người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị
Những ưu điểm, nhược điểm về trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý, giáo dục bộ đội của người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị cơ sở hiện nay, cần được các chủ thể xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, nhất là trong mối quan hệ giữa đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng sau đào tạo của đội ngũ cán bộ chỉ huy cấp phân đội. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm, xác định các biện pháp phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng để phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực cho họ. Các nhà trường đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, nơi trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, hình thành cho họ kỹ xảo, kỹ năng hoạt động chỉ huy, quản lý; đơn vị cơ sở sẽ trực tiếp kiểm nghiệm, bổ sung kiến thức thực tiễn, rèn luyện, nâng cao kỹ xảo, kỹ năng hoạt động chỉ huy, quản lý. Do đó, “gieo mầm” tốt, tạo nền tảng vững chắc ngay từ đầu sẽ là cơ sở để người chỉ huy cấp phân đội ra trường công tác có điều kiện phát triển các phẩm chất, năng lực toàn diện trong đó có bản lĩnh chỉ huy.
Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp họ củng cố, bổ sung, hoàn thiện về tri thức lý luận, kỹ năng chỉ huy, quản lý... mà còn giúp họ trải nghiệm, rèn luyện thử thách trong thực tiễn các nhiệm vụ, để nhanh chóng thích nghi, khẳng định trình độ năng lực làm chủ hoạt động chỉ huy của mình. Đặc biệt trước sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của tình hình và nhiệm vụ; sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ hiện đại, khoa học - công nghệ quân sự, thì hoạt động tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị càng có vai trò quan trọng, giúp họ nhanh chóng trưởng thành, tự khẳng định mình, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ. Hơn nữa, dù nội dung, chương trình đào tạo tại nhà trường có được hoàn thiện thường xuyên, nhà trường cũng chỉ trang bị cho người học những kiến thức và phương pháp cơ bản mà thôi. Để nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị hiện nay cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và quản lý khoa học kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội.
Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội bao gồm: kế hoạch thường xuyên, định kỳ và các phương án bổ sung kế hoạch; có sự phân cấp tổ chức, quản lý và đảm nhận các nội dung tập huấn, bồi dưỡng. Qua thực tế ở Sư đoàn B, Quân khu 1; Sư đoàn B09, Quân đoàn 4;... công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ đã được các đơn vị tổ chức có nền nếp, với kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên theo tuần, tháng, quý, năm và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đột xuất. Tập huấn, bồi dưỡng hàng tuần được thực hiện vào một ngày xác định (tuỳ cấp) với một trong các nội dung: tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật... chú trọng khâu yếu, nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp. Hàng tháng thực hiện bồi dưỡng một đơn vị điển hình để rút kinh nghiệm chung. Trên cơ sở lựa chọn những đồng chí tiêu biểu và giao các nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ công tác đòi hỏi tính chỉ huy độc lập để thử thách và theo dõi, phân công ủy viên phụ trách, giúp
đỡ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Hàng quý, cấp trên (sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn) có thể theo dõi, bám nắm, chỉ đạo, gặp gỡ trao đổi với các đơn vị điển hình hoặc thành phần cá biệt. Theo phân cấp, cán bộ cấp trên bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới với những nội dung, tiêu chí xác định, bảo đảm sát chức trách, nhiệm vụ, ví như: Tiểu đoàn bồi dưỡng tới cấp trung đội, tập trung triển khai huấn luyện, bình chọn qua hội thi, hội thao để bồi dưỡng, thời gian được tính theo mùa huấn luyện.
Từ kinh nghiệm thực tế trên, các đơn vị cần tiếp tục triển khai kế hoạch công tác bồi dưỡng cho cán bộ ở đơn vị mình, chú trọng sĩ quan cấp phân đội. Kế hoạch phải khoa học, chặt chẽ, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị và có tính thiết thực, khả thi. Việc quản lý, phê duyệt kế hoạch phải được tiến hành tuần tự, đúng quy định, gắn kết trách nhiệm, đề cao tính thực tiễn, mền dẻo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị là tiêu chí để đánh giá hiệu quả kế hoạch bồi dưỡng sĩ quan phân đội.
