Là trung tâm dư luận xã hội, nơi giao lưu văn hóa

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 32 - 34)

Trong nghiên cứu Chợ làng Việt xưa – một trung tâm văn hóa làng Việt, nhà nghiên cứu Tạ Đức đã kết luận rằng chợ là trung tâm văn hóa xuất hiện trước đình, chùa và mang tính chất linh hoạt, gần gũi với đời sống người dân hơn. Chợ gắn với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng từ tín ngưỡng đến “học yêu”, “học nói”, “học đi chợ”….

Dư luận xã hội là một trong những yếu tố có sức chi phối mạnh mẽ đến hành vi của người dân Việt xưa. Những người dân sống sợ điều tiếng, sợ dèm pha, giấu cái tôi của mình để hòa vào cái ta cộng đồng. Dư luận ấy đầu tiên là dư luận trong bản thân làng của họ sống, là “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Và rộng hơn, đó chính là dư luận liên làng, dư luận ở chợ.

Chợ là một nơi phức tạp, tập hợp nhiều người và tập trung nhiều chuyện. Người ta đến chợ ngoài mua bán ra còn để thoát khỏi chút bó buộc của không gian làng truyền thống, để nghe thông tin bên ngoài và để truyền cả thông tin trong làng mình ra ngoài. Xưa kia, các chính quyền phong kiến còn thường xuyên dán cáo thị về quy định mới, truy nã tội phạm ở chợ để đông đảo nhân dân biết. Một người làng này đi chợ biết tin về lại báo cho cả làng mình biết. Rồi họ kể chuyện làng mình cho người làng khác nghe. Chuyện chiếu chỉ của vua, chuyện quan trên, chuyện làng bên… tất cả được truyền một cách nhanh chóng và mạnh mẽ qua chợ. Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa, đồn gần đều qua chợ là chủ yếu. Chợ là nơi những người phụ nữ tụm năm, tụm bảy bàn chuyện rôm rả. Đó là một phần thú vị của chợ.

Không chỉ là trung tâm của dư luận xã hội, chợ còn là điểm giao lưu văn hóa. Không gian sống làng khép kín khiến nhiều giá trị của làng chỉ cư dân làng ấy biết. Thông qua chợ, họ được khoe cái hay, cái đẹp của làng mình, làng tôi có cô gái nào đẹp thế nào, có anh chàng nào vừa thi đỗ, truyền cho người làng khác cách chữa bệnh nọ, bệnh kia bằng phương pháp dân gian, cách làm cái này, cái nọ nhanh hơn, đẹp hơn, bền hơn…Qua đó, các giá trị văn hóa của làng được thoát ra khỏi không gian chật hẹp của làng, lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng một vùng.

Khi đã trao đổi thông tin, tức là giữa mọi người đã có đối thoại. Các cuộc đối thoại ngoài giữa những người xa lạ còn có đối thoại giữa những người thân, người quen. Là cô gái làng đi lấy chồng làng bên chỉ qua phiên chợ mới gặp họ hàng, hỏi thăm cha mẹ, gửi chút quà biếu gia đình; là những người họ hàng sống khác làng được dịp gặp gỡ, hỏi han nhau; là những người bạn xa nhau vô tình gặp nhau ở chợ để hàn huyên; là những người mua – người bán biết nhau qua những phiên chợ rồi thành quen thân nhau…. Chợ là một không gian để gặp gỡ, để trao đổi giữa những người khác làng, để phá vỡ tính tự trị, khép kín của lũy tre làng.

Trong các cuộc gặp gỡ ấy, thú vị nhất và đáng lưu tâm nhất là những cuộc gặp gỡ giữa những chàng trai – cô gái đến tuổi lập gia đình. Thông thường, xã hội xưa thường khuyến khích hôn nhân nội làng vì con gái lấy chồng xa “một là mất giỗ, hai là mất con”. Hơn nữa, họ muốn duy trì sự ổn định của làng, hạn chế tối đa người lạ. Nhưng mỗi làng thường chỉ có vài dòng họ sinh sống, hôn nhân đan chéo khiến nhiều chàng trai, cô gái nhìn đâu cũng toàn họ hàng, không thể tìm hiểu và đi đến hôn nhân được. Rồi có những lúc họ không ưng thuận với bất kì ai trong làng. Trong bối cảnh đó, họ buộc phải hướng đến những đối tượng bên ngoài. Nhưng họ không thể tự nhiên sang làng khác mà gặp gỡ mà tìm hiểu được. Cũng không có một dịp, một không gian nào cho họ gặp gỡ nhau, ngoài những làng kết chạ có lễ hội

tổ chức cùng nhau. Chỉ có chợ mới là dịp để họ có thể gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Chàng trai đến chợ gặp cô hàng xén, cô gái bán rau, bán hoa, ưng thuận rồi vờ mua hàng, ngồi cạnh buôn cùng để tìm cơ hội. Tiêu chuẩn chọn vợ “trai khôn chọn vợ chợ đông” không chỉ nói lên một không gian có nhiều cơ hội để gặp gỡ mà còn chỉ rõ, người phụ nữ giỏi buôn bán là một trong những tiêu chuẩn chọn vợ ngày xưa.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 32 - 34)