Nghệ thuật tổ chức giọng điệu và ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 103 - 108)

Giọng điệu nghệ thuật với tư cách là một phạm trù thẩm mĩ, một yếu tố có vai trò quan trọng trong cấu thành phong cách nhà văn. Trong văn học phương Đông và văn học phương Tây vấn đề này đã được đề cập đến từ lâu. Trong các công trình nghiên cứu của một số tác giả họ đã đề cập đến tính loại hình của giọng điệu nghệ thuật như M.Khrapchenkô, M. Bakhtin, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến...

Giọng điệu phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo, phụ thuộc vào bút pháp của nhà văn. ở mỗi nhà văn đều có giọng điệu riêng. Theo Trương Tửu, Tản Đà là một “ảo thuật gia về chữ, âm thanh và nhạc điệu”, “Tản Đà hiện diện trong lịch sử văn học với tư cách và vị trí một nhà lãng mạn chủ nghĩa nhưng cũng như một số nhà thơ, nhà văn khác trong truyền thống văn học dân tộc, thơ văn Tản Đà có đủ ba yếu tố: chất trữ tình lãng mạn, chất hiện thực phê

phán và chất hài hước châm biếm” [16]. Những yếu tố này đã tạo nên một giọng điệu riêng của Tản Đà. Có khi ta thấy vừa trữ tình vừa phê phán, châm biếm, trữ tình và phê phán, châm biếm chen phối, kết hợp với nhau nhiều khi ở ngay trong một bài thơ, một trang văn xuôi của Tản Đà.

Theo Biện Minh Điền [14], mỗi một nhà văn có một phong cách mang đến cho văn học dân tộc một giọng điệu riêng đặc sắc, không ai giống ai. Ta có thể thấy Nguyễn Trãi với giọng hào sảng, đĩnh đạc; Nguyễn Bỉnh Khiêm với giọng đủng đỉnh, giàu màu sắc triết lý; giọng của Bà Huyện Thanh Quan là u hoài, trang nghiêm; giọng Hồ Xuân Hương ngạo nghễ, thách đố; giọng Nguyễn Du nhiều suy ngẫm trải nghiệm;... Tản Đà thật thâm trầm và kín đáo. Ngay cả khi Tản Đà cười cũng chỉ với cái cười mỉm, cười tủm tỉm nhẹ nhàng và đôn hậu.

Trước hết đọc văn xuôi của Tản Đà ta thấy giọng điệu triết lý - trữ tình đặc sắc, với sự khơi mở một tâm trạng. Điều này khiến cho văn xuôi Tản Đà khác hẳn những bài văn xuôi đương thời. Tản Đà đã đóng dấu ấn cá nhân của mình lên từng trang văn, trang thơ, từng bài báo. Trên An Nam tạp chí, Tản đà viết về Giá trị của sự chết: “Chúng ta cùng sống ở trong đời tức như một đàn trẻ con cùng ăn cơm với nhau, tạo hóa thời là bà mẹ trông coi cho chúng ăn cơm đó. Bà mẹ ấy bảo các con rằng: Các con đứa nào đứa nấy, hãy cứ cùng ăn cho no, dù hoặc có chỗ không được công, thế nào mẹ cũng để cho mỗi đứa một miếng giò để ăn trót trong khi đứng dậy. Miếng giò đó là gì? Tức là sự chết của trời cho khắp cả mọi người vậy”... Với Tản Đà, sống trên đời là “một cuộc chơi, một canh bạc”. “Tớ” và “đời” sẽ đến lúc “chán” nhau. Tác giả cắt nghĩa sự chán đời và khẳng định: “Ta dẫu không chán, cũng không biết lấy chi cho khỏi phụ cùng đời. Ta nghĩ ta sinh ra đời, sống ở đời chỉ có ở văn, thú ở đời chỉ có ở văn, hoặc có thể giả nợ đời được chút nào cũng chỉ có ở văn. Đời với ta, ta với văn, văn với đời, như một mối tình liên lạc không thể rứt”. Những câu văn của Tản Đà mang chất triết lý, tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ

cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng của mình. Giọng điệu triết lý - trữ tình là cơ sở tạo nên sức mạnh truyền cảm giữa tác giả và người đọc…

