Yếu tố dầu lửa trong vấn đề Irắc

Một phần của tài liệu Nhân tố dầu lửa trong quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng vịnh Péc Xích sau chiến tranh lạnh.PDF (Trang 35 - 41)

Sự kiện 11/9/2001 đánh dầu bước chuyển quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Irắc. Mối liên hệ giữa sự kiện 11/9 và cuộc chiến của Mỹ chống Irắc chỉ có thể được làm rõ khi nhìn lại lịch sử đương đại của mối quan hệ Mỹ - Irắc trong bối cảnh chiến lược Mỹ đối với vùng Vịnh Pếc-xích.

Ngày 20/3/2003 đã đi vào lịch sử Irắc và lịch sử quan hệ quốc tế như một cái mốc đen tối và đầy cay đắng. Một cuộc chiến tranh mà dường như mọi người đều nhìn thấy trước những bất lực, không ai có thể ngăn cản nổi. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA/LHQ) như Pháp, Đức, Nga…đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối chiến tranh và bản thân Irắc cũng đã có nhiều nhân nhượng nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng. Nhưng Mỹ, với thế và lực áp đảo vẫn kiến quyết phát động cuộc chiến tranh chống Irắc.

36

Có lẽ vì Irắc nằm ở Vịnh Pếc-xích, là nơi gặp gỡ của 3 châu: Âu, Á, Phi và là nơi có kênh đào Xuy-ê nổi tiếng, mà nhiều đời Tổng thống Mỹ đã coi là “nền tảng sinh tồn của Mỹ, Châu Âu và NATO”. Hơn nữa, đây còn là nơi vốn được mệnh danh là “rốn dầu của thế giới”.

Sự kiện 11/9/2001, tuy có phần tác động tới uy tín, danh dự nước Mỹ, song đó là cơ hội vàng cho Mỹ thực hiện ý đồ chiến lược của mình. Sau khi loại được chính quyền Taliban ở Apghanistan, Mỹ đã nhanh chóng chĩa mũi nhọn chống khủng bố vào Irắc, có lẽ Irắc là mắt xích yếu nhất. Theo đánh giá của Mỹ, sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ I, tiềm lực quân sự của Irắc bị giảm nhiều: vũ khí, các trang thiết bị quân sự cũ kỹ, lỗi thời, không được nâng cấp, bổ sung do bị cấm vận; hầu hết các vũ khí chiến lược đều bị phá hủy dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các thanh tra viên LHQ. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng tiềm lực quân sự của Irắc giờ đây chỉ bằng khoảng 40% so với cuộc chiến tranh lần trước.

Trong khi đó, Mỹ lại có một thời gian dài đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhất là dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Với tiềm lực kinh tế, vũ khí và trang thiết bị quân sự tối tân hiện đại, rõ ràng đây là thời cơ thuận lợi nhất để Mỹ có thể triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược của mình nhằm: (1) Lật đổ chế độ của Saddam Hussein, dựng lên một chế độ thân Mỹ ở Irắc và “cải tạo” nước này theo giá trị quan điểm dân chủ kiểu Mỹ; (2) Giành được nguồn dầu mỏ của Irắc. Nếu kiểm soát được nguồn dầu của Irắc, Mỹ sẽ “đa dạng” được nguồn dầu của mình. Điều này sẽ giúp bảo đảm an ninh dầu lửa lâu dài cho Mỹ ; (3) Thử nghiệm học thuyết “đánh đòn phủ đầu”. Đây là học thuyết đề cao phương thức “tấn công ngăn ngừa”, thay thế cho phương thức “răn đe” từng được áp dụng thành công trong Chiến tranh lạnh; (4) Tiếp tục khẳng định vị trí siêu cường số một và thực hiện “chủ nghĩa đơn phương”.

Sau Chiến tranh lạnh, lợi dụng môi trường an ninh thế giới thay đổi, Mỹ đã liên tục có những hành động đơn phương, kể cả can thiệp quân sự ra bên ngoài. Thắng lợi trong cuộc chiến tranh tại Kosovo (1999) và Apghanistan (2002) càng kích thích tham vọng bá quyền của Mỹ. Do đó, trong vấn đề Irắc, tuy tôn trọng vai trò của đồng minh và LHQ nhưng khi thấy cần thiết Mỹ vẫn sẵn sàng hành động

37

một mình. Và nếu giành được thắng lợi trong chiến tranh Irắc, địa vị và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ sẽ càng được củng cố và tăng cường hơn [21, tr.69].

Dựa vào ưu thế tuyệt đối về sức mạnh, chính quyền Mỹ đã bất chấp dư luận, quyết tâm theo đuổi ý đồ lật đổ Tổng thống Irắc Saddam Hussein, vượt qua sự bất bình mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào chống chiến tranh của nhân dân thế giới kể cả nhân dân Mỹ. Có thể nói dầu lửa là yếu tố then chốt, chiếm được nguồn tài nguyên dầu lửa này Mỹ sẽ dễ dàng vươn lên vị trí siêu cường.

