Quyền quản lý chợ được giao cho làng chính là quản lý chợ theo hình thức quản lý cộng đồng.
Ở chợ Huyện, số tiền mà người trúng thầu quản lý phải nộp về xã là mười triệu một năm, nạp tiền sáu tháng một lần. Người quản lý được phép khai thác khu đất xung quanh chợ làm bãi gửi xe, thu phí vào chợ của các hộ kinh doanh theo định lỳ từng phiên với người buôn bán không chuyên, hàng tháng hoặc sáu tháng một lần với các hộ kinh doanh chuyên nghiệp. Trách nhiệm của họ là thu gom rác thải trong chợ, đóng mở cổng chợ hàng ngày, giải quyết các tranh chấp, xung đột xảy ra ở chợ. Nếu có những vấn đề nghiêm trọng, họ phải báo cáo Huyện và để cơ quan công an xử lý.
Ở chợ Hới, hai người chịu trách nhiệm quản lý chợ đều là người làng Hới và đã chịu trách nhiệm quản lý chợ từ năm 1993. Hàng tháng, vào ngày mồng 5, người quản lý phải nộp khoản tiền sáu trăm nghìn về xã, nếu nộp chậm xã sẽ gửi công văn yêu cầu nạp tiền. Vào những ngày phiên chợ, họ chia ra hai người đứng hai đầu chợ, nếu người vào chợ là người quen thì họ để người ta ngồi bán một lúc rồi mới thu tiền, nếu là người lạ thì thu tiền ngay. Những mối quan hệ làng xóm, họ hàng, quen biết đã gây ra nhiều phiền phức cho họ trong việc thu phí chợ. Nhiều người quen buôn bán không chuyên, thi thoảng mới ra chợ với ít hàng hóa gặp những người quản lý này đều xin miễn phí chợ cho họ. Những người quản lý cũng nể vì họ lời lãi chả đáng bao nhiêu nên không thu. Tuy nhiên, có nhiều người buôn bán chuyên ở chợ cũng tìm cách trốn phí chợ, lúc này họ phải tìm cách tự giải quyết. Theo những người quản lý, mấy tháng trước vừa có việc một người đồ tạp hóa ở chợ không chịu đóng tiền chợ dù người này dành chỗ rộng gấp ba bốn lần người khác, mỗi lần người thu tiền chợ đòi thậm chí người này còn buông lời chửi mắng. Chính sự cả nể, trọng tình và những mối quan hệ họ hàng, làng xóm đã gây ra nhiều “ngoại lệ”, gây trở ngại cho việc quản lý chợ.
Những người đấu thầu quản lý chợ không có quyền lực quản lý nên để có thể quản lý chợ hiệu quả, họ phải dựa vào sự mềm dẻo của bản thân, sự hỗ trợ của cộng đồng và sự cứng rắn của chính quyền. Ví dụ như giải quyết chuyện người bán hàng chuyên không chịu nộp thuế chợ ở trên, những người quản lý chợ đã phải đến tận nhà cô này, nói chuyện với mẹ chồng cô, sau đó cô mới chịu đóng tiền chợ cho ban quản lý. Nhiều nhà dân xung quanh chợ thường xuyên lấn diện tích chợ, ban quản lý phải kiến nghị lên xã và nhiều lần xã xuống cưỡng bức giải tỏa, xây kiên cố để giữ diện tích chợ. Như vậy, có thể thấy, quản lý cộng đồng mang lại sự quản lý mềm dẻo cho chợ, huy động sự tham gia của các hình thức quan hệ cộng đồng vào hoạt động quản lý chợ. Quản lý cộng đồng và quản lý Nhà Nước đan xen, hỗ trợ nhau để hỗ trợ hoạt động quản lý chợ hiệu quả.
Hai người quản lý chợ Kênh đã đấu thầu quản lý chợ được ngót hai mươi năm. Họ thường thay phiên nhau đi thu tiền phí chợ vì chợ tương đối nhỏ. Nguồn thu ở chợ không lớn, số tiền phải nạp về xã cũng không nhiều (bốn trăm nghìn một tháng) nhưng đó vẫn là một khoản tiền không nhỏ đối với những người dân quê chỉ trông chờ vào mảnh ruộng. Điều lí thú tác giả ghi nhận thấy đó là có những hôm người thu phí chợ bận công việc không đi thu phí được, họ cho một người họ hàng gần đi thu hộ, khoản tiền thu được cũng biếu luôn người đó chứ không đòi lại. Có thể thấy, quản lý chợ theo hình thức này không chặt chẽ, minh bạch nhưng tự bản thân cộng đồng đã điều chỉnh để hoạt động diễn ra hiệu quả. Quản lý cộng đồng chính là quản lý mềm dẻo, quản lý bằng sức mạnh của cộng đồng nên nó phù hợp với hoạt động chợ làng và đem lại hiệu quả quản lý cao.
