Khái quát về chợ Kênh, chợ Hới và chợ Huyện 1 Chợ Kênh

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 42 - 47)

1.5.1 Chợ Kênh

Chợ Kênh là chợ phiên duy nhất ở xã Tây Đô. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn một chợ Hôm họp buổi chiều ở làng Mỹ Thịnh. Xã cũng xây dựng một khu chợ nhưng người dân chỉ đến họp mấy phiên đầu rồi thôi, chợ bỏ hoang cho đến bây giờ.

Chợ họp ở khu đất trống khoảng 300m2 thuộc làng Kênh. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên ngày 2 và ngày 8 âm lịch, cụ thể là các ngày: mồng 2, mồng 8, 12, 18, 22, 28. Riêng tháng Giêng, chợ chỉ có 5 phiên, không có phiên ngày mồng 2 Tết. Mỗi phiên chợ chỉ họp trong khoảng 3 tiếng, từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng là tan. Riêng phiên chợ Tết, chợ họp muộn hơn, đến tầm 9h.

có chợ, không ai biết và không có văn bản nào ghi chép chợ bắt đầu có từ bao giờ. Những năm đầu thế kỉ XX, chợ họp trên một khu đất rộng gấp nhiều lần khu đất hiện nay, là một chợ lớn trong vùng, người mua người bán tấp nập. Trong thời kì chiến tranh và cải cách kinh tế, chợ đã ba lần bị cấm họp, mỗi lần từ 2 đến 5 năm nhưng rồi dần dần nhân dân lại về tụ họp ở chợ như cũ. Chợ tồn tại cho đến ngày nay, mang dáng vẻ của một chợ phiên nông thôn nhỏ và yên bình.

1.5.2 Chợ Hới

Chợ Hới thuộc địa phận thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Xưa kia, chợ thuộc địa phận làng Hới, tổng Thanh Triều, huyện Hưng Nhân. Làng Hới vốn là làng nghề dệt chiếu nổi tiếng của vùng với câu ca dao “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Đây cũng là quê hương của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, cô gái làng đi bán chiếu rồi nên duyên cùng Nguyễn Trãi.

Nghề dệt chiếu là nghề truyền thống từ bao đời nay của nhân dân làng Hới. Làng vốn ít ruộng, hầu hết dân cư trong làng đều theo nghề dệt chiếu. Xưa kia, chiếu dệt thủ công bằng tay, người dân mang chiếu ra chợ Hới bán và đi bán rong ở khắp các vùng miền. Trung bình, một người một ngày nếu dệt tích cực sẽ được một chiếc chiếu. Mỗi phiên chợ Hới có đến hàng trăm người mang chiếu ra dựng bán ở chợ, mỗi người chỉ khoảng hai ba, nhiều nhất là năm bảy đôi chiếu của cả gia đình. Những người ở các vùng xung quanh muốn mua chiếu đều đợi đến phiên chợ Hới để tìm mua. Thông thường, do đời sống chưa cao nên đa số người dân chỉ mua chiếu khi có dịp đám cưới.

Chợ Hới xưa kia ngoài chiếu là sản phẩm chủ yếu còn bán lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác như các chợ phiên khác. Khu đất của chợ rộng gấp ba, bốn lần hiện nay, các dãy hàng bày bán ngoài trời, riêng một số hàng bày hàng bán trong Quán ở chợ. Trải qua thời gian với quá trình gia tăng dân số, diện tích chợ bị lấn chiếm nhiều, các gia đình ở gần chợ đều lấn một phần đất của chợ, một số hộ khác dựng nhà trên đất chợ, lâu dần thành

đất thổ cư của họ. Diện tích chợ hiện nay chỉ còn 638m2.

Năm 1977, xã Tân Hòa và xã Ước Lễ sát nhập với nhau thành xã Tân Lễ. Thời kì 1993 – 1994, chính quyền xã chủ trương di chuyển chợ Hới về khu vực gần cầu Hà, sát nhập cùng chợ Hà. Tuy nhiên, nhân dân trong vùng không chấp nhận nên chợ vẫn họp bình thường ở chỗ cũ. Năm 2013, sau nhiều lần nhân dân trong xã và các đại biểu hội đồng nhân dân kiến nghị, chính quyền xã quyết định xây dựng mái che ở khu đất chợ để giữ đất chợ và hỗ trợ hoạt động buôn bán ở chợ thuận tiện hơn. Công trình hoàn thành vào đầu năm 2014.

Chợ Hới hiện nay vẫn họp một tháng 12 đến 13 phiên vào các ngày 2, 5, 7, 10 như trước đây, riêng tháng Giêng không có phiên ngày mồng 2 Tết. Diện tích phần chính của chợ, đất chợ chỉ có 638m2 nên khu vực họp chợ tràn ra cả con đường nhỏ qua chợ, kéo dài khoảng 100m. Do vị trí của chợ ở đầu tỉnh Thái Bình, tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên qua con sông Hồng và quy mô của chợ tương đối lớn nên xưa kia, cư dân tỉnh Hưng Yên ở mạn tiếp giáp với Hưng Hà cũng qua phà sang mua bán ở chợ Hới. Hiện nay, cầu Triều Dương được xây dựng để nối hai tỉnh, hoạt động vận tải dễ dàng hơn.