Nội dung thơ văn của Tản Đà biểu hiện rất đa dạng nhưng âm điệu chung nhất vẫn là trữ tình lãng mạn. Tản Đà đặt tên cho những tập tự truyện, viết về mình là Giấc mộng con, Giấc mộng lớn, Khối tình... Đặc biệt ở Giấc mộng con 2, Tản Đà trải lòng mình bằng những câu văn man mác, gợi lên trong tâm hồn người đọc nhiều bâng khuâng dư vị… Tản Đà luôn ý thức gắn văn học với thời đại mình. Trên cơ bản bút pháp Tản Đà là bút pháp lãng mạn, nhưng bút pháp của ông cũng khá đa dạng. Khi thì ông dùng bút pháp lãng mạn, khi dùng bút pháp hiện thực - trữ tình, có khi lại dùng bút pháp hiện thực trào phúng. Ý kiến cho rằng, “Thơ văn hiện thực phê phán của Tản Đà có một nét đặc sắc riêng đó là tính trữ tình chủ quan, là tình cảm của tác giả bộc lộ trữ tình trong tác phẩm. Cùng với cái hiện thực sâu sắc, sự rung động chan chứa tình cảm có chất tâm sự của Tản Đà làm cho tác phẩm hiện thực tạo những cảm xúc sâu lắng” [76, 482] không phải là không có cơ sở. Cảm xúc sâu lắng đó được biểu hiện với giọng điệu đau buồn. Yếu tố sâu sắc tác động tới người đọc là sự xuất hiện của chữ “sầu”: “Từ độ sầu đến nay, ngày nào cũng có lúc sầu, đêm nào cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng thanh gió mát mà càng sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu. Sầu không có mối chém sao cho đứt, sầu không có khối đập sao cho tan”. Ở Giấc mộng con, Tản Đà đặt cho nó cái tên Sầu Thành - nơi mà chẳng lúc nào không sầu: “Có lúc sầu mà sầu, nhiều lúc vui mà sầu. Trong lúc vui mà sầu thì thực là thái sầu. Mưa phùn chiều hôm, giăng thanh tiếng dế mà sầu”. Sắc thái của giọng trầm buồn còn thể hiện qua những chữ: “đìu hiu thảm đạm”, “man mác”, “ngậm ngùi”, “u uất”...

Tản Đà không chỉ thông cảm và xót xa, có khi bực bội và phẫn uất. Thậm chí Tản Đà còn cười mỉm. Cái cười của Tản Đà trở thành giọng châm biếm sâu sắc mà thâm thúy. Nếu cái cười của Tú Xương gay gắt, của nguyễn Khuyến là cái cười nhếch mép thì Tản Đà lại cười mủm mỉm nhẹ nhàng, trách

móc mà mỉa mai. Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ nói về cái cười của Tản Đà: “ở Tản Đà tôi học qua một một số ít thơ trào phúng, cái mỉa mai nhẹ nhàng, cái khinh đời thâm thúy, giễu đời mà không thể giận được”. Xuân Diệu thì lại cho rằng: “Cái hài hước của ông vừa bóng bẩy vừa ngộ nghĩnh, điểm một thứ hóm hỉnh nhè nhẹ, đặc biệt là An Nam”. Tản Đà tạo ra những cuộc đối thoại, kẻ bị đem ra cười cợt hoặc là một lối sống, một thói xấu hay vì một thiếu sót nào đó. Cũng có thể tác giả mượn giọng của “kẻ khác”: lời người vợ, người chồng, người con để phán xét một cách khách quan: “Than ôi! Văn minh Đông á, giời thu sạch, này lúc luân thường đảo ngược ru”.

Với Tản Đà, ta có thể thấy sự thống nhất và đa dạng trong giọng điệu. Sự đa dạng, độc đáo của giọng điệu được thể hiện rõ qua những tác phẩm văn xuôi của ông. Người đọc khó có thể quên được chất giọng khác lạ của một nhà văn có tầm tư tưởng và phong cách lớn. Tản Đà đến với văn học dân tộc bằng một giọng nói riêng, tức một thứ ngôn ngữ nghệ thuật chỉ có riêng ở Tản Đà. Đó là dấu ấn phong cách của tác giả trong ngôn ngữ nghệ thuật. Thứ ngôn ngữ mà tản Đà có được đó là ngôn ngữ mang tính dân tộc, trong sáng, giàu tính tạo hình và biểu cảm, giàu hàm ý liên tưởng. Vốn từ ngữ của ông rất phong phú, thậm chí Tản Đà còn “nghiện” dùng chữ, “Trong những bài tiên sinh viết ra bài nào cũng như tiếng chuông, tiếng trống, dịp phách, cung đàn, có thể ngân nga nhớ mãi được. Lời văn đã hay lại toàn là những câu hàm súc đạo đức cao thượng vốn có của Đông Phương ta” [75, 235].

