Các giải pháp về cơ chế pháp lý

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện (Trang 81 - 83)

Tăng thẩm quyền xét xử cho Toà án cấp huyện trong lĩnh vực hình sự. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCHTW Đảng khóa VII đã đề ra nhiệm vụ:

“Nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện theo hướng việc xét xử được thực hiện chủ yếu ở Toà án cấp này”. Như vậy, Toà án cấp tỉnh sẽ chủ yếu thực hiện việc xét xử phúc thẩm; TANDTC chủ yếu thực hiện việc giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp dưới bị kháng nghị, đồng thời tập trung vào việc tổng kết thực tiễn và hướng dẫn việc xét xử của Toà án các cấp.

Thực hiện chủ trương này, Điều 170 BLTTHS năm 2003 đã tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án cấp huyện trong lĩnh vực hình sự, theo đó các Toà án cấp huyện được xét xử những tội phạm mà khung hình phạt đối với các tội phạm đó có mức cao nhất là 15 năm tù. Cụ thể là, TAND cấp huyện và TAQS khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội xâm phạm an ninh quốc gia (14 tội); phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (4 tội); các tội phạm quy định tại các Điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của BLHS năm 1999.

Để thực hiện được quy định mới về thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành BLTTHS năm 2003, trong đó đề ra lộ trình thực hiện thẩm quyền xét xử mới của TAND, theo đó kể từ ngày 1/7/2004 BLTTHS năm 2003 có hiệu lực, những Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực có đủ điều kiện thực hiện thì được giao thẩm quyền xét xử mới theo theo quy định tại khoản 1 điều 170 BLTTHS năm 2003. Những TAND cấp huyện và TAQS khu vực chưa đủ diều kiện thì cần củng cố về tổ chức, cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, trước mắt vẫn thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, trừ các tội phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 điều 170 BLTTHS năm 2003 nhưng chậm nhất là đến ngày 01/7/2009, tất cả TAND huyện, quận, thị xã,

thành phố thuộc tỉnh, TAQS khu vực trong cả nước sẽ thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 điều 170 BLTTHS năm 2003.

Để thực hiện thẩm quyền xét xử mới của TAND cấp huyện, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật hình sự theo hướng rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật hình sự, từ đó tìm ra những văn bản đã lạc hậu để sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự (ví dụ chương XVII các tội phạm về môi trường).

Thứ hai, để việc tăng thẩm quyền cho Toà án cấp huyện không ảnh hưởng tới sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng khác thì đồng thời cũng cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho phù hợp. Có như vậy, sau khi tăng thẩm quyền mới bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

Thứ ba, cần quy định một cơ chế đơn giản mềm dẻo trong phát hiện và giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Toà án quân sự và Toà án nhân dân. Hiện tranh chấp này xảy ra chủ yếu giữa TAND cấp huyện và Toà án quân sự khu vực.. Vì vậy, để tránh kéo dài vụ án không cần thiết, Chánh án TANDTC cần có một cơ chế hợp lý để phát hiện các vụ án xét xử sai thẩm quyền để có quyết định kịp thời.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện (Trang 81 - 83)