Giai đoạn từ 1980 đến

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện (Trang 38 - 42)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính quyền bắt tay vào việc xây dựng, cải cách tư pháp trong đó có việc cải cách, sửa đổi các quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án. Thông tư số 01/BTP ngày 28/3/1976 Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam hướng dẫn chỉ giao cho TAND cấp huyện xét xử những vụ án hình sự ít quan trọng, phức tạp và không được xét xử các loại việc như sau:

- Tội phản cách mạng

- Tội gây tổn hại đến sức khoẻ nhiều người hoặc gây chết người hoặc xâm hại nghiêm trọng đến tài sản công cộng hoặc tài sản riêng công dân.

- Những vụ án mà việc xác định tội phạm có khó khăn và ảnh hưởng chính trị lớn.

Với sự ra đời của Hiến pháp năm 1980, sau đó là luật tổ chức TAND năm 1981 các quy định về thẩm quyền xét xử của TAND đã có những sửa đổi, bổ sung rất đáng kể theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện không quy định: TAND cấp huyện được xét xử vụ án hình sự, trừ tội có tính chất nghiêm trọng, phức tạp hoặc gây hậu quả lớn và tội phạm khác có mức hình phạt từ 5 năm tù trở lên.

Việc mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Vì tại Điều 31 Luật TCTAND 1981 quy định: “Các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án đó nhưng Toà án tỉnh... lấy lên xét xử”.

Như vậy, với quy định này sẽ giảm tải cho Toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khối lượng công việc xét xử sơ thẩm để tập trung vào việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tình hình tội phạm trong thời gian này hết sức phức tạp, BLTTHS đầu tiên của nước ta được ban hành ngày 28/6/1988. BLTTHS ra đời đã góp vai trò quan trọng trong việc đấu tranh với tội phạm ổn định trật tự xã hội. Nhiều quy định mới về thẩm quyền xét xử đã được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tiếp sau đó là sự ra đời của Luật tổ chức Toà án nhân dân và các văn bản pháp luật khác đã quy định khoa học, hợp lý, rõ ràng thẩm quyền xét xử giúp việc xử lý vụ án được công minh nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật.

Căn cứ vào các văn bản pháp luật này, ở nước CHXHCN Việt Nam có các Toà án sau đây:

- Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. - Các Toà án quân sự.

- Các Toà án khác do luật định.

Trong tình hình đặc biệt Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt. Các văn bản pháp luật thời gian này tiếp tục có xu hướng sửa đổi, bổ sung nhằm mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện. Điều 145 BLTTHS quy định: TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm những tội phạm mà BLHS quy định hình phạt từ 7 năm tù trở xuống, trừ các tội sau:

- Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia ;

- Các tội quy định tại các điều 89, 90, 91, 92, 93, 101, 102, 179, 231, 232 BLHS.

Như vậy, thẩm quyền xét xử của TAND quận, huyện được rộng đáng kể. Nếu trước đây Toà án cấp huyện không được xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia nhưng nay chỉ không được xét xử những tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Hình phạt 7 năm tù trở xuống là do BLTTHS quy định chứ không phải do Toà án quyết định, điều này giúp cho Toà án tránh được những nhầm lẫn về thẩm quyền xét xử do nhận định sai về khung hình phạt áp dụng.

Nếu một điều luật có nhiều khoản thì những trường hợp phạm tội thuộc khoản có mức hình phạt cao nhất từ 7 năm tù trở xuống là thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện , không kể thuộc khoản thứ mấy của điều luật. Thí dụ: Điều 109 BLHS về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có 4 khoản, mức hình phạt cao nhất của khoản 1 là 3 năm tù, của khoản 2 là 7 năm tù, của khoản 3 là 20 năm tù và của khoản 4 là 2 năm tù, thì Toà án cấp huyện được xét xử những trường hợp phạm tội quy định ở các khoản 1, 2 và 4.

Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội nếu các tội đó đều có mức hình phạt theo luật quy định là 7 năm tù trở xuống (trừ các tội quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 145 BLTTHS).

Toà án cấp huyện cũng có thẩm quyền xét xử người đang phải chấp hành một bản án (không kể đó là bản án của Toà án cấp nào) mà lại bị truy tố về một tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện không kể là tội phạm này được thực hiện trước hay sau khi có bản án đang phải chấp hành. Tuy nhiên, đối với những người đã bị phạt tử hình, hoặc bị phạt tù chung thân mà chưa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt, thì VKSND tỉnh hoặc Viện kiểm sát quân sự cấp Quân khu truy tố tội phạm mới của họ để TAND cấp tỉnh hoặc TAQS cấp Quân khu xét xử.

Với các quy định này, thẩm quyền của TAND cấp tỉnh chỉ còn là xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện và những vụ án thuộc thẩm quyền của TAND cấp dưới mà Toà án cấp tỉnh lấy lên để xét xử vì pháp luật không quy định những vụ án nào mà TAND cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Để khắc phục tình trạng trên TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư số 02 ngày 12/1/1989 hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo Thông tư liên ngành số 02, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cấp tỉnh lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử các vụ án sau:

- Vụ án phức tạp (có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành).

- Vụ án mà tội phạm là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Sỹ quan công an, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người nước ngoài, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

Mục đích của quy định này là tránh cho TAND cấp huyện phải xét xử những vụ án quá phức tạp nhằm bảo đảm cho việc xét xử đạt hiệu quả cao

Về công tác quản lý Toà án địa phương, năm 1981 Bộ Tư pháp được thành lập và được giao nhiệm vụ quản lý các Toà án địa phương. Ở các Toà án cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Nhìn chung từ khi hình thành và phát triển ngành Toà án các quy định về luật TTHS nói chung và chế định về thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của TAND cấp huyện nói riêng không ngừng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Những sửa đổi, bổ sung này giúp cho việc phân định thẩm quyền xét xử ngày càng khoa học, hợp lý, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi để Toà án thực hiện công việc xét xử một cách có hiệu quả, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện (Trang 38 - 42)