- Kế hoạch vốn đầu tư: 46.318.607 triệu đồng
2.3.2.2 Hạn chế trong cơ chế thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng:
Một là, Phân nhóm quản lý dự án đầu tư chưa hợp lý:
Trước đây, theo Thông tư số 98/2003/TT-BTC ngày 14/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư từ nguồn NSNN, thì căn cứ đặc điểm quản lý dự án, chia thành 2 nhóm quản lý dự án như sau:
Nhóm I bao gồm:
- Ban quản lý dự án chuyên ngành; - Ban quản lý dự án khu vực;
- Ban quản lý dự án thành lập theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành được trực tiếp hưởng lương từ nguồn kinh phí quản lý dự án;
- Ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ quản lý từ 02 dự án nhóm B trở lên có một số cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý dự án được hưởng lương từ nguồn kinh phí quản lý dự án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nhóm II: Gồm các Chủ đầu tư , Ban quản lý dự án khác với quy định ở nhóm I nói trên.
- Các Ban quản lý dự án thuộc nhóm I phải lập dự toán, lập quyết toán chi phí quản lý dự án hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các Ban quản lý dự án thuộc nhóm II, lập dự toán chi phí quản lý dự án theo dự án, trình duyệt một lần trước khi triển khai thực hiện dự án và lập quyết toán toàn bộ chi phí quản lý dự án cùng với quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Chủ đầu tư thuộc cấp xã và Chủ đầu tư chỉ quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng không phải lập và duyệt dự toán chi tiết nhưng phải quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án theo đúng nội dung quy định tại Mục II, Mục III, Phần Quy định cụ thể của Thông tư 98/2007/TT-BTC và quyết toán chi phí quản lý dự án cùng với quyết toán dự án hoàn thành.
Hiện nay, theo Thông tư số 118/2007/TT-BTC ngày 02/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn NSNN đã được ban hành và có hiệu lực, thay thế Thông tư số 98/2003/TT-BTC ngày 14/10/2003 của Bộ Tài chính. Trong đó, việc phân nhóm quản lý dự án đầu tư được thực hiện như sau:
Nhóm I: gồm các BQLDA do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở trung ương, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập để quản lý các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A quy mô lớn; có tư cách pháp nhân độc lập; có biên chế cán bộ BQLDA hưởng lương từ nguồn kinh phí quản lý dự án.
Nhóm II: gồm các Chủ đầu tư trong trường hợp không thành lập BQLDA và các BQLDA khác với quy định tại nhóm I; cán bộ BQLDA nhóm này không hưởng lương từ nguồn kinh phí quản lý dự án.
Như vậy, việc phân nhóm quản lý dự án đã có thay đổi cơ bản, rất nhiều Ban quản lý dự án được xếp vào nhóm I theo Thông tư 98/2007/TT-BTC, nay được điều chỉnh sang nhóm II. Vấn đề quan trọng là, cán bộ Ban quan lý dự án nhóm II không được hưởng lương từ nguồn kinh phí quản lý dự án. Do đó, rất nhiều cán bộ thuộc Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực, Ban quản lý dự án thành lập theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng...mà những Ban này không quản lý dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sẽ không được hưởng lương từ nguồn kinh phí dự án. Vậy, họ sẽ hưởng lương từ đâu vì những
BQLDA này phần lớn đều hưởng lương từ nguồn kinh phí dự án mà không có nguồn nào khác. Như chúng ta đã biết, số lượng dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với số lượng dự án nhóm B, C nên số lượng BQLDA nhóm I không nhiều so với BQLDA nhóm II theo quy định hiện nay.
Mặt khác, theo quy định của Thông tư số 118/2007/TT-BTC cũng chưa rõ đối với trường hợp BQLDA được giao quản lý các dự án nhóm B, C là chủ yếu, nhưng trong quá trình hoạt động được giao bổ sung quản lý dự án nhóm A, hoặc dự án nhóm A kết thúc đầu tư sớm hơn thời gian hoạt động của BQLDA thì các BQLDA này có phải điều chỉnh từ nhóm II sang nhóm I hoặc ngược lại hay không? Việc xác định cho cán bộ BQLDA hưởng lượng từ nguồn kinh phí dự án như thế nào?. Nếu theo quy định của Thông tư số 118/2007/TT-BTC, thì hiện nay rất nhiều cán bộ BQLDA làm việc mà không được hưởng lương.
Hai là, Quy định mở tài khoản tiền gửi Ban quản lý dự án chưa chặt chẽ:
Theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 hướng dẫn về quản lý, TTVĐT và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN, Chủ đầu tư được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thuận tiện cho giao dịch của Chủ đầu tư.
