TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGIÊN CỨU
1.3.1. Công tác tổ chức quản lý.
Trong những năm gần đây quán triệt đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với công tác TDTT trong giai đoạn mới, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo và Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã tăng cường sự phối hợp chỉ đạo đầu tư cho nhiệm vụ giáo dục thể chất trong nhà trường, vì vậy công tác GDTC và thể thao học đường đã thu được kết quả đáng khích lệ. GDTC và thể thao trong nhà trường phổ thông đã có sự tiến bộ, thể hiện qua các mặt sau:
Hình thành và bước đầu củng cố hệ thống tổ chức quản lý GDTC trong nhà trường từ trung ương cho đến địa phương: Bộ phận GDTC thuộc Vụ công tác học sinh - sinh viên của Bộ Giáo dục - Đào tạo, cán bộ chuyên trách về công tác GDTC ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ kiêm nhiệm ở các Phòng Giáo dục quận, huyện; ở nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Hội khoẻ Phù Đổng các cấp có tác dụng thống nhất và liên kết chỉ đạo phong trào giữa các ngành và cơ quan hữu quan nhằm động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng, khuyến khích dư luận và các hoạt động xã hội ủng hộ thiết thực cho GDTC và thể thao học đường.
Nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới các văn bản pháp quy chỉ đạo giáo dục thể chất và thể thao trường học, cải tiến nội dung chương trình thể dục các cấp học, ra thông tư liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục TDTT số 04-93/GDĐT-TDTT ngày 17/04/1993 về việc phối hợp chỉ đạo công tác GDTC cho HSSV. Xây dựng và ban hành quy chế về công tác GDTC trong trường học các cấp. Hai Ngành Thể dục thể thao và Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp xây dựng chương trình đồng bộ có mục tiêu về cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, bồi dưỡng tài năng thể thao học sinh trong nhà
trường các cấp. Nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn rèn luyện thân thể HSSV, đề xuất các điều luật về giáo dục thể chất trong dự thảo Luật giáo dục.
Tuy nhiên hệ thống tổ chức quản lý công tác GDTC của Ngành Giáo dục và Đào tạo còn chưa đồng bộ, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chỉ có một cán bộ chỉ đạo theo dõi nhiều bậc học và còn phải kiêm nhiệm nhiều mặt hoạt động khác. Đặc biệt chỉ có từ 3 - 5% số Phòng Giáo dục các quận, huyện có cán bộ nghiệp vụ chỉ đạo chuyên trách.
Chưa có sự phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các vụ quản lý bậc học, Viện nghiên cứu với Vụ công tác HSSV trong việc chỉ đạo triển khai các hoạt động giáo dục thể chất một cách đồng bộ.
Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục thể chất, thể thao học đường ít được quan tâm, do đó chất lượng còn yếu và không đồng đều.