Cách thức quản lí chợ phiên 1 Quản lý Nhà Nước

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 77 - 78)

2.5.1 Quản lý Nhà Nước

Chợ là một trong những hình thức phân phối chủ yếu hàng hóa trong cả nước, là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Chính vì thế, quản lý chợ là một trong những vấn đề rất được Nhà Nước quan tâm. Việc quản lý chợ được giao cho Bộ Công Thương, tuy nhiên, các văn bản quy định pháp luật về quản lý chợ do cả Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành.

Vai trò đầu tiên của quản lý Nhà Nước chính là thống kê, quản lý và quy hoạch chợ. Theo quy định, các chợ loại hai, loại ba do chính quyền huyện

quản lý thông qua phòng Công thương. Ở địa bàn huyện Hưng Hà, tất cả các chợ đều là chợ loại hai, loại ba nên huyện quản lý tất cả các chợ này. Phòng Công Thương có một đồng chí chuyên trách quản lý về mảng chợ. Mỗi năm, phòng Công Thương lập văn bản báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của các chợ. Khi Sở Công Thương có yêu cầu, phòng sẽ lập văn bản về hiện trạng và quy hoạch hệ thống chợ trong huyện.

Bên cạnh việc quản lý chung, phòng Công Thương còn chịu trách nhiệm về việc tu sửa, xây dựng các chợ mới hay xóa bỏ các chợ đang tồn tại. Việc tu sửa, xây dựng các chợ do các xã đề xuất lên, phòng Công Thương sẽ căn cứ tình hình để quyết định. Thông thường, việc tu sửa, xây dựng lấy ngân quỹ từ xã và đóng góp của nhân dân.

Việc quản lý cụ thể các chợ được giao cho chính quyền các xã. Có ba hình thức quản lý chợ là Hợp tác xã, Ban quản lý và Đấu thầu quản lý. Trên địa bàn huyện Hưng Hà chỉ tồn tại hình thức Đấu thầu quản lý. Theo quy định, nhiệm kỳ năm năm một lần, các xã sẽ tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các chợ với một khoản tiền yêu cầu nhất định nộp về ngân sách xã hàng tháng. Người trúng thầu quản lý chịu trách nhiệm thu thuế chợ và thu gom rác thải ở chợ. Việc đấu thầu quản lý này thực chất là vẫn giữ nguyên quyền quản lý chợ cho làng, chính quyền chỉ chịu trách nhiệm thu phí. Những người quản lý chợ đều là người làng và làm việc lâu dài, khi họ không thể quản lý chợ được nữa, những người thay thế cũng đều là con cháu của họ. Tuy nhiên, có những việc mà ban quản lý chợ không thể giải quyết được, phải kiến nghị chính quyền xử lý như việc những người dân xung quanh chợ lấn chiếm diện tích chợ, ẩu đả ở chợ… Khi đó, chính quyền xã phải sử dụng pháp luật để đảm bảo việc hoạt động ổn định cho chợ.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 77 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w