Hiện trạng kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 39 - 42)

Hưng Hà là một trong những huyện nông thôn còn khá nguyên vẹn và thuần nhất. Đặc điểm này thể hiện khá rõ trong hiện trạng kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo số liệu năm 2006, huyện Hưng Hà có diện tích 209.000km2 với 33 xã và 2 thị trấn. Tổng số cư dân trong huyện là 256.756 người, mật độ dân số 1.281 người/km2. Có thể thấy, mật độ dân số của vùng tương đối cao. [47]

Huyện Hưng Hà nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung xưa kia vốn là một khu vực thuần nông, một trong những vùng sản xuất lúa nước lâu đời và năng suất cao của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, cơ cấu kinh tế của huyện đang có sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2012 của huyện, gía trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 3.098,1 tỉ đồng, chiếm 31,61%. Tỉ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ lần lượt đạt 50,48% và 17,91%. [55] Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Thái Bình là 26.1 triệu đồng, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Bình quân lúa gạo là 545kg/người/năm.

Tuy chiếm tỉ trọng tương đối thấp trong GDP nhưng tỉ lệ dân số hoạt động trong khu vực nông – lâm – thủy sản lại cao nhất, chiếm 55,65%. Tỉ lệ dân số hoạt động trong ngành dịch vụ cao thứ hai, chiếm 25,45%, cuối cùng là công nghiệp, xây dựng với 18,9%. [55] Như vậy, có thể thấy, nông nghiệp vẫn là nghề nghiệp chính của chủ yếu cư dân. Những lao động hoạt động trong ngành khác như công nghiệp, dịch vụ nhưng thời gian rảnh rỗi vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình.

Về giao thông vận tải, hiện nay, hầu hết các xã trong huyện đều có đường bê tông đến trung tâm xã. Các con đường nội bộ trong xã, trong thôn làng đang được đẩy mạnh đầu tư thành đường bê tông với phương châm Nhà Nước và nhân dân cùng làm theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, việc giao thông đi lại giữa các làng, các xã hiện nay rất thuận tiện, nhanh chóng.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay, đời sống của cư dân huyện Hưng Hà tương đối thấp so với mức trung bình của cả nước và nông nghiệp vẫn đóng vai trò tương đối lớn trong đời sống của cư dân, góp phần đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm hàng ngày cho các hộ gia đình. Hai lí do này đã chi

phối đến sức mua thấp của người dân, các chợ phiên vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến trong huyện.

Huyện Hưng Hà có nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như dệt lụa Phương La, dệt chiếu Hới… Các làng trong huyện hầu hết đều có nghề thủ công truyền thống như nghề làm nón Gốc Rơ, làm bánh tráng đậu phụ làng Kênh… Những nghề này vẫn còn được các làng duy trì, góp phần làm đa dạng sản phẩm phục vụ đời sống người dân và tăng thêm thu nhập.

Nghiên cứu một hộ gia đình điển hình ở các làng trong huyện, có thể thấy cơ cấu hộ gia đình phổ biến là gia đình hạt nhân với hai thế hệ chung sống. Ước tính có khoảng 80% hộ gia đình trong huyện là hộ nông nghiệp với nông nghiệp là ngành kinh tế chính, thu hút mọi thành viên trong gia đình tham gia. Làng Kênh có hai kiểu gia đình tiêu biểu là gia đình già và gia đình trẻ. Các hộ gia đình già là các hộ có chồng và vợ khoảng 50 tuổi trở lên, cả chồng và vợ làm nông nghiệp, con cái lớn thoát ly đi làm ăn xa hoặc làm công nhân cho các công ti trong huyện. Các hộ gia đình trẻ thường cả vợ và chồng làm công nhân hoặc các nghề phụ khác như sửa chữa, buôn bán… Ruộng đất của làng nhiều mảnh bị bỏ hoang do những hộ gia đình trẻ được phân ruộng nhưng không làm nông nghiệp nữa, các mảnh xa không ai thuê để làm. Như vậy, có thể thấy, các hộ gia đình già vẫn là những hộ nông nghiệp, mọi thành viên trong gia đình đều tham gia vào hoạt động nông nghiệp, kể cả con cái lớn làm công nhân nhưng vẫn tham gia phụ hoạt động nông nghiệp vào những ngày nghỉ. Một số hộ gia đình trẻ bên cạnh buôn bán, sửa chữa vẫn tiếp tục làm nông nghiệp vì không muốn bỏ phí đất và thời gian, đảm bảo một phần lương thực cho gia đình.

Làng Hới có kiểu gia đình tiêu biểu là gia đình thủ công nghiệp. Hầu hết các hộ trong làng đều tham gia dệt chiếu bằng máy. Tất cả thành viên trong gia đình đều tham gia vào các khâu làm chiếu, trẻ con thì tước nguyên liệu, người lớn thì đứng máy dệt chiếu, những người trẻ khỏe thì mang chiếu đi

bán rong các vùng xung quanh, lên cả các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái…. Nghề dệt chiếu không mất nhiều công sức nhưng tốn thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính vì thế người dân trong làng dù mức sống tương đối cao nhưng lúc nào cũng bận rộn. Các hộ gia đình không tham gia vào nghề dệt chiếu chủ yếu là làm nghề buôn bán, sửa chữa, một số nhỏ làm nông nghiệp.

Khu vực thị trấn chủ yếu là các hộ buôn bán, kinh doanh, không có hộ nông nghiệp. Đặc thù của kiểu gia đình buôn bán, kinh doanh là bận rộn, ít thời gian rảnh rỗi nhưng thu nhập cao. Chính vì thế, mức sống của các hộ gia đình này tương đối cao, nhu cầu buôn bán vì thế cũng nhiều hơn.

Như vậy, qua ba khu vực tiêu biểu này, có thể thấy, về cơ bản, mức sống của người dân Hưng Hà, Thái Bình thuộc mức trung bình. Thu nhập của người dân không cao nhưng tương đối ổn định. Hầu hết các hộ gia đình đều có các vật dụng cơ bản như ti vi, tủ lạnh… Tỉ lệ tự cung tự cấp trong các gia đình giảm dần, trong đó tỉ lệ tự cung tự cấp của làng Kênh cao nhất rồi đến làng Hới và thị trấn. Sự phân hóa từ thấp đến cao về mức sống của ba khu vực này từ làng Kênh xã Tây Đô đến làng Hới xã Tân Mỹ và cuối cùng là thị trấn Hưng Hà cũng phản ánh nhu cầu từ thấp đến cao về mua bán, ảnh hưởng đến hoạt động của các chợ.

Một phần của tài liệu Luận văn: Chợ phiên ở huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w