2.3.1 Người mua
Trong hoạt động chợ, người quyết định các loại hàng hóa, đặc thù… của chợ chính là người mua. Nhu cầu, thói quen, mức sống… của người mua thể hiện và chi phối bộ mặt chợ.
Như đã phân tích ở phần 1.2, các vùng có vòng thời gian chợ khép kín, người mua ở chợ không chỉ có người dân của làng ấy mà còn các làng lân cận. Ở địa thế góc cuối của xã Tây Đô, một phiên chợ Kênh có người mua bao gồm người thôn Kênh và các thôn khác trong xã, người dân ở xã Minh Khai giáp ranh với thôn Kênh. Chợ Hới ở vị trí đầu huyện Hưng Hà, giáp với Hưng Yên, lại là một chợ lớn nên xưa kia có cả những người Hưng Yên ở bên kia sông đi phà sang chợ. Hiện nay, giao thương phát triển hơn, bên kia tỉnh Hưng Yên đã có chợ nên người dân Hưng Yên không sang đi chợ Hới nữa. Người mua ở chợ chủ yếu là người trong xã Tân Lễ và xã Canh Tân – xã giáp ranh với xã Tân Lễ và không có chợ.
Chợ Huyện là chợ lớn nhất trong huyện, các mặt hàng phong phú, một số mặt hàng, dịch vụ độc đáo chỉ chợ này mới có nên người mua đông đảo. Tuy nhiên, bên cạnh chợ Huyện, chợ Hưng Nhân cũng là một chợ lớn, họp trùng ngày với chợ Huyện, là chợ trung tâm của huyện Hưng Nhân cũ. Chính vì vậy, người mua ở chợ Huyện không phải là người ở tất cả các xã trong huyện mà dường như chỉ có người dân ở khu vực huyện Duyên Hà cũ và một số xã thuộc huyện Hưng Nhân cũ, gần với chợ Huyện hơn.
Như một sự phân chia công bằng theo đặc điểm riêng của từng giới, việc nắm giữ “tay hòm chìa khóa”, phụ trách việc chi tiêu, mua bán, cơm nước trong nhà thường là người phụ nữ. Chính vì vậy, từ xưa đến nay, đi chợ thường được gắn với hình ảnh người phụ nữ, chợ dường như là “thế giới của đàn bà”. Người phụ nữ đảm đang, khéo léo thể hiện ở việc đi chợ mua được đồ ngon, giá rẻ để “trai khôn chọn vợ chợ đông”. Hiện nay, đặc tính này của chợ vẫn không thay đổi, nhìn vào cả ba chợ phiên, ta thấy người mua vẫn chủ yếu là phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số hiện tượng người mua độc đáo cần lưu ý. Đó chính là những người đàn ông đi chợ một mình. Theo quan sát một phiên chợ Kênh, có sáu người đàn ông đi chợ, tất cả đều trên sáu mươi tuổi. Một phiên chợ Hới ngày có chín người đàn ông đi chợ, trong đó chỉ có một người là khoảng bốn mươi tuổi, còn lại đều trên sáu mươi tuổi. Những người đàn ông này chỉ một số người là sống một mình, trong nhà không có phụ nữ còn lại hầu hết đều có vợ, có con. Điều đặc biệt hơn nữa là trong một phiên chợ, có thể lúc trước người chồng đi chợ, lúc sau người vợ lại đi chợ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hình ảnh này và tại sao hầu hết những người đàn ông này đều tầm trên sáu mươi? Đó chính là bởi trong xã hội trước đây, việc người đàn ông đi chợ không phải là vấn đề quá lạ lẫm và ta vẫn thấy xuất hiện những người chuyên buôn là nam giới. Hơn nữa, những người đàn ông trên
sáu mươi là những người đã qua tuổi lao động, thời gian nhàn rỗi nên có thể đi chợ để phụ giúp vợ con.
Bên cạnh những người đàn ông đi chợ một mình, một đối tượng người mua cần lưu ý khác nữa là những người đàn ông đi chợ cùng vợ. Đây là một hình ảnh có lẽ không bao giờ xuất hiện ở những phiên chợ trong lịch sử. Tại một phiên chợ Hới, tác giả bắt gặp bốn cặp vợ chồng đi chợ như thế. Trong số bốn cặp này, chỉ có một người là tầm bốn mươi tuổi, còn lại đều dưới ba mươi. Những người này đi chợ không chỉ làm nhiệm vụ “khuân vác” mà còn tham gia vào việc chọn sản phẩm và đưa ra ý kiến về việc mua sản phẩm nào. Hình ảnh những cặp vợ chồng trẻ đi chợ này có thể thấy như một cách thể hiện tình cảm của giới trẻ, là biểu hiện của sự chia sẻ trong phân công việc nhà của xu hướng bình đẳng nam nữ và sự phóng khoáng trong tự do yêu đương và thể hiện tình cảm trong xã hội hiện nay.
