Số lượng, phân bố chợ phiên 1 Số lượng

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 47)

2.1.1 Số lượng

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà có 29 chợ, trong đó có 6 chợ là chợ họp hàng ngày còn lại là các chợ họp theo phiên. Có hai trường hợp là chợ Huyện và chợ Hưng Nhân vẫn họp hàng ngày nhưng ngày phiên chính là ngày 4, ngày 9 hàng tháng.

So với con số 30 chợ của huyện Hưng Nhân và huyện Duyên Hà mà mục Thương mại trong cuốn tỉnh Thái Bình của Dương Thiệu Tường viết đầu thế kỷ XX, có thể thấy số lượng chợ giảm đi. Tuy nhiên, việc này không đơn thuần chỉ là có một chợ mới lập nên mà có một số chợ cũ mất đi, một số chợ mới thành lập. Do nguồn tư liệu cũ không viết tên tất cả các chợ nên không thể xác định được tên các chợ đã được nêu để đối chiếu với các chợ hiện nay. Đó là chưa kể thống kê có thể không đầy đủ, chính xác, nhiều thay đổi địa giới hành chính theo thời gian, nhiều khu vực trước không thuộc huyện Duyên Hà và huyện Hưng Nhân nay được nhập về huyện Hưng Hà và ngược lại. Theo nghiên cứu thực tế, có một số chợ cũ mất đi như chợ Riệc ở xã Tân Hòa, chợ Trâu ở xã Liên Hiệp, chợ Tè ở xã Bắc Sơn… Hiện nay, chính quyền đang có kế hoạch khôi phục lại các chợ này. Các chợ này mất đi trong thời kỳ chiến tranh và đổi mới kinh tế, là hậu quả của việc cấm chợ của một số địa phương thời kỳ ấy. Như vậy, có thể thấy, chợ chịu tác động khá mạnh của các chính sách kinh tế và sự kiện xã hội.

Một số chợ mới xuất hiện gần đây là chợ Hôm ở xã Tây Đô, chợ Minh Khai ở xã Minh Khai, chợ Hôm ở xã Chi Lăng. Tất cả các chợ mới xuất hiện này đều họp cả ngày, không họp theo phiên. Điều cần lưu ý ở đây là các chợ mới xuất hiện có hai chợ Hôm chỉ họp buổi chiều để cân đối với hệ thống các

chợ phiên họp buổi sáng. Đó là quy luật tất yếu của kinh tế, cũng là một hình thức để duy trì sự tồn tại của các chợ phiên.

2.1.2 Phân bố

Tìm hiểu sự phân bố các chợ chính là hệ thống bản đồ vùng của các chợ trong chu kỳ một tháng.

Vào thời kỳ phong kiến, các chợ trong cùng một vùng thường họp lệch ngày nhau để đảm bảo ngày nào cũng có chợ. Khái niệm một vùng này không phải là vùng hành chính như các huyện hiện nay mà là vùng hiểu theo nghĩa là vùng văn hóa. Người dân đi chợ ở gần khu vực mình ở, bản đồ chợ của họ là bản đồ các chợ gần đó chứ không phải là bản đồ chợ của huyện.

Khái niệm bản đồ chợ này vẫn còn tương đối đúng cho đến hiện nay. Lấy tâm là bất kỳ xã nào, ta cũng có một bản đồ chợ phiên tương đối đầy đủ xung quanh nó. Một số xã ở rìa của huyện không có bản đồ chợ đầy đủ trong phạm vi huyện. Người dân các xã này hoàn thiện bản đồ chợ của mình bằng một số chợ ở các xã giáp ranh thuộc huyện bên cạnh. Sơ đồ bản đồ chợ trong phạm vi huyện Hưng Hà được hệ thống ở phần phụ lục.

Một điều cần lưu ý ở đây, là bản đồ chợ phiên chỉ tương đối đầy đủ, vậy những ngày không có chợ phiên đó, được lấp đầy bằng cách nào? Đó chính là các chợ hàng ngày, bao gồm cả chợ phiên chuyển thành chơ họp hàng ngày và chợ mới xuất hiện họp hàng ngày. Như ở khu vực các chợ họp hàng ngày như thị trấn Hưng Hà, người dân chỉ đi chợ này mà không đi các chợ xung quanh dù bản đồ chợ của thị trấn vẫn còn. Nguyên nhân là ở sự đầy đủ của chợ Huyện đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Bản đồ này còn được lấp đầy cả thời gian buổi chiều với những chợ Hôm mới mở.

Lấy tâm là thôn Kênh, xã Tây Đô, ta thấy hệ thống các chợ xung quanh như sau: chợ Kênh ngày 3 và ngày 8, chợ Đô Kỳ ngày 5 và ngày 10, chợ Mới ngày 2 và ngày 7, phiên xép ngày 4 và ngày 9, chợ Huyện ngày 4 và ngày 9. Có hai ngày không có chợ là ngày 1 và ngày 6, bù lại hai ngày này có chợ

Đún họp 30 ngày, chợ Huyện phiên xép vào tất cả các ngày còn lại và chợ Minh Khai họp 30 ngày.

Người dân ở làng Hới có vòng tròn chợ của mình bao gồm chợ Hới ngày 3, ngày 5, ngày 7 và ngày 10, chợ Hà ngày 2 và ngày 8, chợ Tây Xuyên ngày 4 và ngày 9. Về buổi chiều tất cả các ngày trong tháng, người dân còn có thể đi chợ Hôm họp ở khu vực cầu Hà.

Bên cạnh vòng thời gian hay bản đồ chợ của các chợ họp gần nhau, một điều cần quan tâm nữa khi xét về thời gian của các chợ là thời gian họp chợ có bị thay đổi không? Hầu hết các chợ phiên chỉ họp buổi sáng. Chợ Kênh vẫn họp tầm hai tiếng buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ. Chợ Hới họp khoảng 4 tiếng, từ 6 giờ đến 10h. Còn chợ Huyện họp dài hơn, ngày phiên từ 6h đến 11h. Thời gian này phụ thuộc vào nhu cầu và thói quen của người dân. Các chợ càng lớn thì người mua càng nhiều, thời gian họp chợ càng phải kéo dài hơn để phục vụ nhu cầu của người dân. Thời gian này có kéo dài hơn so với trước đây, hầu hết các chợ chỉ họp khoảng hai đến ba tiếng buổi sáng.

Về ngày họp chợ, hầu hết các chợ vẫn giữ nguyên ngày họp từ xưa, bởi lẽ đó là một nét văn hóa, cũng là thói quen của người dân. Các chợ khó thay đổi ngày họp cũng vì vòng thời gian của các chợ gần nhau, một chợ thay đổi thì các chợ khác cũng phải thay đổi. Một số chợ có số ngày họp chợ tăng lên, một số chợ trở thành chợ họp hàng ngày như chợ Nhội xã Hồng Minh, chợ Đún xã Chi Lăng, chợ Buộm xã Tân Tiến… Sự thay đổi này là do sự tăng lên của nhu cầu thị trường khi nền kinh tế phát triển.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w