Cái tôi trong tư cách nhà văn lãng mạn

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 59)

Kiểu nhà văn lãng mạn bao giờ cũng muốn thể hiện đến mức tối đa cái tôi cá nhân của mình. Họ thường tìm cách “thoát ly”, tìm vào tình yêu, vào thiên nhiên, vào tôn giáo, tìm về quá khứ (hoài cổ), tìm vào tương lai (mộng tưởng), thậm chí tìm vào điên loạn...

Thấy rất rõ ở phong trào thơ mới là khuynh hướng lãng mạn thoát ly, có nhiều người cho rằng đó là cuộc thoát ly tiêu cực. Song xét cho cùng vấn đề thoát ly ở các nhà Thơ mới là “thoát ly cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh cách mạng, thoát ly những vấn đề nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, chứ không phải là thoát ly cuộc sống của con người nói chung” [9, 559]. Tuy nhiên, Thơ

mới ra đời mang theo một cái tôi cá nhân, khi cái tôi này xuất hiện, thế giới tâm hồn con người được mở rộng và ngày một phong phú hơn. Nhưng với quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” với triết lý sống chủ nghĩa cá nhân họ cảm thấy bế tắc. Có lúc họ càng đi vào con đường thoát ly càng thấy cô đơn, không có lối thoát.

So với những nhà Thơ mới, vấn đề thoát ly ở Tản Đà đã một phần nào cho thấy nó trở thành một bước ngoặt, một dấu ấn cho bản thân người nghệ sĩ và cho chính cả nền văn học lúc bấy giờ. “Cơn gió lạ” Tản Đà thổi vào văn học một luồng sinh khí mới, ấy là lúc trong quan niệm sáng tác của ông vượt xa hẳn xã hội mà ông đang sống để làm nên điều mới mẻ. Rõ hơn, Tản Đà đã thoát ra khỏi sự chắt lọc, khắt khe, cân nhắc đến từng từ ngữ, câu chữ trong sáng tác. Đồng thời đọc những câu thơ, trang văn của ông ta thấy đạt đến độ tươi mới, nhẹ nhàng. Tản Đà muốn thoát ly truyền thống, vượt ra ngoài khuôn khổ tạo nên một phong cách riêng. Nhưng chính Tản Đà có vai trò là cây cầu nối liền giữa truyền thống và hiện đại, là con người của hai thế kỷ. Bởi Tản Đà vừa mang cốt cách của một nhà Nho nhưng đồng thời lại vừa có suy nghĩ, lý tưởng của một cái tôi cá nhân phóng túng. Khi cái tôi ấy xuất hiện nó như một tiếng chuông báo hiệu sự phá vỡ lề lối khuôn khổ của thơ, văn cũ.

Các nhà Nho xưa cũng đã đem ái tình vào trong thơ văn của mình. Nguyễn Công Trứ với bao trận giang sơn điên đảo, Cao Bá Quát vì đa tình nên hay dan díu những bông hoa ở chốn bình khang... Nhưng Tản Đà lại khác. Ông mơ tưởng được hội ngộ với Tây Thi, Chiêu Quân, xin cưới Hằng Nga, thậm chí lại còn tương tư với người tình nhân chưa quen biết. Sầu cũng là một mối quan tâm lớn trong các nhà Nho xưa, họ đã từng đem vào thơ văn của mình. Tản Đà lại băn khoăn, trăn trở về cuộc đời suốt cả canh thâu. Phải chăng Tản Đà đã và đang thoát ly. Hơn nữa đến đây “người Việt Nam mới thật sự biết lãng mạn. Đất nước bại vong, xã hội đổ vỡ, mọi tin tưởng cũng đổ theo. Tản Đà tuy hô hào cho cương thường đạo nghĩa song ông không giấu nổi ngay nơi mình nỗi hoài nghi chua chát đối với giá trị cũ. Buồn nhân sinh,

buồn thế hệ, buồn việc lớn không thành, buồn chuyện riêng chẳng đẹp, tất cả dồn lại lắng sâu trong tâm hồn và lắng lại trong thi ca Tản Đà. Nhất là xui tác giả thoát ly thực tại, tìm quên lãng trong rượu thơ, trong một vị ăn, trong một câu nói ngông, một cuộc phiếm du, một cuộc gặp gỡ trong mộng và nói chung trong cách sống giang hồ phóng túng” [75, 270]. Chính điều này đã làm cho Tản Đà khác xa với các nhà thơ trước và thấp thoáng bóng dáng của một thi nhân của phong trào Thơ mới. Nhưng nếu Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư trốn vào tình yêu; Huy Cận, Vũ Đình Liên trốn vào quá khứ; Vũ Hoàng Chương trốn vào trụy lạc, vào thế giới siêu hình; Hàn Mặc Tử, Bích Khê trốn vào điên loạn thì, trước đó, Tản Đà lại chọn cách thoát ly khác người đó là muốn làm “thằng cuội”, muốn thoát khỏi trần tục đến với một thế giới tự do, đẹp đẽ: Lên cung trăng với chị Hằng bởi trần thế “buồn lắm” ở đó người ta xem thường tài năng và đặc biệt là nỗi nhục mất nước. Bất hòa với thực tại và thấm thía nỗi nhục ấy Tản Đà muốn lên cung trăng nhìn xuống để “cười” cuộc sống bon chen, xấu xa và đầy bất công ở trần thế. Đến với Tản Đà ta thấy phần nào tính quy phạm bị phá vỡ.