Tiểu kết
Chợ phiên nông thôn là hình thức phân phối sản phẩm chủ yếu ở nông thôn từ xưa đến nay. Số lượng các chợ phiên so với xưa có tăng lên do đời sống kinh tế được nâng cao hơn. Một số chợ phiên cũ đã mất đi do nhiều nguyên nhân khác nhau như mất sự thuận lợi về giao thông, do chiến tranh…
Các chợ phiên nông thôn vẫn được phân bố theo chu kỳ thời gian âm lịch, các chợ gần nhau họp lệch ngày nhau để đảm bảo ngày nào cũng có chợ. Bên cạnh đó, xuất hiện một số chợ họp hàng ngày buổi sáng, cả ngày hoặc buổi chiều để bổ sung cho sự thiếu hụt của các chợ phiên, duy trì hệ thống các chợ phiên hiện tại.
Số lượng ngày họp chợ ít, thời gian họp chợ ngắn cộng với đời sống kinh tế còn thấp, ngân sách hạn hẹp nên hầu hết các chợ phiên đều chưa được kiên cố hóa, chủ yếu diện tích là tạm bợ hoặc họp ngoài trời. Diện tích các chợ bị thu hẹp nhiều so với trước đây do nhu cầu sử dụng đất tăng cao.
Chủ thể của chợ là người mua và người bán. Người mua chủ yếu là những người nhà ở gần chợ, bán kính trên dưới mười km. Hầu hết người mua là phụ nữ khoảng trung niên, số là nam giới rất ít. Đây là truyền thống từ xưa đến nay của người Việt, phù hợp với đặc điểm của giới nữ là người thu vén gia đình, nắm giữ “tay hòm chìa khóa”. Thu nhập không cao lại chủ yếu tự cấp tự túc được một phần lương thực nên nhu cầu mua bán của họ không lớn, thường mua thức ăn cho vài ngày rồi bảo quản tủ lạnh để chờ đến phiên sau. Chính mức sống và thói quen của người mua đã góp phần duy trì sự tồn tại của các chợ phiên.
Tương tự như người mua, người bán cũng chủ yếu là phụ nữ trung niên. Bên cạnh việc buôn bán, họ còn tham gia vào những hoạt động nông nghiệp khác trong gia đình. Đáng lưu ý ở đây là bên cạnh những người hành nghề buôn bán chuyên nghiệp, gần nửa số người buôn bán ở chợ là người buôn bán
không chuyên. Họ chỉ đến chợ để bán một số lương thực, thực phẩm trong nhà thừa ra như chục trứng, mớ rau, nải chuối… Một số người buôn bán là người sản xuất thủ công nghiệp như đan lát, bện chổi…, kết hợp vừa làm vừa bán. Những người buôn bán không chuyên này thường đến chợ sớm và về sớm, kết hợp đi chợ bán hàng và mua hàng.
Các mặt hàng ở chợ qua thời gian đã có nhiều biến đổi, phù hợp với nhu cầu của người dân trong đời sống hiện đại. Phổ biến ở chợ là hàng lương thực thực phẩm, hàng ăn, hàng thủ công… Mặt hàng chủ yếu của chợ Hới xưa kia là chiếu Hới nay đã biến mất, chợ đi vào ngạch phân phối qua những người bán rong và hệ thống cửa hàng, tiếp cận người mua sâu hơn. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng, dịch vụ còn tồn tại nhưng đã thay đổi cả về hình thức lẫn bản chất để tồn tại, thích ứng với hoàn cảnh hiện tại như bói toán, hát xẩm…
Cùng với những thay đổi mạnh mẽ trên, cách thức mua bán ở chợ cũng thay đổi. Điểm đáng lưu ý nhất chính là nhờ mức sống nâng cao nên người mua đã phóng khoáng hơn trong việc mua bán về cả số lượng hàng mua và giá cả. Tuy nhiên, trả giá vẫn là một nét văn hóa phổ biến ở chợ. Những cuộc trả giá thể hiện thói quen và gánh nặng của nền kinh tế nhỏ lẻ và mức sống thấp ở nông thôn vẫn đeo bám người dân.
Nổi bật nhất trong những hoạt động của chợ, một nét đẹp của chợ chính là mối quan hệ giữa những người trong chợ. Đó là quan hệ giữa người mua với người mua, người bán với người bán và người mua với người bán. Nhìn chung, đó là mối quan hệ thân tình, họ thường xuyên giúp đỡ nhau, hỏi thăm nhau, những câu chuyện khiến bức tranh chợ đa dạng và sống động hơn.
Như vậy, nhìn toàn cảnh chợ phiên nông thôn hiện nay, có thể thấy một cuộc sống vừa sôi động, vừa yên bình trong những làng quê. Qua từng phiên chợ, mức sống, lối sống và cả thói quen, những nét văn hóa… của người dân quê được bộc lộ rõ nét và có nhiều thay đổi so với trước đây. Những thay đổi này đối chiếu với chợ phiên trong lịch sử ở chương một sẽ là cơ sở để đánh giá những đổi thay của chợ hiện nay trong chương ba.
CHƯƠNG BA: ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦACHỢ PHIÊN NÔNG THÔN Ở HUYỆN HƯNG HÀ