra tác động to lớn của công tác tổng kết thực tiễn đối với sự phát triển trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên. Người viết: “Từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng” [82, tr.243].
Quá trình kiểm tra, đánh giá tổng kết kinh nghiệm, cần phải đứng vững trên lập trường cách mạng, khoa học, mở rộng dân chủ và phải trung thực, có tư duy tích cực, sáng tạo, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để có đủ luồng thông tin chính xác, tin cậy, cập nhật. Phải triệt để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần dân chủ từ trên xuống và từ dưới lên để rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp cần thường xuyên giáo dục tinh thần tự phê bình và phê bình trong công tác, sinh hoạt với mọi đối tượng, từ đó tìm ra những thành công, thất bại, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm. Tổng kết thực tiễn cần được tiến hành có nền nếp, xây dựng thành phong cách sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ nói chung, người chỉ huy cấp phân đội nói riêng. Quá trình tổng kết kinh nghiệm cũng đòi hỏi những bài học rút ra từ thực tiễn, phải vượt qua trình độ nhận thức cảm tính để vươn tới trình độ khái quát lý luận ngày càng cao hơn, sâu sắc hơn