Cái tôi hư cấu mang hình bóng Tản Đà 1.Cái tôi xê dịch đến những miền đất lạ

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 47)

2.2.1.Cái tôi xê dịch đến những miền đất lạ

Trong giấc mộng của Tản Đà ta không chỉ bắt gặp cái Tôi trong những thể nghiệm tình ái. Song song với đó còn là cái Tôi bị hấp dẫn theo tiếng gọi của phương xa, của những miền đất lạ. Những tưởng tượng phóng túng đưa Nguyễn Khắc Hiếu đi khắp năm châu, tới những nơi kỳ thú nhất trên địa cầu. Ở hai chương Tiêu dao du A và B, Tản Đà đã thuật lại một cách đầy hào hứng những cuộc phiêu du bằng ảo mộng và cùng với đó là những vẻ đẹp của cảnh vật được thu lượm theo bước chân người du khách. Đây là cảnh hồ Erie và thác Niagara:

“Một hôm, tàu đi trong hồ Erie, đứng lắng tai xa nghe, có tiếng ầm ầm như thiên binh vạn mã ở mặt trước, đi tới một ít nữa, trông về mạn đông bắc, một là trắng xoá, dài đến ba, bốn trăm thước tây, từ trên khoảng cao buông dài xuống, tựa như thể sông Ngân hà tức vỡ, chẩy trút xuống nhân gian, thời là cái chênh nước Niagara”.

Còn đây là hình ảnh những chiếc quạt nước ở miền thượng lưu sông Madison (Hoa Kỳ): “ ... nguyên là một cái hốc núi, hai bên bờ dặt những thạch nhũ, nước dưới đất đùn lên đầy cái hốc, rồi phun lên một đám cao 40 thước, khoát 10 thước. Từ đám nước ấy lại bắn vọt lên 5 cái cột nước nữa, cao đến 200 thước; rồi tỏ ra rơi xuống như hình cái quạt. Mỗi bận phun như thế, trong 20

phút thời thôi. Có khi mỗi ngày phun đến ba bận. Trong lúc nước phun, thời tiếng gầm rít vang lừng một góc giời; ánh mặt giời chiếu vào, lấp loáng như mấy trăm ngàn cái cầu vồng; đứng đằng xa mà coi, cũng tưởng tượng như một cái cột rất to bằng châu báu dựng nổi giữa giời xanh đất biếc”.

Chất “bột” để làm nên những dòng miêu tả trên chỉ là những tri thức được Tản Đà lượm lặt từ trong sách vở. Những tri thức này, thật ra, cũng không phong phú cho lắm. Tuy nhiên, trí tưởng tượng dồi dào và nhất là một sự ham thích không che dấu được trước những điều mới lạ đã đem lại cho những miêu tả trên một sự hấp dẫn đặc biệt. Ngày này đọc lại, có thể ta không còn thấy nhiều thú vị nữa. Nhưng khi đặt những miêu tả trên vào “ngưỡng tiếp nhận

của những năm 1916 ta sẽ thấy hết những mới mẻ và những khoái cảm mà nó đem đến cho người đọc lúc bấy giờ.

Tản Đà có trí tưởng tượng phóng túng của một người viết tiểu thuyết. Những miêu tả của ông như ta đã thấy, tràn đầy một cảm quan nghệ sĩ, một rung động mãnh liệt. Nhờ thế cảnh vật phương xa hiện lên sống động trong những màu sắc, âm thanh đầy quyến rũ. Nói cách khác thể loại tiểu thuyết với sự tự do trong cõi mộng đã cho phép cái Tôi cá nhân trực tiếp xuất hiện để cảm thụ, rung động trước những cảnh vật xứ lạ. Một phương diện mới trong cái Tôi cá nhân của Tản Đà được bộc lộ. Đó là cái Tôi khao khát phiêu du để khám phá, tận hưởng cái mới lạ. Mở rộng hơn đó là nhu cầu nhận biết khám phá về thế giới những cái ngoài mình, về một thế giới dường như có rất nhiều bí ẩn, kỳ thú. Phương xa hiện lên ở đây như một chân trời đầy hấp đẫn, một tiếng gọi quyến rũ đối với chủ thể. Nhu cầu nhận biết về cái mới lạ đã trở thành dấu hiệu định tính của cái Tôi.

Có thể thấy: viết du ký, sự thích thú với những cái mới mẻ là một đặc điểm của văn học giao thời - phản ánh tâm thức của một thời đại ở đó thế giới không còn đóng kín nữa. Nhưng so với các cây bút viết du ký tiêu biểu nhất của giai đoạn văn học này như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác thì những du ký của Tản Đà vẫn có những nét độc đáo riêng trong việc thể hiện cái Tôi. Nếu nói

về những hiểu biết phương xa, xứ lạ thì Tản Đà không thể so sánh với hai tác giả trên - những người đã trực tiếp quan sát và ghi chép rất tường tận về cảnh giới xứ lạ. Nhưng cũng giống như trong truyền thống lối viết của Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác thiên về những ghi chép khách quan. Trong những ghi chép của họ chất liệu phương xa hiện lên phong phú bề bộn nhưng hình bóng của cái Tôi trong những xúc cảm khám phá lại ít có cơ hội bộc lộ. Những du ký của Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trạc chủ yếu tác động vào nhận thức mà ít làm người đọc rung động. Chúng khác hẳn du ký của Tản Đà với sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa những tài liệu về ngoại giới và tiếng nói của tâm hồn. Nói cách khác, những ghi chép ở đây không có chức năng khám phá thể nghiệm của một cái Tôi cá nhân như ở Tản Đà. Đặc điểm này thể hiện rõ nhất là ở Phạm Quỳnh. Ở họ Phạm, con người học giả, nhà khảo cứu thường lấn áp con người của cảm xúc và tưởng tượng. Có một lần khi vào thăm Nam Kỳ, Phạm Quỳnh bị ốm chỉ có thể nằm nhà đọc sách và du lịch bằng tưởng tượng. Ông hào hứng ghi lại sự kiện này: “chân chưa bước khỏi Sài Gòn, mà tinh thần đã mộng du khắp lục tỉnh”. Nhưng đi vào giấc mộng của Phạm Quỳnh ta vẫn chỉ bắt gặp những biên chép khô khan về địa lý, đặc điểm phân bố dân cư, các tài liệu tài nguyên thiên nhiên...Tóm lại chúng thuộc về lối văn khảo cứu hơn là những miêu tả phương xa trong một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ đến Pháp du hành trình nhật ký, ta mới thấy xuất hiện những trải nghiệm cá nhân của Phạm Quỳnh khi đứng trước thiên nhiên, cảnh vật con người xứ lạ. Khi lắng nghe, quan sát tâm hồn mình Phạm Quỳnh bộc lộ một cái Tôi duyên dáng tinh tế, nhiều tâm sự. Theo chúng tôi, Pháp du hành trình nhật ký là tác phẩm du ký đặc sắc nhất của giai đoạn giao thời. Tuy nhiên, thời điểm tác phẩm này ra đời là năm 1922, nghĩa là chậm sau Giấc mộng con sáu năm. Và ngay cả ở đây, một sự say mê, một cái nhìn đầy kỳ thú của Tản Đà vẫn không phải là điểm mạnh của ông chủ bút Nam Phong.

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w