Tản Đà muốn thoát ly, mơ được viễn du nhưng lại du lịch bằng trí tưởng tượng, qua trí tưởng tượng hiện rõ cảnh vật, con người, nền văn minh của các nước trên thế giới. Sâu xa hơn trong Giấc mộng con – đây là nơi để Tản Đà đem cái tài văn ra mà làm việc giúp dân giúp nước. Nhưng xã hội lúc đó không phải là cơ hội cho Tản Đà bộc lộ, không dám thẳng thắn bộc lộ, Tản Đà mượn chuyện mộng mị, vẽ ra một Chu Kiều Oanh - một ý trung nhân thông minh và đa cảm, nhờ ý trung nhân ấy Tản Đà bộc lộ được mong muốn làm “nhà văn kiêm triết học ở Đông Dương”. Từ đây cùng với mộng Tản Đà được nói chuyện với bác sĩ ở Mỹ Châu. Đến Cõi đời mới với viên Thống trưởng và thỏa lời ước vọng trong Cố nhân thư.

Một số nhà nghiên cứu quan niệm rằng: “Chủ nghĩa lãng mạn của Tản Đà là chủ nghĩa lãng mạn thoát ly. Khái niệm chủ nghĩa lãng mạn thoát ly mang nội dung tiêu cực, thoát ly thực tiễn, quay lưng lại cuộc sống, không

muốn bận tâm trước hiện thực xã hội đen tối, bề bộn đầy mâu thuẫn, để hướng về cõi đời ảo mộng, để chìm đắm trong mơ mộng triền miên” [75, 384]. Xã hội mà bản thân Tản Đà đang sống đầy những bất công: “Thực tế xã hội xấu xa đau đớn mà ông không làm gì được thì ông đi vào mộng, vào thiên nhiên. Đồng bào đã coi rẻ văn thơ ông thì ông đem lên trời cho tiên thưởng thức. Ông nói với người mà chẳng ai nghe thì ông nói với bóng với ảnh” [75, 370]. Phong cách riêng này đã khiến cho thơ văn Tản Đà mang đậm màu sắc thoát ly, cái tôi tác giả Tản Đà là cái tôi của nhà văn lãng mạn.

Biểu hiện chủ nghĩa lãng mạn thoát ly ở Tản Đà thể hiện rõ qua cách đặt tên sách: Khối tình, Giấc mộng con, Giấc mộng lớn... Trong thơ cũng vậy, Tản Đà muốn thoát ly, muốn hướng đến một “thiên đình” ở đó cơ may có người hiểu và lắng nghe:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi Trần thế em nay chán nửa rồi Cung quế đã ai ngồi đó chửa Cành đã xin chị nhấc lên chơi

(Muốn làm thằng cuội)

Cõi trần đầy bụi bặm, Tản Đà muốn mình là con chim bay vào cõi trời mơ mộng:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay (Hơn nhau một chén rượu mời)

Như vậy, cái thoát ly ở Tản Đà vừa mang yếu tố tích cực lại vừa tiêu cực. Tích cực ở chỗ phủ định xã hội tư sản, tiêu cực vì nó xa lánh xã hội sự bế tắc của cá nhân. Nhưng xét đến cùng, Tản Đà lại là một nhà Nho với chủ trương nhập thế, có thể thấy “thoát ly” chỉ là trong tư tưởng. Trong Giấc mộng lớn, ít thấy sự thoát ly của Tản Đà, mà chủ yếu ở trong đó nổi bật tư tưởng “xây dựng một sự nghiệp văn học kiêm triết học, và không chịu bó tay lùi bước trước những va vấp đời đưa lại” [75, 386]. Trong Hầu trời, Tản Đà