Về từ loại, Tản Đà dùng rất nhiều hư từ, trợ từ: cũng, thời, mà, thì, là, a, ư, nhỉ... Nguyễn Triệu Luật nhận xét: “Văn Tản Đà hay ở chỗ nhập đúng nhạc luật của tiếng Nam, ở chỗ dùng chữ rất táo bạo. Tản Đà tiên sinh nghiện chữ “mà” và chữ “ai”. Trong giấc mộng con chữ “mà” được sử dụng 223 lần,

Giấc mộng con 2 sử dụng 188 lần. Trong đó có đoạn: “Không đèn mà tỏ, không sáo mà thúc, không chiến trận mà cờ bay trống giục, không pháp trường mà gươm tuốt, chiêng kêu”.

Bên cạnh từ “mà” xuất hiện với tần số cao, Tản Đà còn nghiện sử dụng từ “ai”. Cách sử dụng cũng rất độc đáo: “Tình tương thân, lễ tương trọng, lý thú tương đắc, trong các bạn cùng giao, hiệp sĩ trong thiên hạ dễ ai mà với ai”. Trong Giấc mộng con, Tản Đà viết: “Ai tri âm, tri âm là ai, ai tri âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy”. Ở Giấc mộng con 2, trong tiệc rượu trầm sầu với Nguyễn Trãi, Tản Đà cảm thấy: “Trong một đời biết bao lúc cùng ai uống rượu, cùng ai uống rượu như cùng ai”. “Cố nhân ơi! Nhời thư còn đó, mặt người đã không nhớ ai biết cho cùng? Tìm ai trong giấy mơ màng được chăng”.

Tản Đà còn dùng rất nhiều từ láy. Đây là điều mà không một nhà thơ nhà văn lớn nào không nhận thấy vai trò của hệ thống của từ láy trong những sáng tác của mình, “Mỗi từ láy chứa đựng trong mình một sự thể hiện rất tinh tế và sinh động về sự cảm thụ chủ quan, về cách đánh giá và thái độ của người nói trước sự vật và hiện tượng của đời sống xã hội”. Cả trong thơ và văn xuôi, Tản Đà vận dụng rất nhiều từ láy. Hầu như tất cả mọi kiểu từ láy đều được Tản Đà sử dụng một cách khéo léo, ấn tượng nhất là kiểu láy toàn bộ trong các tác phẩm viết về mộng: “hoảng hoảng”, “hốt hốt”, “mơ mơ”, “mộng mộng”, “kỳ kỳ”, “quái quái”, “xinh xinh”, “đăm đăm”, “xa xa”, “không không”, “sắc sắc”, “xanh xanh”, “hiu hiu”, “nhớ nhớ”.

Nguyễn Khuyến là một thiên tài về sử dụng ngôn ngữ màu sắc trong thơ: “Nguyễn Khuyến vừa rất mẫn cảm, vừa có ý thức tự giác cao đối với nó, vừa có khả năng vận dụng hữu hiệu nó trong tạo hình và biểu cảm, trong thực hiện chức năng thi ca” [14, 349]. Tản Đà cũng sử dụng rất nhiều tính từ chỉ màu sắc chẳng hạn sắc “xanh” trong thơ. Trong văn xuôi sắc “xanh” cũng được sử dụng một cách linh hoạt: “cây xanh”, “mùa xanh”, “mắt xanh”, “đèn xanh”. Dù đặt chân tới đâu, thưởng thức trước một cảnh đẹp nào, Tản Đà cũng cảm nhận nó với một sắc màu ấn tượng “màu sắc nước bể xanh biếc”, thuyền buồm đánh cá trắng phau” hay “non xanh nước biếc cỏ lục hoa hồng”. Nhưng người đọc còn biết đến một Tản Đà trong cách phối màu (7 màu). Trong Giấc mộng con, Tản đà viết: “Được một người bạn nam nhi là cố nhân

để những khi lá hồng gió thu, đêm đông đèn biếc, thời lại mượn tờ giấy trắng, giọt mực đen, chiếc tem đỏ, để tả tấm gan vàng mà đưa người mắt xanh”.

Ngôn ngữ văn xuôi của Tản Đà đã chứng tỏ một tài năng lớn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét văn xuôi Tản Đà “cũng có thi điệu”. Khi đọc những câu văn xuôi: “Trông xa bên giời thời một ngàn mây bạc, mấy vệt rừng xanh. Giang sơn một thú hữu tình, bức tranh xuân sắc như gần như xa”, “gan vàng nung đốt lửa than, đèn xanh tóc bạc luận bàn cùng văn”, hay là “thoi oanh tơ liễu đã thêu nên một bức xuân tình quê người hồng tử đua tranh, trong trăm hoa lại một cành cố hương”. Tản Đà đã viết những giấc mộng của mình bằng những ngôn ngữ sâu lắng đầy chất thơ.

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 103 - 108)