1.5.3 Chợ Huyện

Chợ Huyện xưa kia tên gọi là chợ Thá, là chợ trung tâm của huyện Duyên Hà. Đây là chợ lớn nhất trong huyện, họp vào ngày 3, 8 hàng tháng. Sản phẩm của chợ rất đa dạng, từ lương thực thực phẩm đến các nguyên liệu cho các làng nghề, sản phẩm của các làng nghề như vải vóc, sản phẩm mây tre đan, dao cuốc… Những người dân trong huyện muốn mua một số sản phẩm mà các chợ phiên nhỏ không có bắt buộc phải tìm đến chợ huyện. Khu vực họp chợ rộng lớn, nhộn nhịp, các gian hàng được làm tạm bợ bằng tre nứa lợp mái gianh.

Hiện nay, chợ Huyện vẫn là chợ trung tâm của khu vực huyện Duyên Hà trước đây, thỏa mãn gần như tất cả nhu cầu mua bán của người dân.

Tiểu kết

Chợ là một thực thể kinh tế - xã hội đã trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài. Trong quá trình tồn tại của mình, chợ đã trải qua nhiều biến động cùng với dòng chảy lịch sử nhưng như một yêu cầu tất yếu của sự phát triển, chợ dù thay đổi địa điểm, cách thức… nó vẫn tồn tại. Chợ không thể biến mất, như nhu cầu mua bán của người dân luôn tồn tại và ngày càng mạnh mẽ hơn.

Từ thời kỳ mở cửa, với sự phát triển mạnh của nền kinh tế, tự do mua bán, chợ đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Chợ tồn tại song song và phải cạnh tranh với các hình thức thương mại khác như cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị… Nhưng với thế mạnh lâu đời, đa dạng và quen thuộc của mình, hệ thống chợ vẫn phổ biến và có xu thế mở rộng hơn trên cả nước. Trong quá trình tồn tại lâu dài của mình, chợ mang những giá trị độc đáo cả về văn hóa, kinh tế, xã hội. Những giá trị này còn được bảo tồn, biến đổi như thế nào trong diện mạo chợ hiện nay, đó là vấn đề sẽ được phân tích trong hai chương tiếp theo của luận văn.

Một trong những biến đổi của hệ thống chợ là sự chuyển mình của hệ thống chợ phiên trước xu thế mới. Có chợ biến thành chợ họp hàng ngày, có chợ họp hàng ngày nhưng vẫn có những ngày phiên chính, có chợ vẫn giữ những phiên họp như xưa nhưng trong bản chất đã có nhiều sự biến động… Những biến đổi này của hệ thống chợ phiên nổi bật và rõ nhất ở khu vực nông thôn, nơi sự tồn tại của các chợ phiên còn tương đối phổ biến.

Hưng Hà là một vùng nông thôn điển hình với tỉ lệ người dân tham gia vào nông nghiệp chiếm 56% dân số và có đến 80% hộ gia đình là hộ nông dân. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công nghiệp còn tồn tại tương đối mạnh mẽ. Có ba kiểu gia đình phổ biến ở đây đó là hộ nông dân, hộ thủ công nghiệp và hộ công nhân hoặc thương mại, dịch vụ. Mỗi kiểu hộ gia đình có đặc thù

riêng, ảnh hưởng đến thời gian, nhu cầu mua bán nói chung và mua bán ở chợ nói riêng của họ.

Bên cạnh đó, văn hóa làng còn tồn tại mạnh mẽ cũng là một nhân tố cần lưu tâm để nhận diện hoạt động của hệ thống chợ ở Hưng Hà ngày nay. Nhân tố này cùng với bối cảnh kinh tế - xã hội trên chính là cơ sở cho sự tồn tại của các chợ phiên hiện nay. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa mới xuất hiện cũng tác động không nhỏ thay đổi diện mạo của chợ.

Như vậy, chương đầu tiên của luận văn đã cung cấp những kiến thức nền cơ bản để hiểu rõ về chợ từ quá trình hình thành, phát triển đến những giá trị của chợ. Những kiến thức này là cơ sở để hiểu rõ chợ trong không gian nông thôn và thời gian lịch sử lâu dài, nền tảng để nhận diện những hoạt động và biến đổi của chợ hiện nay trong cái nhìn so sánh. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chợ ở khu vực huyện Hưng Hà, những thông tin nền đó là chưa đủ, cần thêm những thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội hiện nay. Chợ là một thực thể chịu ảnh hưởng của tất cả các nhân tố đó, để ly giải hoạt động của chợ cần nhìn vào những nhân tố đó. Chính vì thế, những thông tin trên đã được đề cập, phân tích trong phần chương một này. Như vậy, có thể thấy, phần chương một đã hoàn thành vai trò của mình, cung cấp cái nền để từ đó có thể đi vào phân tích ở chương hai, chương ba của luận văn.

CHƯƠNG HAI: HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦACHỢ PHIÊN NÔNG THÔN Ở HUYỆN HƯNG HÀ HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w