Nghệ thuật tạo dựng không gian cho sự thể hiện cái tôi của Tản Đà 1 Không gian “thực”

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 86 - 88)

3.2.1. Không gian “thực”

Những khám phá về cái Tôi của Tản Đà dù có những nhân tố mới lạ thì về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn của hai hình mẫu quen thuộc: Nhà nho hành đạo (kỳ vọng về một sự nghiệp của người hào kiệt) và người tài tử (đi tìm để thỏa mãn những lạc thú tinh tế cao nhã). Đặc biệt, từ cuối Giấc mộng con I , giấc mơ về một sự nghiệp nhà văn kiêm triết học luôn ám ảnh Tản Đà. Giấc mơ này, dù được Tản Đà dựng lại với thật nhiều tâm sự, nhưng oái oăm thay, nó đã khiến cái Tôi của Tản Đà luẩn quẩn với truyền thống nhiều hơn là đến với quỹ đạo của cái hiện đại. Trên thực tế, đối với các thế hệ bạn đọc đương thời và cả sau này, giấc mơ hào kiệt của Tản Đà được trân trọng nhưng khó hấp

dẫn và được họ chia sẻ như ở những giấc mơ tình ái và du ký. Cái Tôi của Tản Đà đã có những bước khởi đầu để tìm mình thật thú vị, hứa hẹn nhiều mới mẻ. Nhưng rồi nó nhanh chóng chạm đến giới hạn của mình. Ở thời điểm ấy, quán tính trong truyền thống đã tỏ ra mạnh hơn. Nó hút hành trình thám hiểm cái Tôi ở Tản Đà quay về với quỹ đạo quen thuộc. Một sự quanh quẩn và cuối cùng là lạc bước, trở về với điểm xuất phát - đó là đồ thị trong hành trình thám hiểm về cái Tôi trong ảo mộng của Tản Đà.

Nhân vật Nguyễn Khắc Hiếu trong Giấc mộng con I trải qua không ít những biến cố: gặp tai biến, lưu lạc nơi tha hương, xa cách người tình. Những biến cố này là cơ hội để nhân vật có được những phút giây sống với thế giới nội tâm, với những hồi ức. Nhưng dường như Tản Đà mới chỉ quan tâm đến sự phiêu lưu của nhân vật trong ngoại giới mà chưa biết đến sự phiêu lưu trong thế giới nội tâm. Chính vì thế những nét mới mẻ của cái Tôi mới chỉ hiện lên như những đường viền mà chưa có được một chiều sâu cần thiết. Thế giới nội tâm của nhân vật nếu có lọt vào tầm quan sát của nhà văn thì lại là những cảm xúc khá mờ nhạt và cũ (vị phong trần đối với người nam tử, tấm lòng người du tử xa quê, sự buông phóng vào thiên nhiên mang màu sắc Lão Trang... tất cả đều đã trở thành công thức trong văn chương của nhà nho).

Cả trong tình yêu, đề tài hấp dẫn và có khá nhiều yếu tố mới mẻ của Tản Đà, nhân vật Nguyễn Khắc Hiếu của ông cũng tỏ ra khá giản đơn trong những xúc cảm yêu đương. Tình yêu với Chu Kiều Oanh đang độ mặn nồng, phải theo Woallak theo đường biển trốn sang Mỹ, lênh đênh trên biển những tình cảm dành cho người tình ở Nguyễn Khắc Hiếu cũng chỉ được nhắc đến qua vẻn vẹn mấy dòng khá sáo và cũ: “Năm canh dưới đèn sáng, ngồi đối người giai nhân; tấm riêng kết cỏ ngậm vành! Trông hoa mà lại nặng lòng với hoa”. Căn cốt nhà Nho cũng khiến cho tình yêu của Nguyễn Khắc Hiếu và Chu Kiều Oanh dù là một tình yêu tự do, nằm ngoài lễ giáo nhưng cũng chưa có nhu cầu đối lập với lễ giáo. Hai kẻ tình nhân gặp nhau vụng trộm nhưng để nói chuyện nhân tình thê thái, chuyên văn chương sách vở. Có sự hưởng thụ không khí

thanh tịnh, chè ngon cùng dáng vẻ gợi cảm của người đẹp nhưng chỉ dừng lại ở đó. Ngay như trạng thái “xem trong âu yếm có chiều lả lơi”cũng chưa thấy xuất hiện. Hành vi tình tứ nhất cũng chỉ là cảnh: “Đêm hôm thảm biệt ở công viên, Kiều Oanh có cầm cho một cái cốc con, chế bằng một thứ đá trắng rất quý, quang phóng cũng gần như thủy tinh. Bên trong cốc có trạm mỏng một hình mỹ nhân bằng vàng, thật tinh khéo, phảng phất như hình Kiều Oanh vậy. Mỗi bận đem ra uống, hơi có gió đến rượu thời người vàng lưu động". Và Tản Đà tự nhận xét: “kể cũng phong nhã mà tình”. Rất thích hợp khi ta đem nhận xét trên để định tính cho tình yêu ở Tản Đà. Dù đã có những mới mẻ nhưng rõ ràng đó chưa phải là tình yêu mang màu sắc hiện đại. Đây cũng là giới hạn cho cái Tôi trong những khám phá về tình yêu.

Sức tưởng tượng phóng túng là một hấp dẫn trong những miêu tả về phương xa của Tản Đà. Ngòi bút của ông ở đây ít khuôn sáo hơn nhưng vốn liếng chủ yếu vẫn chỉ là những tri thức địa lý trong sách vở cộng thêm với óc tưởng tượng. Thiếu trải nghiệm thực và những tri thức sách vở cũng còn rất ít ỏi nên sức tưởng tượng ấy nhanh chóng cạn nguồn. Sau này đến Giấc mộng con II khi quay về với giấc mộng người hào kiệt xưa cũ thì đồng thời Tản Đà cũng chia tay với tiếng gọi của những miền đất lạ để quay về với không gian tiên giới quen thuộc trong truyền kỳ. Một bước lùi triệt để và toàn diện! Nó cho thấy những giới hạn không thể vượt qua của cái Tôi cá nhân ở nhà Nho tài tử Tản Đà... Tản Đà nhạy cảm với cái Tôi, say mê khẳng định, thể nghiệm cái Tôi đó trong thế giới ảo mộng của mình. Với thế giới ảo mộng cái Tôi có cơ hội bộc lộ mình một cách đầy đủ nhất, phóng túng nhất. Thế nhưng những tố chất cấu thành cái Tôi thì không mới. Cuộc thám hiểm cái Tôi ở Tản Đà dù hăm hở với không ít cảnh sắc tân kỳ vẫn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ đã được quy định từ trước của văn học nhà nho trong truyền thống.

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 86 - 88)