Mua bán là chuyện của người lớn nhưng trong những phiên chợ, vẫn có những trẻ em theo người lớn ra chợ, có thể xếp vào người mua của chợ. Những trẻ em này thường trong độ tuổi từ mười tuổi trở xuống, phổ biến là tầm hai đến năm tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ tìm tòi, khám phá thế giới, thích cùng người lớn tham gia vào tất cả các hoạt động, trong đó có hoạt động chợ. Bên cạnh đó, đây là lứa tuổi mà các bà thường trông hộ cháu cho bố mẹ đi làm nên đi đâu cũng dẫn cháu đi theo. Trẻ em thường theo mẹ hoặc bà ra chợ, thích thú ngắm nhìn sự nhộn nhịp của chợ, thi thoảng cũng đòi mua thứ này, thứ kia rồi nhận phần xách đồ đầy hào hứng. Các em như một mảng màu tươi sáng trong bức tranh chợ đa chiều.
Phỏng vấn sâu các đối tượng người mua ở chợ, có thể thấy các chợ phiên chỉ là nơi họ cần thỏa mãn nhu cầu lương thực thực phẩm và một số nhu yếu phẩm, đồ gia dụng. Ngoài ra, một số người còn tham gia ăn uống ở chợ. Do thói quen dự trữ thức ăn và các chợ phiên cũng khá xa nhà nên mỗi phiên đi chợ họ tranh thủ mua thức ăn đủ cho khoảng hai ba ngày để đợi đến phiên sau. Cùng với đó, sự phổ biến của những chiếc tủ lạnh ở các vùng quê này
cũng hỗ trợ cho việc dự trữ thức ăn, hạn chế thời gian đi chợ cho người dân. Hầu hết các hộ gia đình ở làng Hới đều mua thức ăn mỗi phiên chợ đủ cho khoảng hai đến ba ngày vì công việc dệt chiếu bận rộn, họ ít có thời gian đi chợ nên hạn chế đi các chợ khác. Ở thôn Kênh vào những ngày không có chợ, ở giữa làng vẫn có hai hàng thịt và một hàng rau nên người dân mỗi phiên chợ chỉ mua thức ăn đủ dùng trong ngày và một số loại rau mà chợ phiên mới có.
Thời gian một người dân đi chợ thường dao động trong khoảng 20 phút đến một tiếng, tính cả thời gian di chuyển. Những người đến chợ chỉ mua bán thì thời gian ít hơn, một số khác còn ăn uống ở chợ thì thời gian dài hơn. Thời gian này nếu so với thời gian đi chợ của một người dân trước đây thường mất khoảng vài tiếng, có khi là cả buổi sáng thì đã được rút ngắn đi nhiều. Việc rút ngày này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, do giao thông đã phát triển hơn, người dân ở xa có thể đi chợ bằng xe đạp, xe máy, đường sá hầu hết đã rải bê tông nên thuận tiện đi lại, thời gian di chuyển giảm đi nhiều. Thứ hai, nhu cầu thăm hỏi, chơi chợ của người dân không còn nhiều như trước, họ chỉ thi thoảng gặp những người quen thì mới dừng lại nói chuyện vài ba phút, còn lại chủ yếu tập trung vào việc mua bán.
Những người mua hầu hết có thể tự túc một phần lương thực thực phẩm nhờ vào nông nghiệp, việc đi chợ gần như thỏa mãn mọi nhu cầu đời sống của họ, chỉ trừ những mặt hàng xa xỉ và tương đối đặc biệt khác. Chính vì chợ họp theo phiên nên giữa họ có một sự hỗ trợ lẫn nhau độc đáo khác là nhờ đi chợ. Một gia đình hôm nay thiếu cái gì đó nhưng không thể đi chợ do không có phương tiện, không đủ sức khỏe… thì có thể nhờ hàng xóm hôm ấy đi chợ mua hộ. Việc giúp đỡ này thể hiện sự gắn kết và tương trợ lẫn nhau giữa những người dân quê vẫn bền chặt trong bối cảnh hiện nay.
