Dự báo xu hướng phát triển của chợ phiên nông thôn trong tương la

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 109 - 112)

Phần 3.1 đã phân tích lí do vì sao chợ phiên nông thôn vẫn tồn tại mạnh mẽ ở huyện Hưng Hà cũng như các địa phương có điều kiện kinh tế tương tự với huyện này. Tuy nhiên, để phù hợp với đời sống xã hội đương đại, chợ phiên đã trải qua nhiều biến đổi. Vậy thì, trong tương lai, chợ phiên nông thôn có còn tồn tại nữa không và sẽ biến đổi như thế nào?

Nhìn vào mạng lưới phân phối hàng hóa ở nước ta hiện nay, các vùng nông thôn kinh tế còn thấp và các vùng núi chủ yếu tồn tại hình thức chợ phiên và chợ hàng ngày. Bên cạnh đó, các hình thức cửa hàng nhỏ cũng ngày càng nở rộ, những người bán hàng rong vẫn tồn tại cầm chừng và manh nha xuất hiện các siêu thị nhỏ. Các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế phát triển cao hơn và các vùng đô thị thì các hình thức thương mại chủ yếu là chợ hàng ngày, cửa hàng nhỏ ngày càng mở rộng và các siêu thị cũng chiếm một phần lớn thị trường. Quy luật tất yếu của thị trường là khi nhu cầu càng lớn thì các hình thức phân phối sẽ càng thuận tiện hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn. Các vùng nông thôn khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, nhu cầu của người dân tăng lên thì tất yếu các hình thức bán lẻ phải đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu người dân một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất thì mới có thể giữ được thị trường. Ở các khu vực thành thị, các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên thu hút một lượng lớn khách hàng. Nhiều chợ được cải tạo thành các trung tâm thương mại nhưng chưa hoạt động hiệu quả, các chợ cóc, chợ tạm vẫn tiếp tục mọc lên và đông đúc để đáp ứng nhu cầu mua bán yêu cầu sự thuận tiện của người dân. Có thể khẳng định, chợ vẫn là loại hình thương mại bán lẻ quan trọng ở khu vực thành thị với mạng lưới các chợ cóc, chợ tạm rộng lớn.

Hiện nay, hệ thống chợ ở huyện Hưng Hà đang trong giai đoạn chuyển tiếp, tức là bên cạnh hệ thống chợ phiên vẫn hoạt động như cũ đã có một số chợ vẫn họp hàng ngày nhưng quy mô nhỏ, giữ phiên chính với quy mô lớn. Cùng với đó là sự bổ sung của hệ thống chợ hàng ngày nhỏ chủ yếu họp buổi chiều. Chính vì thế, trong thời gian tới, có thể dự đoán rằng, khi nền kinh tế ở khu vực nông thôn như huyện Hưng Hà phát triền đến một mức độ nhất định, các chợ phiên sẽ chuyển thành các chợ họp hàng ngày. Và hệ thống chợ tiếp tục là kênh mua bán quan trọng nhất của vùng.

Các chợ phiên mất đi đồng nghĩa với việc nhiều giá trị văn hóa cũng mất đi. Đó là cách tính thời gian theo các phiên chợ, là những cuộc gặp gỡ ở chợ phiên… Tuy nhiên, đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế, cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển. Khi hệ thống chợ phiên mất đi, tất cả những tài liệu về chợ sẽ là những tư liệu quý báu về bộ mặt nông thôn Việt Nam một thời, kí ức về chợ vẫn còn lưu lại trong những người già. Nhưng có thể khẳng định rằng, tương lai hệ thống chợ phiên thay bằng các chợ hàng ngày còn rất xa, có thể hàng chục năm, nhưng cũng có thể là đến hàng trăm năm nữa.

Tiểu kết

Qua phần tư liệu lịch sử ở chương một và hiện trạng ở chương hai, chúng ta đã có thể đưa ra một cái nhìn so sánh về chợ phiên trong lịch sử và hiện tại và đủ cơ sở dữ liệu để lí giải những sự khác nhau đó và đưa ra một dự đoán cho tương lai.

Chợ phiên huyện Hưng Hà là hình thức bán lẻ chủ yếu trong nền kinh tế của vùng, tồn tại mạnh mẽ và lấn át các loại hình bán lẻ khác. Trải qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, chợ phiên tồn tại đã trải qua nhiều biến đổi. Sự tồn tại cho đến ngày hôm nay chính là kết quả của một quá trình dài biến đổi và thích nghi với điều kiện kinh tế - xã hội hiện đại.

Những thay đổi của chợ phiên huyện Hưng Hà thể hiện rõ nét trên tất cả các bình diện của chợ, tiêu biểu cho những biến đổi của những chợ phiên ở những vùng nông thôn điều kiện kinh tế còn tương đối thấp hiện nay.

Diện mạo mới, chợ phiên cũng khoác lên mình những giá trị mới về kinh tế, văn hóa, xã hội. Chợ tiếp tục là một trung tâm trao đổi phù hợp với điều kiện kinh tế tương đối thấp. tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân và góp phần cân bằng vai trò của người phụ nữ trong nền kinh tế. Về mặt văn hóa – xã hội, chợ mất đi vai trò trung tâm dư luận xã hội và gặp gỡ, giao lưu nhưng nó vẫn giữ trong mình những nét ân tình, thấm đẫm tình người của những làng quê Việt. Quan trọng hơn, chợ có những giá trị văn hóa mới được thiết lập như quan hệ bạn hàng, quan hệ khách quen – hàng quen, đề cao khách hàng…

Nền kinh tế và xã hội luôn luôn biến động. Chợ phiên luôn đứng trước những thời cơ và thách thức để tồn tại và phát triển. Khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định, các chợ phiên sẽ chuyển thành chợ hàng ngày để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhưng chắc chắn, trong một thời gian tương đối dài sắp tới, chợ phiên vẫn sẽ tồn tại mạnh mẽ và là trung tâm buôn bán chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 109 - 112)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w