Sự phân định thẩm quyền xét xử giữa các cấp Toà án với nhau căn cứ vào tính chất tội phạm là thẩm quyền xét xử theo vụ việc.
Theo Pháp luật TTHS thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được thực hiện ở TAND cấp huyện và cấp tỉnh. Theo BLTTHS năm 2003 hiện hành thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực có đủ điều kiện thì được giao thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 Điều 170 BLTTHS. Những TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực chưa đủ điều kiện thì thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng trừ những tội phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 170 của BLTTHS nhưng chậm nhất đến ngày 01/7/2009 tất cả TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 Điều 170 của BLTTHS.
Từ ngày 01/7/2004, TANDTC phối hợp với VKSNDTC và Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định những TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực được thực hiện thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 Điều 170 BLTTHS.
Như vậy, thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện hiện nay có thể được phân chia làm 2 nhóm như sau:
- Nhóm thứ nhất: các TAND cấp huyện chưa đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo quy định mới tại khoản 1 Điều 170 BL TTHS. Thẩm quyền của nhóm TAND cấp huyện này thực chất vẫn được thực hiện theo khoản 1 điều 145 BLTTHS năm 2000 : xét xử những vụ án hình sự mà BLTTHS quy định từ 7 năm tù trở xuống. Còn tại khoản 1 điều 170 BLTTHS năm 2003 thì được xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng trừ những tội phạm sau đây:
a - Các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
b - Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. c - Các tội phạm quy định tại điều 93, 95. 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của BLHS. . TAND cấp huyện ở nhóm này chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định từ 7 năm tù trở xuống. Mức hình phạt do BLHS quy định chứ không phải do Toà án quyết định trừ các tội quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 170 BLTTHS. Điều này được quy định cụ thể trong Thông tư liên ngành số 02 TANDTC – VKSNDTC – Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ ngày 12/1/1989 hướng dẫn việc thực hiện quy định của Bộ luật TTHS.
- Nhóm thứ 2: Các TAND cấp huyện đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo quy định nói tại khoản 1 Điều 170. Theo đó các TAND cấp huyện này có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự mà BLHS quy định từ 15 năm tù trở xuống. Tại khoản 1 Điều 170 BLTTHS quy định: được xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 170 BLTTHS.
Theo đề nghị của TANDTC, VKSNDTC, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, xem xét đánh giá và quyết định nâng thẩm quyền xét xử đợt đầu cho 107 Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực.
Toà án nhân dân cấp huyện được xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự mà BLHS quy định từ 15 năm tù trở xuống từ 01/7/2004.
Việc pháp luật không giao cho TAND cấp huyện xét xử các tội phạm quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 170 BLTTHS kể cả trong trường hợp mức hình phạt với các tội đó dưới 7 hay 15 năm tù một mặt là do khách thể của các tội này rất quan trọng, có liên quan đến uy tín của nền tư pháp, ảnh hưởng đến chính trị của Quốc gia hay chủ thể của nó là người có chức vụ quyền hạn, người nước ngoài... Ngoài ra cũng bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan, nhanh chóng và đúng pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 170 BLTTHS đồng nghĩa với việc tăng số lượng án sơ thẩm của TAND cấp huyện, giảm tải cho TAND cấp tỉnh. Từ đó TAND cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm và TANDTC chủ yếu xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tại khoản 2 Điều 170 BLTTHS quy định: TAND cấp tỉnh và TAQS cấp Quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAQS khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Quy định này không quy định rõ những vụ án nào thì Toà án cấp trên lấy lên để xét xử. Vì vậy, việc xác định thế nào là “cần thiết” Toà án cấp trên phải lấy để xét xử phụ thuộc vào ý chí chủ quan của TAND cấp tỉnh. Trong thực tế xét xử, TAND cấp tỉnh chỉ lấy lên để xét xử những vụ án có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hay những vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ chủ chốt cấp huyện, người nước ngoài, người có chức sắc trong dân tộc và tôn giáo... những vụ án này nếu để TAND cấp huyện xét xử
sẽ không có lợi về chính trị cũng như không đảm bảo tính khách quan, đúng pháp luật.
Thực tiễn xét xử cho thấy những trường hợp bị cáo phạm nhiều tội thuộc khung hình phạt khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là Toà án cấp nào có thẩm quyền để giải quyết. Tại Điều 173 quy định về vấn đề này: khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp trên thì Toà án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án quy định. Quy định này giúp việc xét xử đánh giá được hết tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, tạo thuận lợi cho việc tổng hợp hình phạt và ra quyết định thi hành án, đảm bảo vụ án được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho Nhà nước và bị cáo.
Trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, các tội đều thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, song tổng hợp hình phạt sẽ vượt quá 7 năm tù thì BLTTHS lại không quy định thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp nào. Tại Thông tư liên ngành số 02 ngày 12/1/1989 của TANDTC-VKSNDTC - Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ và Thông tư liên ngành số 02 ngày 15/2/1990 sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thêm thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội nếu các tội đó đều có mức hình phạt do luật định từ 7 năm tù trở xuống hoặc xét xử một người đang phải chấp hành một bản án không kể đó là bản án của Toà án cấp nào, mà lại bị truy tố về một tội thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện.
Thông tư này đã giải quyết một phần những vướng mắc trên nhưng cũng cần phải được hoàn thiện hơn và bổ sung vấn đề này vào BLTTHS.
Có thể nói so với BLTTHS cũ thì quy định về thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện tại khoản 1 Điều 170 trong BLTTHS mới được sửa đổi, bổ sung đã có bước đột phá đáng kể. Xu hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện đã được ghi nhận như một điều tất yếu.