2.3.2 Người bán
Cùng với người mua, người bán là một phần chủ thể của chợ. Tùy theo quy mô của từng chợ, số người tham gia bán hàng có dao động ít nhiều. Theo
số liệu của Ủy ban nhân dân huyện, chợ Kênh có 30 hộ kinh doanh nhưng con số thực tế lớn hơn nhiều, thường từ 40 đến khoảng hơn 100 người. Phiên chợ Kênh ngày 12-04-2014 có 64 người bán trong đó 33 người là thường xuyên buôn bán ở chợ, còn lại là những người không chuyên. Chợ Hới phiên ngày 02-05-2014 có 121 người buôn bán, trong đó 78 người là người buôn bán thường xuyên ở chợ. Chợ Huyện phiên ngày 03-05-2014 có 188 người buôn bán (không tính những ki ốt quần áo cố định trong chợ), trong đó chỉ có 76 người là người chuyên buôn bán ở chợ.
Trong các chợ phiên nông thôn, người bán chủ yếu là nữ giới, độ tuổi từ 30 đến 60. Đây là một truyền thống từ xưa của chợ, vốn phù hợp với đặc tính về giới của phái nữ. Việc buôn bán, nhất là buôn bán nhỏ ở chợ cần sự tỉ mỉ, chịu khó, chắt chiu, lấy công làm lãi. Bên cạnh đó, sự khéo léo cũng là một đức tính quan trọng. Những yêu cầu này của hoạt động buôn bán cũng phù hợp với thế mạnh của phái nữ.
Tuy nhiên, ở chợ vẫn có những người tham gia buôn bán là nam giới, dù là không nhiều. Trong phiên chợ Kênh, có thể gặp hai người buôn thịt là nam giới. Đến phiên chợ Hới, một người buôn rau, hai người buôn hành tỏi, một người buôn cây giống là nam giới cũng góp phần thêm cho chợ. Còn ở chợ Huyện, có thể gặp rất nhiều người buôn bán là nam giới, từ ba người bán đồ mây tre đan, năm người bán gà vịt con, hai gian quần áo, bảy hàng cây giống, hai hàng hạt giống, hai bễ lò rèn… Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những người buôn bán tại chợ, nhưng những người đàn ông buôn bán này đã làm cho bộ mặt chợ thêm phong phú, độc đáo.
Những người đàn ông đi chợ thường là những người bán hàng rất khéo, có duyên bán hàng. Các bà, các cô đi chợ cũng thường mua hàng của các anh vì nghĩ đàn ông thì bán không nói thách nhiều. Quan sát hai hàng rau lớn của chợ Hới, một bên là của một người phụ nữ, một bên là của một người đàn ông, gian hàng của người đàn ông có chủng loại rau ít hơn nhưng số lượng
bán ra không thua kém gì người phụ nữ. Những người đàn ông này thường không hay nói thách, không kì kèo giá cả và khi các bà các cô mặc cả bớt vài nghìn họ cũng vui vẻ chấp nhận, không đôi co lại. Có lẽ, chính vì điều này nên họ buôn bán có phần đắt hàng hơn.
Những người bán hàng có duyên là những người biết mời chào khách, biết tư vấn cho khách sản phẩm thích hợp và biết đưa ra giá cả hợp lý. Duyên bán hàng được quan niệm là do trời ban và cả sự tích lũy kinh nghiệm qua những năm tháng lâu dài buôn bán ở chợ. Những người bán hàng chợ quê có cách mời chào khách rất phong phú. Nếu những người khách lạ đi qua, họ sẽ quảng cáo về các sản phẩm của mình có. Ví dụ cô hàng thịt sẽ bảo “sườn, thăn hay ba chỉ em?”, cô hàng rau thì “rau muống, mùng tơi, rau cải hay ngọn bí không em?”, cô hàng hoa quả thì “mua cho cô ít mận cháu nhé, hay cam, ổi này cũng ngon lắm!”… Những câu mời chào này thường mang lại hiệu quả tương đối cao vì tính “cả nể” của người Việt, người ta mời nhiệt tình thế, không mua cũng ngại.
Số người buôn bán chuyên ở chợ thường là gian hàng thịt, hàng cua cá, hàng ăn, hàng thuốc. Những người buôn bán không chuyên thường là những người bán rau, bán hoa quả theo mùa. Điều này phù hợp với đặc tính của những người buôn bán không chuyên. Họ thường chỉ bán những sản phẩm dư thừa ra của gia đình mình, gian hàng của họ rất nhỏ, chỉ vài mớ rau, mấy nải chuối, chục trứng mà thôi.
