động tố tụng khác
Nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng là phát hiện nhanh chóng, chính xác, xử lý công minh mọi hành vi phạm tội. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiến hành các hoạt động phải tính toán đến hiệu quả kinh tế sao cho vẫn đạt được kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Vì thẩm quyền xét xử là điều kiện cần thiết để xác định thẩm quyền điều tra,
truy tố nên khi quy định thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp thì không thể chỉ tính đến hiệu quả kinh tế của hoạt động xét xử mà còn phải tính đến hiệu quả của các hoạt động điều tra và truy tố. Có thể xem xét hiệu quả kinh tế của các hoạt động tố tụng ở các mặt sau:
- Về chi phí cho các hoạt động điều tra: Một vụ án nếu do cơ quan điều tra cấp huyện điều tra thì tốn kém ít, nếu do cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra thì chi phí nhiều hơn như: khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét, thực nghiệm điều tra...Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải đi xa, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa việc dẫn giải tội phạm, thu giữ tang vật... tất cả đều phải chi phí lớn hơn nhiều so với cơ quan điều tra cấp huyện.
- Về chi phí cho hoạt động xét xử: Những vụ án được xét xử ở Toà án nhân dân cấp huyện sẽ chi phí thấp hơn khi xét xử ở Toà án nhân dân cấp tỉnh. Vụ án xét xử ở TAND cấp huyện khi có kháng cáo, kháng nghị sẽ do Toà án nhân dân cấp tỉnh xét xử phúc thẩm. Việc xét xử phúc thẩm có thể được tiến hành tại trụ sở TAND cấp tỉnh, có thể được xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm. Khoảng cách từ tỉnh xuống nơi xảy ra tội phạm cũng không xa lắm nên chi phí đi lại, tổ chức phiên toà xét xử cũng không lớn. Nhưng vụ án này nếu do Toà án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm thì khi có kháng cáo, kháng nghị sẽ do Toà án phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm. Cả nước hiện chỉ có 3 Toà án phúc thẩm tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi Toà phúc thẩm phải phụ trách nhiều tỉnh khác nhau. Như vậy, các toà phúc thẩm khi tổ chức xét xử lưu động tại các địa phương phải chi phí cho xét xử nhiều hơn so với Toà án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm.
- Về chi phí cho việc đi lại của những người tham gia tố tụng, tổ chức xã hội tham gia vào tố tụng hình sự: vụ án được xét xử ở cấp dưới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên toà, bởi họ không phải chi phí nhiều cho việc đi lại, ăn nghỉ...
Từ đó thấy rằng vụ án càng được xét xử ở Toà án cấp thấp hơn thì càng giảm được chi phí của Nhà nước cho các hoạt động điều tra, xét xử cũng giảm phần chi phí của những người tham gia tố tụng, các tổ chức xã hội và công dân tham gia tố tụng hình sự.