5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
2.1.1.3 Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất được chia thành hai hệ chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ pheralit ở vùng đồi và núi. Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm.
Thảm thực vật rừng Quảng Bình rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu,... và nhiều loại thú quý hiếm như hổ, báo, voọc, trĩ sao, gà lôi, các loại bò sát, móng guốc khác. Đặc biệt ở khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm như cây bách xanh núi đá, sao la và mang lớn, cùng nhiều loại thuỷ sinh độc đáo là những nguồn gen quý hiếm tạo nên hệ sinh thái có giá trị kinh tế, khoa học và tham quan du lịch.
Quảng Bình có bờ biển dài 116,04 km với 5 cửa sông. Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô. Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.
Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Trữ lượng vàng tại Quảng Bình có khả năng để phát triển công nghiệp khai thác và chế tác vàng.
Quảng Bình có nguồn lao động dồi dào, có nguồn lực con người thông minh, cần cù, giàu lòng yêu nước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, cầu tiến bộ. Mặt khác, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ tiên tiến[30].