Những người buôn bán không chuyên là phần thú vị nhất của những chợ phiên nông thôn, là “đặc sản” thường chỉ thấy ở những chợ quê mà thôi. Trái hẳn với các gian hàng chuyên thường có bạt trải ra để bày hàng, có bạt che nắng bên trên… những người bán hàng không chuyên thường chỉ bày hàng trên chiếc bì nilon nhỏ, một chiếc thúng, đôi quang gánh hay có khi là bán luôn trên chiếc xe kéo ra chợ. Họ đến chợ thường khá sớm, bán khá nhanh rồi
trở về nên những con số đếm được không chính xác tuyệt đối vì số người này dao động trong các thời điểm khác nhau.
Như một nguyên tắc bất thành văn ở chợ, chợ đã phân rõ chỗ ngồi của từng người, không ai được tranh chỗ của ai. Chỗ ngồi ấy được thiết lập sau một quá trình buôn bán lâu dài. Những người chuyên buôn có chỗ ngồi cố định của họ, gian hàng thường khá rộng, từ 2m2 đến 10m2. Họ thường ngồi những khu vực tốt nhất của chợ, phần trung tâm của chợ. Chợ Hới có hai gian lợp mái đều dành cho những người chuyên buôn, không có bất kỳ người buôn không chuyên nào trong khu vực này. Khu trung tâm được lợp mái của chợ Huyện cũng là khu vực của những người chuyên buôn.
Những người buôn không chuyên có gian hàng thường chưa đến nửa mét vuông, phải ngồi ở khu vực rìa của chợ hoặc những nơi không có người buôn chuyên nào ngồi. Họ cũng có thể ngồi ké những gian hàng chuyên nhưng phải được sự cho phép của người chủ gian hàng đó. Chính vì thế, ở những phiên chợ, thường có những cuộc cải vã xảy ra giữa những người chuyên buôn và không chuyên về chuyện chỗ ngồi. Tại phiên chợ Huyện, có một gian hàng được lợp mái vào khoảng 8h chưa có ai, một người bán rau liền ngồi bán ở đấy. Một lúc sau, một người bán cá đến và ngay lập tức lớn tiếng đuổi người bán rau đi, bày hàng ra bán vì đó vốn là chỗ ngồi của người đó. Hay tại phiên chợ Hới, một người bán rau muống chỉ có một thúng rau xin ngồi nhờ bên một hàng rau ở chợ nhưng người bán rau không đồng ý, liên tục xua đuổi người bán rau muống dù người này cố nài nỉ. Cuối cùng, người bán rau muống bán hết hàng chỉ trong chừng mười phút rồi ra về. Có thể thấy, chỗ ngồi cũng là một văn hóa độc đáo ở chợ. Những người bán hàng ngồi cạnh nhau cũng trở nên thân thiết hơn, thường xuyên trò chuyện, giúp đỡ nhau.
Giống như những người mua hàng có một vòng thời gian chợ phiên của mình, những người bán hàng cũng có một vòng thời gian chợ phiên riêng. Nay chợ này, mai chợ khác là chuyện quen thuộc với họ vì mỗi chợ chỉ họp
một số ngày nhất định. Họ thường đi những chợ cố định, gần với làng của mình vì tiện buôn bán và thói quen từ lâu. Phỏng vấn một người bán rau ở Nội thôn, xã Tây Đô buôn bán ở chợ Kênh, vòng thời gian của cô như sau: ngày 3, ngày 8 đi chợ Kênh, ngày 5, ngày 10 bán ở chợ Đô Kỳ, ngày 2, ngày 7, ngày 4, ngày 9 bán ở chợ Mới, ngày 1, ngày 6 bán ở chợ Đún. Tuy nhiên, những người cùng buôn bán ở một chợ chưa chắc đã có cùng vòng thời gian chợ. Một người bán rau ở chợ Hới có vòng thời gian chợ là chợ Hới, chợ Hà và chợ Tây Xuyên. Nhưng một người bán cây giống ở chợ này lại có vòng thời gian là chợ Hới, chợ Hà và chợ Hưng Nhân. Việc lựa chọn chợ để buôn bán thường theo các tiêu chí: khoảng cách từ nhà đến chợ, thói quen, quy mô của chợ. Thông thường, nếu đã quen buôn bán ở chợ nào họ sẽ ít khi đổi sang chợ khác.
Theo kết quả phỏng vấn sâu những người tham gia buôn bán ở chợ Hới, chợ Kênh và chợ Huyện, họ đều cư trú ở những làng khá gần chợ mà họ đi, thông thường từ 10km trở lại. Một số người buôn bán các mặt hàng đặc biệt,