1. Người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam là người đứng đầu một phân đội, trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội; chịu trách nhiệm cá nhân trước các cấp ủy đảng, người chỉ huy cấp trên, trước tập thể cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, cũng như toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của phân đội. Bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam là sự kết tinh những phẩm chất xã hội cơ bản, chủ đạo của người chỉ huy cấp phân đội, giúp cho người chỉ huy cấp phân đội khẳng định tính chủ thể trong hoạt động chỉ huy của mình, vững vàng trước mọi tình huống khó khăn, phức tạp, kiên quyết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chức trách được giao. Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam là quá trình tác động biện chứng giữa các yếu tố cấu thành bản lĩnh chỉ huy với môi trường hoạt động thực tiễn chỉ huy, trong sự tương tác hợp quy luật của các chủ thể, làm biến đổi bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, vị thế của họ ở những giai đoạn phát triển nhất định của quân đội.
Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình liên tục, có chiều sâu và ngày càng vững chắc. Các chủ thể cần tuân thủ, vận dụng linh hoạt những vấn đề có tính quy luật, với tính cách là những nhân tố cơ bản quy định đó là: 1) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của
người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam chịu sự quy định bởi quá trình giáo dục, đào tạo và tự giáo dục, tự đào tạo người chỉ huy cấp phân đội; 2) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam chịu sự quy định bởi quá trình rèn luyện và tự rèn luyện của họ trong thực tiễn hoạt động chỉ huy; 3) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam chịu sự quy định bởi nỗ lực chủ quan của chính họ.
2. Phân tích, đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những mặt tích cực và tiêu cực, những nguyên nhân của thực trạng trình độ phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân thuộc về người chỉ huy cấp phân đội là nguyên nhân chủ yếu, bên trong. Đồng thời, từ thực trạng xuất hiện ba vấn đề chủ yếu đặt ra cần tập trung giải quyết đó là: 1) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp
phân đội hiện nay đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch; 2) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay đáp ứng yêu cầu chống “diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ” và chống tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ; 3) Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội hiện nay đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới. Để phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân
đội nhân dân Việt Nam hiện nay, tác giả đề xuất ba nhóm giải pháp cơ bản sau: một là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tại nhà trường
và tập huấn, bồi dưỡng ở đơn vị của người chỉ huy cấp phân đội; hai là, tăng cường rèn luyện bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội trong thực tiễn hoạt động chỉ huy hiện nay; ba là, tích cực hoá nhân tố chủ quan người chỉ huy cấp phân đội trong hoạt động chỉ huy hiện nay. Mỗi giải pháp tập
trung giải quyết một mặt, một bộ phận cụ thể, nhưng trong tính chỉnh thể thống nhất và cùng mục đích là phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội ngày càng kiên định, vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
3. Phát triển bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội, của các tổ chức, các lực lượng, mà trực tiếp có ý nghĩa quyết định nhất là cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các đơn vị và bản thân người chỉ huy cấp phân đội. Song, đây cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp,
đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Từ góc độ triết học, luận án bước đầu nghiên cứu một số vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận, còn nhiều vấn đề mới nảy sinh cần tiếp tục được lý giải thoả đáng, tác giả rất mong sự quan tâm chỉ dẫn, giúp đỡ của các nhà khoa học để công trình này được bổ sung và hoàn thiện.
Kiến nghị
1. Đề nghị Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục tăng thêm thời gian thực hành, thực tập vào chương trình đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội; tăng cường cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện, thiết bị mới, hiện đại cho hoạt động chỉ huy, huấn luyện ở các đơn vị cơ sở, nhất là các đơn vị đóng quân ở địa bàn khó khăn, phức tạp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của người chỉ huy cấp phân đội trong tình hình mới.
2. Các đơn vị cơ sở cần tổ chức khoa học chương trình, nội dung, kế hoạch đào tạo, giáo dục, theo hướng tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện các kỹ năng chỉ huy cho người chỉ huy cấp phân đội và đặc biệt phải xác định nội dung, biện pháp đào tạo lại người chỉ huy cấp phân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Đưa kết quả nghiên cứu của Luận án thành tài liệu tham khảo trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện sĩ quan chỉ huy cấp phân đội Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.