Công văn số 3802/KBNN-TTVĐT ngày 19/12/2007 của Kho bạc Nhà nước v/v hướng dẫn kiểm soát thanh toán chi phí BQLDA theo Thông tư số 118/2007/TT-BTC, tại điểm 2.1 đã nêu:
“- Việc mở TKTG chi phí QLDA nhằm tập trung các nguồn kinh phí QLDA thuộc ngân sách trong nước mà BQLDA được hưởng theo quy định (bao gồm các nguồn kinh phí QLDA được xác định theo quy định tại mục III và điểm 2, mục IV, phần II Thồng tư số 118/2007/TT-BTC; nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương hoặc từ các đơn vị khác nếu có...) để từ đó thanh toán theo dự toán chi phí QLDA được duyệt.
- Các BQLDA được giao quản lý nhiều dự án hoặc có kinh phí QLDA được hưởng từ nhiều nguồn khác nhau cần phải mở TKTG chi phí QLDA tại Kho bạc Nhà nước - nơi thuận tiện cho giao dịch của BQLDA“
Như vậy, theo quy định này, BQLDA có thể mở TKTG BQLDA ở bất kỳ Kho bạc nào thuận tiện cho giao dịch của họ. Vì thế đã phát sinh trường hợp BQLDA quản lý từ 2 dự án đầu tư trở lên, các dự án đầu tư này được mở TK TTVĐT ở KBNN A, KBNN B, KBNN C. Nhưng khi mở TKTG BQLDA thì BQL đã không mở TKTG ở một trong các KBNN có giao dịch TTVĐT, mà mở TKTG BQLDA ở KBNN D. Đây là trường hợp chưa có trong thông lệ từ trước đến nay, vì thông thường BQLDA sẽ phải mở TKTG BQLDA ở một trong số các KBNN mà BQLDA có giao dịch kiểm soát TTVĐT. Với trường hợp này, Kho bạc sẽ xử lý như thế nào và việc mở TKTG như vậy có ảnh hưởng gì đến nghiệp vụ kiểm soát chi đầu tư của Kho bạc hay không? đặc biệt khi quyết toán và phân bổ chi phí BQLDA, kiểm soát chi BQLDA từ TKTG BQL, nộp giảm số thanh toán cho dự án, nộp NSNN...Đây là một trong những hạn chế cần được giải quyết.
Ba là, Mẫu biểu chứng từ thanh toán thiếu thông tin:
Công văn số 3802/KBNN-TTVĐT ngày 19/12/2007 của Kho bạc Nhà nước v/v hướng dẫn kiểm soát thanh toán chi phí BQLDA theo Thông tư số 118/2007/TT-BTC, điểm 2.3 quy định kiểm soát thanh toán chi phí QLDA từ TKTG, BQLDA gửi đến KBNN những hồ sơ sau:
- Uỷ nhiệm chi (đối với chuyển khoản)
- Giấy rút tiền mặt từ TKTG (mẫu C6-11/KB) hoặc séc
- Bảng kê thanh toán chi phí QLDA (theo mẫu số 1 đính kèm) - Bảng kê chứng từ chi (theo mẫu số 2 đính kèm) kèm theo Bảng lương theo mẫu tại phụ biểu F02A/DT-QLDA, Thông tư số 118/2007/TT-BTC (nếu có), các khoản thanh toán theo hợp đồng phải gửi hợp đồng, thanh toán theo dự toán thì gửi dự toán chi phí được duyệt.
Theo quy định này, các khoản thanh toán theo hợp đồng, BQL phải gửi hợp đồng đến KBNN và Phòng TTVĐT lưu giữ trong hồ sơ thanh toán của dự án, và chỉ có Phòng TTVĐT mới xác định được việc thanh toán chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng là đơn vị nào, số hiệu tài khoản và nơi mở tài khoản của đơn vị thụ hưởng. Nhưng những nội dung này không được thể hiện trên Bảng kê thanh toán theo mẫu số 1 và Bảng kê chi tiết theo mẫu số 2. Phòng TTVĐT có trách nhiệm kiểm soát các nội dung theo chế độ quy định và ký trên 2 Bảng kê này, và không có trách nhiệm pháp lý trên Uỷ nhiệm chi vì không ký duyệt Uỷ nhiệm chi. Phòng Kế toán có trách nhiệm kiểm soát Uỷ nhiệm chi, đối chiếu số tiền và nội dung thanh toán khớp đúng với Bảng kê do Phòng Thanh toán gửi kèm, nhưng không thể xác định được việc chuyển tiền cho đơn vị thụ hưởng có đúng địa chỉ như trong hợp đồng kinh tế A-B đã ký kết hay không.
Như vậy, nếu việc chuyển tiền sai địa chỉ thì trách nhiệm trước hết thuộc về BQLDA, nhưng không thể nói KBNN không chịu trách nhiệm, vì rõ ràng là KBNN có lưu giữ hợp đồng trong hồ sơ thanh toán. Vấn đề là ở chỗ, KBNN sẽ xác định trách nhiệm pháp lý khi chuyển tiền sai địa chỉ thuộc về Phòng TTVĐT hay Phòng Kế toán? Đây chính là sơ xuất khi soạn thảo và ban hành mẫu số 1 và 2 theo Công văn số 3802/KBNN- TTVĐT cần bổ sung hoàn chỉnh.