Giá trị lịch sử chính trị

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 36)

Chợ trải qua quá trình tồn tại lâu dài, bản thân nó có những giá trị lịch sử gắn với những thời kỳ khác nhau. Thời kỳ phong kiến, chợ là trung tâm dư luận xã hội, là nơi dán thông cáo của triều đình, ban bố các quy định mới rộng rãi cho nhân dân biết. Các hình phạt cũng có hình phạt bêu gương ở chợ để cảnh cáo người bị phạt và răn đe người dân. Nhưng những giá trị lịch sử nổi bật nhất của chợ gắn với thời kỳ sau, thời kỳ kháng chiến.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chợ là nơi để các cán bộ cách mạng tuyên truyền, giác ngộ cho người dân. Chợ được lựa chọn bởi chợ là nơi tập trung đông người, cán bộ dễ tiếp cận và cũng dễ thoát thân khi bị phát hiện. Nhiều câu chuyện lịch sử đã ghi nhận có những gian hàng ở chợ thực chất là nơi trú ẩn, tuyên truyền, gặp gỡ cho các cán bộ cách mạng. Đây cũng là nơi tiếp tế lương thực, tiền và các nhu yếu phẩm cho các đồng chí đang ẩn náu.

Chính vì các cán bộ cách mạng thường lựa chọn chợ để giao lưu với bên ngoài trong quá trình ẩn náu nên đã có nhiều cuộc truy sát, ném bom xảy ra ở chợ. Bên cạnh đó, trong những thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ cũng thường ném bom vào các khu chợ tập trung đông người. Những cuộc truy sát này đã tàn phá nhiều ngôi chợ nhưng hoạt động của chợ vẫn tiếp tục, mang trong mình những dấu ấn lịch sử của chiến tranh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các vùng giải phóng của ta và vùng chiếm đóng của địch xen kẽ lẫn nhau nên các chợ ở vùng giáp ranh trở thành nơi tiếp tế sản phẩm cho ta, khắc phục phần nào tình trạng khan hiếm lương thực và các nhu yếu phẩm.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 36)