Thứ hai, nội dung tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội phải sát cương vị, chức trách và phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện cụ thể.
Thực hiện quan điểm: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng hiện đại, chuẩn hoá, chuyên sâu; gắn đào tạo cơ bản tại trường với bồi dưỡng tại chức và rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; thông qua thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn và phát triển tài năng của cán bộ” [109, tr.5]. Việc xác định nội dung tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội ở đơn vị phải rất cụ thể, thiết thực, tương ứng với mỗi chức vụ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn điều kiện, hoàn cảnh của quân đội và đất nước hiện nay.
Tập huấn, bồi dưỡng toàn diện về tri thức, năng lực, bản lĩnh, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong, v.v.. là nội dung vừa có tính cơ bản, lâu dài, vừa mang ý nghĩa trực tiếp, cấp bách trước tình hình thực tiễn mới. Cần phải kịp thời bồi dưỡng những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn chỉ huy cụ thể ở đơn vị và tăng cường rèn luyện, thử thách trong thực tiễn các nhiệm vụ đối với người chỉ huy cấp
phân đội, chú trọng số mới ra trường. Đồng thời, cần đánh giá đúng chất lượng hoạt động chỉ huy của họ, từ đó tìm ra nguyên nhân để có biện pháp bồi dưỡng tiếp theo. Người chỉ huy cấp phân đội hiện nay sinh ra và lớn lên trong thời bình, được sự quan tâm, ưu tiên toàn diện của gia đình, nhà trường và xã hội, chưa trải qua khó khăn gian khổ của thực tiễn hoạt động quân sự, ở họ còn nhiều hạn chế, nhất là thể lực, động tác, tác phong, tư duy, tư chất chỉ huy, v.v.. do đó, cần có nội dung, biện pháp, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cụ thể, thiết thực cho việc rèn luyện qua thực tế các nhiệm vụ với những tình huống khó khăn phức tạp, giúp họ nhanh chóng thích ứng và vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ chức trách được giao. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với người chỉ huy cấp phân đội hiện nay: “nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, nguyên tắc công tác, nhất là năng lực thực tiễn chỉ huy quản lý, tổ chức huấn luyện, rèn luyện bộ đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện” [109, tr.7]. Càng đương đầu với những thử thách khốc liệt của thực tiễn hoạt động quân sự, người chỉ huy cấp phân đội càng dày dạn, càng kiên cường, nhất là trong những tình huống khó khăn, phức tạp sát thực tế chiến đấu, thì bản lĩnh chỉ huy của họ càng được khẳng định mạnh mẽ, tạo ra những bước đột phá để phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Nội dung tập huấn, bồi dưỡng phải bảo đảm tính cập nhật, liên tục của tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng,... đặc biệt là những tri thức mới, kinh nghiệm hay, kỹ năng giỏi và những vấn đề liên quan trực tiếp tới hoạt động quân sự nói chung và hoạt động chỉ huy ở phân đội nói riêng, đồng thời phải phù hợp với từng giai đoạn, từng nội dung huấn luyện và nhiệm vụ cụ thể. Bảo đảm tốt mối quan hệ thống nhất các nội dung tập huấn, bồi dưỡng chung cho tất cả các đối tượng sĩ quan phân đội và các nội dung giành cho người chỉ huy cấp phân đội.
Thứ ba, phát huy sức mạnh của các tổ chức, đa dạng hoá các hình thức tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội.