muốn thoát ly trước cuộc đời bởi cuộc sống quá nghèo khó, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, coi thường. Muốn thoát lên tiên để tìm tri âm, nhưng Tản Đà vẫn không quên nhiệm vụ quan trọng của mình là truyền bá thiên lương cho đời. Như vậy Tản Đà vẫn không thoát ly khỏi cuộc sống. Cuộc sống nghèo túng, bị coi thường nhưng vượt lên tất cả ông rất yêu đời. Sống trong xã hội tư sản ông cảm thấy không phù hợp. Bởi những gì ở cuộc đời thực nó lại hoàn toàn khác xa với những điều mà ông mơ mộng, ôm ấp. Người tài tử sống trong xã hội này họ sẽ tìm cho mình một lối đi có thể họ xem cuộc đời là ảo mộng là thoát tục. Ông vẫn luôn lo lắng cho trần thế với vai trò là một trang nam tử. Thoát ly nhưng vẫn trở về với thực tế, thoát ly nhưng không thoát tục, không quay lưng với cuộc sống. Trốn đời nhưng muốn nhập thế giúp đời, chán đời muốn quên đời nhưng lại gánh trách nhiệm với đời.

Cái thoát ly của Tản Đà mang đầy dấu ấn của thời đại. Vẫn mang trong mình cái sầu, nỗi buồn đặc biệt của thân phận tài tình trước sự thay đổi của thời thế. Luôn sống trong tưởng tượng, trong mộng và lao vào những cuộc hành lạc. Hưởng lạc của các nhà thơ giai đoạn 1339 - 1945 dù tiến bộ nhưng vẫn đậm màu tiêu cực, trụy lạc: “Trong các con đường thoát ly, con đường nguy hiểm nhất là trốn vào trụy lạc để quên lãng để tìm cảm giác lạ... Bích Khê có lúc thi vị hóa và thanh khiết hóa cái đẹp nhục thể, có lúc điên cuồng, ngất ngây trong khoái lạc. Lưu Trọng Lư “quẩy theo với rượu một vừng giai nhân”. Vũ Hoàng Chương thì rượu, thuốc phiện và gái giang hồ trở thành một đề tài của thi ca: “Người ta đi vào trụy lạc để quên lãng một cách đầy tội lỗi, đồng thời là để tìm những cảm giác nồng cháy mới lạ” [8, 92]. Họ thoát ly bằng nhiều con đường nhưng cuối cùng con đường nào cũng là ngõ cụt.

Cái tôi cá nhân với những thoát ly, hưởng lạc của Tản Đà luôn mang một chút sầu nhân thế, mang bóng dáng của đạo đức phong kiến. Bi quan chán đời nên Tản Đà tìm đến khoái lạc như tìm một lối thoát chứ không phải thiếu khoái lạc rồi mới dẫn đến bi quan chán đời. Hưởng lạc trong Tản Đà

luôn đặt trong mối quan hệ với thời đại. Phạm Văn Diêu đã có một nhận định: “Thời Tản Đà là thời của chủ nghĩa cá nhân bột phát, kinh tế tư bản chi phối mạnh mẽ con người. Bởi đó, sự hưởng lạc thoát ly của Tản Đà không còn giống như thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ... nữa, mà đã mang rõ dấu vết của thời đại, nhuốm ít nhiều sắc thái của vật chất chủ nghĩa. Tuy nhiên có thể nói rằng sự hưởng lạc của nhà thơ non Tản sông Đà vẫn còn dáng dấp những cái gì của một thời xa xưa cổ kính chung chung, vẫn chưa xa rời khung cảnh điển nhã mỹ thuật. ở ông chỉ có nhàn lạc mà chưa phải là trụy lạc, là sự sa rời vào hầm hố của nhục cảm, hủy hoại thể xác và tinh thần như Tú Xương hay một số văn sĩ trẻ trung lãng mạn lớp sau” [74, 96]. Tản Đà tìm đến rượu để an ủi những bi kịch, những nỗi đau riêng, xa hơn đó là lời tâm sự với thế thái nhân tình:

Nam Bắc đã nên người duyệt lịch Giang hồ đáng chán vị chua cay Mười ba năm đó bao dâu bể Góp lại canh trường một cuộc say

(Về quê nhà cảm tác)

Làm một “trích tiên” xuống hạ giới để làm một nhiệm vụ cao cả “trời đã bắt tiên sinh làm thi nhân, trời còn cho tiên sinh được làm một kẻ tửu đồ”. Nhưng cũng chính cái bầu rượu ấy “không cứu được tính mạng của tiên sinh. Nó đã cứu tiên sinh ra khỏi bao nhiêu sự lo toan, nhọc nhằn, đau khổ, nghèo khó. Nó đã đưa lại cho tiên sinh bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu can đảm để chống cự với đời và nhờ đó tiên sinh đã đánh ngã được đời, dẫu không thể đánh ngã được cái chết” [74, 97].

Thoát ly của Tản Đà mang đầy cốt cách của một nhà Nho, phong thái của một nhà hiền triết và bản sắc của một nghệ sĩ có chân tài. Thoát ly, hưởng lạc nhưng Tản Đà trả nợ đời bằng một gia tài văn nghiệp to lớn. Những gì Tản Đà để lại cho đời đều là sản phẩm của một phong cách văn chương đầy bản lĩnh.

