Những đặc điểm văn hóa

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 37)

Thái Bình là một trong những vùng đất gốc thuộc đồng bằng sông Hồng nên có bề dày văn hóa lâu đời. Những giá trị văn hóa của vùng đã kết tinh qua thời gian, thẩm thấu vào mọi hoạt động của đời sống. Trong số đó, có những giá trị văn hóa ảnh hưởng, chi phối mạnh đến hoạt động của chợ cần lưu ý.

Đầu tiên, đó là sự tồn tại mạnh mẽ và sâu sắc của văn hóa làng. Cho đến nay, Thái Bình vẫn là một vùng nông thôn với những làng xã tương đối khép kín. Có thể lấy hai đối tượng nghiên cứu ra để chứng minh chính là làng Hới và làng Kênh. Làng Kênh ở cuối xã Tây Đô, bao bọc xung quanh là những

cánh đồng, chỉ có một con đường duy nhất nối làng với các làng xã khác. Làng Hới ít ruộng hơn, nằm gần trục giao thông chính và tiếp giáp với nhiều làng khác nhưng cũng chỉ có hai con đường đi vào làng, ngoài ra còn có đường bờ đê. Đi khắp huyện Hưng Hà nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung, hình ảnh những ngôi làng tương đối biệt lập như thế chiếm đa số.

Sự tồn tại sâu sắc của văn hóa làng còn thể hiện qua những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức cộng đồng khác. Đó là sự tồn tại của chiếc cổng làng, đình làng, chùa làng, cầu quán… còn khá phổ biến. Làng Kênh hiện có đình – chùa trong cùng một khuôn viên và bảy cái miếu nhỏ ở xung quanh làng. Làng Hới hiện còn đình làng thờ tổ nghề dệt chiếu, chùa làng và đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ cùng nhiều miếu nhỏ quanh làng.

Bên cạnh đó, nếp sống của người dân quê còn khá sâu sắc với những gia đình trồng trọt, chăn nuôi để đảm bảo tự túc phần nào đời sống. Hầu như mỗi gia đình đều có một mảnh vườn nhỏ trồng rau, nuôi vài ba con gà. Nhưng nổi bật nhất có thể thấy đó là lối sống trọng tình. Làng Kênh có ba dòng họ chính là họ Trần, họ Nguyễn và họ Hoàng. Hầu hết người dân trong làng đều có mối quan hệ họ hàng xa gần với nhau. Trong làng chủ yếu là người già, trung niên và trẻ con, thanh niên trong làng hầu hết thoát ly đi xa học hành, lập nghiệp. Các hộ gia đình trong làng có quy mô nhỏ, chủ yếu là hai thế hệ cùng chung sống, nhiều hộ chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau, con cái đều đi xa. Nếp sống chậm rãi thể hiện rõ nét với những buổi sáng các cụ già thường tập trung đánh cờ, uống trà trò chuyện ở một vài nhà trong làng. Họ cũng có thói quen sáng tối đi thăm hỏi nhau, thường đi nhà này nhà kia trò chuyện. Mỗi dịp hội làng hay làng có sự kiện như xây đường, sửa chùa hay thậm chí là một con bê chết, một vụ xô xát cũng là chủ đề bàn luận của tất cả mọi người trong làng, trong mọi cuộc trò chuyện suốt những ngày sau đó. Ngày hội làng, hầu hết tất cả mọi người đều tranh thủ ra chùa một vài lần, không khí rộn rã. Họ gặp gỡ

nhau, hỏi nhau đã ra chùa chưa, hẹn nhau cùng ra, bàn luận hội thi cờ ở chùa năm nay thế nào… Những ngày có phiên chợ, mọi người gặp nhau trên đường đều hỏi han nhau đi chợ, mua hàng gì, đắt rẻ ra sao. Những ngày nhà nào có việc hiếu, cả làng cùng đến giúp, ai rảnh lúc nào thì đến lúc ấy, thấy việc gì cần thì tự tham gia, người lo trà nước, người giúp nấu nướng dọn dẹp, người thổi kèn đánh trống, người giúp đào mộ… Nhà nào có việc hỉ thì dù chủ nhà không mời đến người ta cũng đến đêm đám vui uống nước trò chuyện, đến xem đám cưới. Họ mời nhau đi dự đám cưới bằng cách đến từng nhà biếu miếng trầu, điếu thuốc rồi thưa chuyện, không cần đến thiệp mời. Nhà nào không đến tận nhà mời, tiện gặp nhau ngoài đường mà mời cũng bị chê trách.

Trong văn hóa tổ chức cộng đồng còn tồn tại các hình thức như hội trưởng nam, hội các bà cùng đi chùa làng... Mỗi làng vẫn còn phân chia theo xóm, ngõ, quản lý theo địa vực. Có thể thấy, vùng nông thôn Hưng Hà vẫn mang dáng dấp của một làng quê như trong lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh văn hóa làng, cùng với sự biến đổi chung của xã hội, miền nông thôn Hưng Hà cũng có nhiều nét mới về văn hóa. Đó là những ngôi nhà tầng khang trang san sát nhau, mỗi nhà chỉ có diện tích nhà và một khoảng sân nhỏ với cổng khép kín. Đó là bên cạnh cái ngưng đọng, chậm chạp của làng quê truyền thống, có thể thấy những nét hối hả, nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại. Đến làng Hới, bên cạnh cảnh mọi người thong thả trò chuyện còn bắt gặp những cô, những bác hối hả chải sợi chiếu, gấp gáp cùng máy dệt chiếu; những chiếc xe tải nhộn nhịp chở chiếu đi tiêu thụ. Trong làng có những hộ gia đình sản xuất lớn với nhà xưởng rộng và thuê hàng trăm nhân công, chiếu làm ra nhập đi khắp cả nước.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 37)