Cần phát huy đúng chức năng, vai trò các tổ chức trong xây dựng đơn vị, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các tổ chức, tăng cường lãnh đạo, chỉ huy trong nâng cao chất lượng, hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân
đội. Đồng thời, cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tập huấn, bồi dưỡng, như: toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, hội thi, hội thao, thực hành chức trách nhiệm vụ, rèn luyện qua thực tế công tác, giáo dục, động viên, kết hợp các loại hình hoạt động thực tiễn quân sự, tổ chức kèm cặp giúp đỡ lẫn nhau, v.v.. Ngày nay, người chỉ huy cấp phân đội ngoài thực hiện nhiệm vụ chức trách được phân công, họ còn phải tích cực tham gia trên mặt trận đấu tranh chính trị, tư tưởng nhằm chống lại các quan điểm cơ hội xét lại, chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của địch, qua đó góp phần phát triển tri thức lý luận, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chỉ huy. Sử dụng tốt các loại hình tập huấn, bồi dưỡng tập trung và tại chức, dài hạn và ngắn hạn, đa ngành và chuyên ngành, cùng cấp và nhiều cấp; đồng thời tận dụng xu thế xã hội hoá công tác giáo dục - đào tạo để bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội hiện nay.
Thứ tư, tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội thông qua công tác luân chuyển cán bộ.
Thực hiện chủ trương “đưa luân chuyển cán bộ thành việc làm thường xuyên”, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển cán bộ, đặc biệt đối với việc rèn luyện bản lĩnh, khẳng định trình độ, năng lực trong hoạt động thực tiễn của họ. Thông qua luân chuyển cán bộ để có môi trường, điều kiện hoàn cảnh mới kích thích tính tích cực của đội ngũ cán bộ, phát huy trình độ, năng lực, trách nhiệm trong xây dựng đơn vị mới. Đồng thời, ở đơn vị mới sẽ có điều kiện mới để bồi dưỡng hệ thống tri thức kinh nghiệm và những phẩm chất, năng lực mới phong phú góp phần cho sự phát triển toàn diện về mặt nhận thức, thực tiễn của người chỉ huy cấp phân đội. Luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn cần được quán triệt và thực hiện tốt ở mọi cấp, trong đó có phân đội. Tuy nhiên, luân chuyển không đồng nghĩa với sự đảo lộn, áp đặt mang tính cục bộ, vì động cơ cá nhân. Hơn nữa, đối với người chỉ huy cấp phân đội đang còn hạn chế về kinh nghiệm, trước khi quyết định luân chuyển cần quán triệt, hướng dẫn, bàn giao tỉ mỉ, cụ thể cho họ. Cần có sự liên kết, giao lưu học tập lẫn nhau giữa các đơn vị trong và ngoài quân đội; có thể tổ chức học tập, giao lưu ở nước ngoài
để nắm bắt những nội dung phù hợp với xây dựng quân đội; qua đó, người chỉ huy cấp phân đội tiếp thu được những tri thức mới, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, thông qua công tác tổng kết thực tiễn trên các mặt hoạt động của đơn vị để tập huấn, bồi dưỡng người chỉ huy cấp phân đội.
Đây là biện pháp trực tiếp góp phần trang bị kinh nghiệm cho người chỉ huy cấp phân đội; làm cơ sở phát triển vốn tri thức khoa học đã được tiếp thu ở trường; tạo ra sự liên tục của tri thức thức khoa học, năng lực và trình độ chỉ huy trong hoạt động chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội. Biện pháp này là cụ thể hoá việc đẩy mạnh tổng kết thực tiễn mà Đảng ta đã vạch ra. “Thường xuyên tổng kết thực tiễn... sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề mà hôm nay chúng ta chưa có đủ luận cứ để giải đáp”. Song, “điều quan trọng là cần đổi mới phương thức khảo sát thực tế và tổng kết thực tiễn nhằm đạt hiệu quả thiết thực” [79, tr.6].
Tổng kết thực tiễn ở cấp phân đội có nhiều ý nghĩa đối với phát triển năng lực và trình độ chỉ huy trong hoạt động chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội. Cần phải tiến hành tổng kết thực tiễn của đơn vị theo kế hoạch với nhiều hình thức, biện pháp phong phú và phù hợp với các đối tượng cụ thể. Những kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy được tổng kết mang tính phổ biến cần từng bước nâng lên thành kinh nghiệm khoa học và bài học phục vụ trực tiếp cho lãnh đạo, chỉ huy phân đội. Thường xuyên quán triệt sâu sắc cho người chỉ huy cấp phân đội nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, khắc phục biểu hiện giáo điều hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa.