Trong đời sống xã hội trước đây, nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng phụ thuộc nhiều vào chợ. Bên cạnh một số lượng người bán hàng rong ít ỏi vẫn đi vào từng làng để bán một số mặt hàng có nhu cầu cao, các làng quê hầu như chỉ trao đổi hàng hóa qua hệ thống chợ. Chợ là trung tâm của mọi hoạt động trao đổi của vùng. Nhắc đến mua bán thứ gì, người ta chủ yếu nghĩ đến chợ và phải tìm đến chợ.
Hiện nay, bên cạnh chợ, nhiều loại hình trao đổi khác đã xuất hiện. Đó là sự mở rộng của hệ thống các cửa hàng đến tận các làng. Trong làng Kênh có một cửa hàng thuốc tân dược, ba cửa hàng tạp hóa, một cửa hàng vật liệu xây dựng, một cửa hàng điện nước, một cửa hàng sữa chữa các đồ gia dụng. Ở làng Hới, các cửa hàng nhiều hơn do đời sống cao và nhu cầu cao hơn. Trong làng có hai cửa hàng thuốc tân dược, bảy cửa hàng tạp hóa, hai cửa hàng nhựa, hai cửa hàng sữa chữa đồ gia dụng, hai cửa hàng cắt tóc, một hiệu may. Trên dịa bàn thị trấn Hưng Hà có hơn một trăm cửa hàng buôn bán lẻ và dịch vụ các loại từ cà phê, vàng bạc, quần áo, đồ sơ sinh, điện thoại…. Như vậy, có thể thấy, hệ thống các cửa hàng đã phát triển tương đối mạnh và phục vụ một phần nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Bên cạnh các cửa hàng, những người đi bán hàng rong vẫn còn tồn tại. Trong làng Kênh thường có hai người đi bán rao chiếu ga gối thảm các loại,
một người đi bán rao nồi niêu và đồ nhôm, một người đi mua đồng nát và long gà vịt các loại. Ở làng Hới và khu vực thị trấn cũng có những người thường xuyên đi rao bán hàng hóa với chủng loại tương đối đa dạng. Tuy nhiên, những người bán hàng rong này thường chỉ bán những sản phẩm và dịch vụ mà ở chợ không có, còn những sản phẩm ở chợ có bày bán thì họ phải bán chủng loại khác đi.
Ngoài ra, trên địa bán huyện Hưng Hà có một siêu thị nhỏ của công ty May 10, chủ yếu bán các sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, hàng gia dụng… Như vậy, có thể thấy, bên cạnh chợ, các loại hình bán lẻ khác vẫn tồn tại ở nông thôn. Tuy nhiên, các loại hình thương mại này không hoạt động hiệu quả bằng chợ. Hầu hết các sản phẩm của các loại hình bán lẻ này đều không trùng với chợ, là các sản phẩm chuyên biệt hoặc sản phẩm đắt tiền. Những sản phẩm trùng với chợ thường là các sản phẩm có nhu cầu cao trong đời sống như hàng tạp hóa, hàng gia dụng… Với đa số các sản phẩm còn lại, người dân đều tìm đến chợ để mua sắm. Chợ phiên là loại hình thương mại phổ biến nhất, quan trọng nhất và chi phối gần như tất cả các hoạt động trao đổi ở nông thôn. Thật khó tưởng tượng bộ mặt nông thôn nói riêng và đất nước ta nói chung nếu như không có hệ thống chợ hiện nay.
Bên cạnh vai trò ấy, chợ còn có vai trò tương đối đặc biệt khác gắn liền với tính cách nhặt nhạnh, tiết kiệm của người dân. Đó là chợ phiên luôn có một phần dành cho những người buôn bán không chuyên với những gian hàng nhỏ, số lượng ít, chủng loại hàng hóa thấp. Đôi khi, những người bán hàng không chuyên ấy lại mang theo những sản phẩm khá đặc biệt như một con rắn độc, chuột, ốc… bắt được tùy thời điểm, thời vụ. Chợ phiên đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thêm thu nhập cho người dân nhờ vào những sản phẩm dư thừa, nhặt nhạnh ấy và khuyến khích người dân tăng cường sản xuất, đánh bắt để nâng cao đời sống.
Chợ là thị trường chính ở nông thôn, cũng là mảnh đất màu mỡ để triển khai những chương trình kinh tế liên quan đến thị trường. Những biện pháp khéo léo tận dụng lợi thế này của chợ có thể mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Tiêu biểu cho các hoạt động đó là chương trình mang hàng Việt về nông thôn. Các chợ phiên trở thành nơi thích hợp nhất để những thương hiệu Việt quảng bá sản phẩm của mình, mở rộng thị trường. Các hoạt động khác như kiểm soát dịch bệnh của gia súc gia cầm, chống hàng lậu, hàng giả… cũng được triển khai mạnh ở chợ.
Chợ là thế giới của đàn bà, những phiên chợ đã ghi dấu ấn vai trò của người phụ nữ trong nền kinh tế nói chung, hoạt động trao đổi nói riêng. Chính sự khéo léo, cần cù, chịu khó của người phụ nữ khiến họ thích nghi được với môi trường chợ, biến chợ thành thế giới của họ. Người phụ nữ đi chợ buôn bán là kiếm thêm thu nhập không hề nhỏ cho gia đình, chợ giúp tạo nên một số lượng công ăn việc làm tương đối lớn cho họ. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bước chuyển mình, ở những vùng nông thôn như Hưng Hà, nhiều hộ gia đình trẻ đã bỏ nghề nông, quay sang tìm các nghề nghiệp khác để mang lại thu nhập cao hơn. Những người vẫn sống bằng nghề nông thì cũng tranh thủ những nghề khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Những người phụ nữ quê không có nghề nghiệp thường chạy chợ để mưu sinh, vừa có thu nhập hàng ngày tương đối ổn định lại không yêu cầu nhiều về sức khỏe. Thế kỉ XXI là thế kỉ của đánh dấu vai trò của phụ nữ ngày càng nổi bật hơn trong xã hội, nền kinh tế cũng mở rộng cửa để người dân tự do làm giàu chính đáng, tự do lưu thông, những người phụ nữ quê cũng vươn mình lên trong những hoạt động buôn bán, mở rộng hoạt động buôn bán để khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế.
Và cuối cùng, chợ thể hiện rõ nét nền kinh tế của khu vực. Từ xưa đến nay, các làng có chợ thường là làng đông dân và làng lớn, kinh tế tương đối phát triển. Những chợ lớn thường là chợ trung tâm của vùng, chợ ở các làng
giàu có. Những làng có chợ sau đó lại phát triển hơn vì có thị trường, có trao đổi nên các làng đều muốn lập chợ. Nhìn vào hệ thống chợ Kênh, chợ Hới, chợ Huyện, mức sống của từng vùng quanh chợ thể hiện rõ qua quy mô chợ. Chợ phát triển nhất là chợ Huyện rồi đến chợ Hới, chợ Kênh.
Chợ vùng Hưng Hà đặc trưng cho vùng kinh tế nông thôn với các sản phẩm chủ yếu là lương thực thực phẩm, phục vụ nhu cầu đầu tiên và cơ bản của người dân. Những phiên chợ chủ yếu chỉ có thịt lợn, không có hoặc ít gian hàng thịt bò, thịt gà, thịt chó… những loại thực phẩm đắt tiền hơn, nhiều gian hàng không chuyên nhỏ bé với giá trị thấp, việc trả giá gắt gao và kéo dài… là những bằng chứng về mức sống còn tương đối thấp của người dân. Cơ cấu hàng hóa ở chợ cũng thay đổi theo mùa vụ, thể hiện rõ nông vụ của người dân. Mùa lạnh, đầu năm là mùa ngô, mùa khoai, rau cải bắp, cà rốt, su hào… Mùa này rau củ rất rẻ, nhiều nhà không bán được còn đổ ra ruộng. Đến giữa tháng Giêng, người dân đã thu hoạch rau xong để chuẩn bị cấy lúa, nguồn rau chỉ còn ở các vườn thì rau ở chợ khan hiếm lại đắt đỏ, chủng loại nghèo nàn, chỉ có ít đỗ, bầu, bí, cải.... Nhưng đến mấy tháng sau lại có mùa rau muống, rau cải, mồng tơi, mướp và các loại rau mùa hè khác, giá rau lại rẻ. Rồi lại đến mùa đông… Vòng nông vụ của người dân cũng là vòng hàng hóa rau củ của chợ, thể hiện cả sự thất thường và thiếu quy hoạch trong sản xuất của người dân và sự khép kín tương đối của nền kinh tế vùng và chợ, ít nhập nguồn rau củ từ các vùng khác về.
Cuối cùng, chợ có nhiều đổi thay thể hiện tính kinh tế thị trường rõ nét hơn so với những phiên chợ quê trước đây. Đó là sự hình thành những gian hàng và những người chuyên buôn đông đảo, việc mua bán hướng tới sự chính xác cao hơn với những công cụ định lượng như cân và phương tiện thanh toán bằng tiền, người bán hàng do tính cạnh tranh phải hướng đến người mua nhiều hơn bằng cách mời chào, trò chuyện, tư vấn, băng rôn quảng cáo giảm giá, loa phát nhạc… Đó là những yếu tố chuyên nghiệp của nền
kinh tế thị trường đang dần xâm nhập vào chợ.