Khi văn học chia ra hai xu hướng lãng mạn và hiện thực, nhà văn cũng góp một phần tạo nên sự định hình ấy của văn học. Tản Đà cũng vậy, ông đã đóng góp một phần không nhỏ khi bắc một cây cầu nối liền giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại. Tản Đà là nhà Nho tài tử bước vào phạm trù hiện đại, là người đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại dám nói một cách hiên ngang về cái tôi cá nhân của mình, dám tạo nên một thế giới mộng ảo, có nghĩa là Tản Đà là con người lãng mạn và chính ông là người mở đầu cho kiểu nhà thơ lãng mạn trong văn học Việt Nam. Tuy nhiên chất lãng mạn ấy được cất cánh từ hiện thực, từ một lý do đơn giản: Thể hiện cảm xúc của mình trước thực tại, khi mà xã hội thực tại không phải là môi trường để mình có thể nói về chính mình, phơi bày tâm hồn khỏi lòng mình, bộc lộ những chiều sâu tâm hồn cảm xúc.

Vào thế kỷ XIX, ở Pháp, ý, Tây Ban Nha đã có phong trào văn học lãng mạn đòi giải phóng cái tôi bản ngã, những cuộc giải phóng đó là việc tìm sự thoát ly vào mộng ảo, vào phương xa, xứ lạ hoặc vào quá khứ, cái hư ảo. Bôđơle viết: “Ai nói lãng mạn chủ nghĩa là nói nghệ thuật hiện đại - nghĩa là tính gần gũi thân mật, tính tâm linh, tính đậm màu sắc, tính khát khao vươn tới cái vô biên”. Như vậy, với chủ nghĩa lãng mạn con người sẽ tự ý thức rằng mình là một bản ngã, ở trong xã hội, nhưng không phải nhập vào một cục với xã hội, mà có tồn tại riêng, quy luật riêng, số phận riêng” [75, 121].

Tản Đà quy tụ mọi tố chất của thời đại, điều này đã tạo một khối mâu thuẫn đặc biệt là “tập trung những khuynh hướng tư tưởng phức tạp của thời đại phản ánh vào nghệ thuật, sáng tác của Tản Đà vừa đậm chất trữ tình, vừa hài hước vừa đại chúng, vừa có ý vị hiện thực lại vừa bàng bạc một màu sắc lãng mạn” [75, 464 - 465]. Trong Giấc mộng con, Tản Đà viết thư gửi cho Chu Kiều Oanh để tâm sự. Bày tỏ cảm xúc, thể hiện tâm tư nguyện vọng với người ở chốn Bồng lai quả là một sự mơ mộng, lãng mạn. Song cái trong mộng ấy nó nói lên được vấn đề lớn lao là khuyên răn người đời đặc biệt là đấng nam nhi nên biết thân mình và sử dụng tấm thân ấy cho xứng đáng:

“Tuy chỉ là một câu chuyện mơ màng mà trong cái mơ màng vẫn thực hiện được cái mục đích cao quý của tác giả là khuyên răn người đời” [75, 259].

Đọc những câu thơ của Tản Đà, ta thấy hình như đời sống của ông đang ở trong đó. Tản Đà gặp lại mình, phác họa mình ngay trong thơ của chính mình. Đưa hiện thực đời sống vào thơ và xem như “cuộc đời tự nó đã là một tác phẩm”:

Bẩm trời, cảnh con thực nghèo khó Trần gian thước đất cũng không có

Rồi: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu (Hầu trời)

Một văn sĩ lên trời đọc thơ cho trời nghe, tâm sự về cuộc đời của mình. Cuộc đời nghèo khổ trong thơ đó chính là cuộc đời thực mà Tản Đà đang sống. “Người đọc sẽ tìm thấy tiểu sử của ông một cách dễ dàng qua thơ ông. Dường như ông không bao giờ quên được chính mình trong lúc làm thơ” [75, 127 - 128].

Trong Khối tình, Tản Đà viết về Cách vợ chồng lấy nhau bây giờ: “Có kẻ vì dòng giống mà lấy nhau, thời chỉ tham con ông nọ, cháu bà kia, có kẻ vì giàu mà lấy nhau, thời chỉ tham ruộng cả ao liền, nhẫn, vòng, hoa, hột, đến như chỗ dân gian tổng lý, cũng lại chỉ so bì vai vế, con nhà đàn anh, đàn em” [78, 194]. Thực ra họ chỉ cốt lấy cái bám vào người mà không cần lấy người.

Một phần của tài liệu Cái tôi cá nhân lãng mạn trong văn xuôi Tản Đà (Trang 59)