Vấn đề cái tôi trong văn xuôi Tản Đà 1 Vấn đề cái tôi trong sáng tác văn học

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 37 - 40)

1.3.1. Vấn đề cái tôi trong sáng tác văn học

Cái tôi trong trong đời sống xã hội cũng như trong văn học đã từng được bàn đến nhiều. Theo Nguyễn Đình Chú, “Cá nhân là thực thể đầu tiên làm nên mọi hình thức cộng đồng xã hội... Có thể ví xã hội như là một cơ thể thì cá nhân là từng tế bào. Muốn có một cơ thể khoẻ thì phải có từng tế bào khoẻ. Cái Tôi - cá nhân được nhận thức đúng đắn sâu sắc và được phát huy theo hướng đúng đắn, chân chính, sẽ là điều kiện tối ưu cho sự phất triển toàn xã hội. Nói đến cái Tôi - cá nhân không chỉ có khía cạnh quyền lợi, sự hưởng thụ, mà trước hết là vai trò, động lực phát triển xã hội, sự cống hiến. Cái Tôi - cá nhânđược nhận thức như thế, về bản chất là hoàn toàn đối lập với cái Tôi - cá nhân chủ nghĩa, tức là chủ nghĩa vị kỷ, phản tiến hoá... Cái Tôi - cá nhân

hiểu theo nghĩa chân chính không hề đối lập với tính cộng đồng, tính tập thể, tính vị tha... Văn học phấn đấu cho chủ nghĩa nhân đạo bằng sự bảo vệ, xây đắp hạnh phúc cho con người, khám phá thế giới con người, nhưng khi nói đến hạnh phúc con người cũng như khám phá thế giới con người mà không thông qua con người cá nhân thì ít nhiều đã rơi vào chủ nghĩa trừu tượng, phi thực tế. Cái Tôi - cá nhân có ý nghĩa thiêng liêng như vậy trong sự sống của nhân loại. Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, con người trong đó các nhà văn với sứ mạng khám phá, phản ánh, đấu tranh cho hạnh phúc con người cũng đã nhận thức sáng tỏ vấn đề này. Có thể nói ở nước ta, và trong phạm vi văn học, dễ thấy một sự thật có phần khác với nhiều nền văn học trên thế giới là đã rất chậm chạp trong việc nhận thức về cái Tôi - cá nhân này thậm chí là cho đến hôm nay, cũng chưa hẳn đã được nhận thức rạch ròi... Chủ nghĩa nhân văn trong văn học Phục hưng đề cao con người, coi nó là trung tâm của vũ trụ, là thực tế tồn tại đẹp đẽ nhất của muôn loài... Đến thế kỷ XVII, Đêcáctơ (Descartes) có được luận điểm nổi tiếng: “Je pense, donç je suis” (Tôi tư duy, ấy là tôi tồn tại) chính là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Phục hưng về cái Tôi - cá nhân (L'individu) đó. Chủ nghĩa nhân văn của thời Phục hưng với nội dung cơ bản trên đây trước hết là một sự giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của tôn giáo, của thần quyền. Từ sự giải phóng này, con người vươn tới sáng tạo ra nền văn hoá Phục hưng và để lại những con người khổng lồ trên phương diện văn hoá nghệ thuật... như mọi người đã biết. Ở nước ta, mãi tới thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, trong điều kiện chế độ phong kiến cùng với ý thức phong kiến bị suy sụp trước sự trỗi dậy của các phong trào nhân dân trong đó đã bắt đầu có thành phần thị dân, cái Tôi - cá nhân mới bắt đầu có mặt ít nhiều qua sáng tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Công Trứ... Trong cái Tôi - cá nhân ở giai đoạn văn học này đã có cái Tôi tự ý thức về mọi nỗi đau khổ của mình, cái Tôi đòi quyền sống cho mình, trong đó có quyền được tự do bộc lộ tình cảm riêng tư cá thể, tự do yêu đương, tự do hưởng hạnh phúc lứa đôi,

hạnh phúc tuổi trẻ, kể cả hạnh phúc bản năng. Ở đây cũng chớm hiện ra cái Tôi sinh học tự nhiên… Sự kết hợp hài hoà giữa cái Tôi và cái Ta, cùng với sự cân bằng, sự quân bình giữa càm xúc và lý trí (vốn có nguồn gốc sâu xa từ học thuyết âm dương, học thuyết trung dung) trong cái Tôi, ở buổi đầu này, là khá đẹp. Với những điều đó, cái Tôi này có ý nghĩa nhân bản, chống phong kiến rõ rệt và ít nhiều có tính chất hiện đại bởi nó thuận theo quy luật phát triển của giá trị nhân bản, của sự sống chính đáng. Sự xuất hiện của cái Tôi - cá nhân mang ý nghĩa nhân bản mới mẻ tiến bộ như thế đã có liên quan mật thiết tới sự hình thành và phát triển một số thể loại từng được coi là đặc sản của văn học cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX: truyện thơ, khúc ngâm, hát nói. Cái Tôi - cá nhân đã có mặt, dù chậm nhưng khá xinh xắn và kháu khỉnh như thế nhưng ngay sau đó, nó lại như lẩn mặt đi vì thời đại không khuyến khích vì trước hoạ Pháp xâm lược, số phận cái “Tôi” phải nhường chỗ cho số phận cái “Ta” trước số phận dân tộc. Mãi đến nửa đầu thế kỷ XX này, đặc biệt là từ những năm 20 trở đi, dù đất nước còn bị chìm ngập trong vòng nô lệ thực dân Pháp, nhưng một khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (dù ốm yếu do hoàn cảnh thuộc địa quy định) đã có mặt, lại thêm ảnh hưởng tư tưởng và điệu sống tư sản phương Tây tràn vào ào ạt, nhất là ở các đô thị và trong phạm vi tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, thì dù muốn hay không, cái Tôi - cá nhân cũng có mặt lại. Và như thế là lần này nó đã có mặt, với một hậu thuẫn về quan hệ sản xuất, về cơ sở kinh tế rõ rệt hẳn hoi so với thời Nguyễn Du trước đó nhiều. Cái Tôi - cá nhân chớm lên ở thơ văn Tản Đà, ở tiểu thuyết

Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, ở bút ký Giọt lệ thu của Tương Phố, Linh Phượng ký của Đông Hồ trong thập kỷ 20, sau đó xuất hiện ngang nhiên trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, trong Thơ Mới và ít nhiều cả trong dòng văn học hiện thực phê phán” (“Vấn đề “ngã” hay “phi ngã” trong văn học trung đại”, http://www.viet studies.info).

Có thể nói, trong sáng tạo nghệ thuật, cái Tôi là tiền đề và động lực của sự cách tân, là thước đo sáng tạo của nhà văn. Cái Tôi đích thực, xuất hiện

như một giá trị văn hoá, đậm tính nhân văn. Tiếng nói riêng tư đó, dẫu biểu hiện dưới dạng thức nào đi nữa vẫn “cộng hưởng dư âm của tất cả những gì thuộc về nhân loại”, thuộc về thời đại, dân tộc. Trong văn học, cái Đẹp không thuộc về cái Tôi khép kín, lạc lõng như một ốc đảo, hay cái Tôi cá nhân cực đoan cự tuyệt giá trị cao quí mà “cái Ta” thừa nhận. Phạm trù “cái Tôi” thuyết minh cho sự tiến bộ, đồng thời xác định cá tính sáng tạo trong văn học.

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 37 - 40)