Thứ nhất, mục tiêu trực tiếp của Mỹ ở Irắc là loại bỏ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, thay thế bằng một chính phủ thân Mỹ và chịu ảnh hưởng của Mỹ; loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt và mối liên hệ với khủng bố có thể có của Irắc, xóa bỏ điều mà Mỹ coi là “một mắt xích của chủ nghĩa khủng bố”. Sự nhất trí tương đối trong nội bộ Mỹ đã tạo thuận lợi cho xu hướng ủng hộ vai trò quyết định của chính quyền, chấp nhận hạn chế quyền tự do cá nhân, tăng chi phí quốc phòng, tán thành hoạt động can thiệp ra bên ngoài. Yếu tố an ninh đóng vai trò quyết định trong việc Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Bush sử dụng vũ lực đối với Irắc[17, tr. 79].

Yếu tố dầu lửa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Mỹ tiêu thụ 40% sản lượng dầu của thế giới. Irắc có trữ lượng dầu lửa 112 tỷ thùng đang được khai thác, đứng thứ hai thế giới (sau Arập Xê út) và chiếm 10% trữ lượng dầu được tìm thấy của thế giới. Nhiều vùng địa chất có dầu lửa rộng lớn nằm ở sa mạc phía Tây Irắc hoàn toàn chưa được khai thác. Nguồn dầu lửa của Irắc có thể thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu dầu lửa của Mỹ trong khoảng 100 năm [36, tr. 54].

Thay đổi chế độ Hussein dọn đường cho Mỹ vận động HĐBA dỡ bỏ cấm vận Irắc và xây dựng lại đất nước này theo ý đồ của Mỹ. Trước hết, Mỹ sẽ khôi phục ngành công nghiệp dầu mỏ và có thể kiểm soát nguồn năng lượng khổng lồ của Irắc. Việc này giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc và Arập Xê-út để bình ổn giá dầu thô trên thế giới, từ đó tạo điều kiện cho Mỹ thúc ép nước này và các nước xuất khẩu dầu khác trong khu vực cải cách chính trị - xã hội. Đồng thời, khi một chế độ mới ở Irắc được thiết lập thì điều này có nghĩa là các hợp đồng kinh tế được chính quyền Saddam ký trước đây với nhiều nước sẽ không còn hiệu lực.

38

Các mỏ dầu vốn được dành cho các công ty của Pháp, Đức, Nga v.v…nay có thể sẽ thuộc về Mỹ. Bằng cách này từ chỗ không có phần ở Irắc, Mỹ sẽ gạt các nước khác ra để đặt ảnh hưởng toàn diện và độc tôn ở nước này. Ngoài ra, chắc chắn chính phủ Irắc do Mỹ hậu thuẫn sẽ dành phần lớn công việc tái thiết đất nước cho các công ty của Mỹ và do vậy càng làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các nước có công ty đã làm ăn lâu dài hoặc muốn làm ăn tại Irắc. Ví dụ như Công ty hạ tầng Mahattan (Mỹ) đến tái thiết Irắc, vì nguồn tài chính hạn hẹp nên Irắc buộc phải bán dầu giá rẻ cho Mỹ.

Thứ hai, với cuộc chiến tranh chống Irắc, Mỹ muốn sắp xếp lại bàn cờ chính trị- chiến lược ở vùng Vịnh bảo đảm lợi ích lâu dài về kinh tế, an ninh của Mỹ. Nhằm mục đích đó, sau sự kiện 11/9 Mỹ càng thấy cần thiết phải xây dựng Vịnh Pếc-xích thành khu vực bao gồm những nước dân chủ thân Mỹ và hướng các cuộc xung đột khu vực đi theo những kịch bản do Mỹ chi phối. Cuộc khủng hoảng Ixraen- Palextin kéo dài không có lối thoát là những bức xúc phải giải quyết đối với Mỹ.

Lợi ích quan trọng của Mỹ ở vùng Vịnh là đảm bảo an ninh cho Ixraen, đồng minh quan trọng chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Chính quyền Bush tin rằng Mỹ chỉ có thể kiểm soát được giải pháp Trung Đông nếu Mỹ khẳng định sức mạnh áp đảo, đủ sức để ép cả Ixraen và Palextin đi vào giải pháp do Mỹ dàn dựng [40].

Chính quyền Bush cho rằng dưới sức ép dầu lửa, kết cục của chính quyền chống Mỹ ở Bagdad và mô hình thể chế dân chủ ở Irắc, các nước trong khu vực sẽ thay đổi theo hướng Mỹ muốn (đảm bảo cung cấp dầu ổn định, từ bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các hoạt động khủng bố, giảm ủng hộ cho Palextin, mở rộng dân chủ Phương Tây), nếu không sẽ trở thành mục tiêu “thay đổi chế độ” tiếp theo của Mỹ. Bằng việc lật đổ Saddam Hussein và xây dựng một mô hình dân chủ thân Mỹ, hy vọng sẽ tạo một “hình mẫu” có tác động dây chuyền thay đổi cục diện chiến lược về kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực có lợi cho Mỹ.

Thứ ba, kiểm soát nguồn cung cấp dầu lửa ở Vịnh Pếc-xích, khu vực được coi là “trung tâm an ninh dầu lửa thế giới”, là yêu cầu thiết yếu đối với Mỹ trong hai ba thập kỷ tới. Từ sau Chiến tranh lạnh, các chính quyền Mỹ đều ngày càng tỏ ra hết sức lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của kinh tế Mỹ vào nhập khẩu dầu mỏ, đặc

39

biệt từ vùng Vịnh. Hiện nay, Mỹ phải nhập 55% dầu mỏ phục vụ nhu cầu năng lượng và đến 2020 tỷ trọng này là 65% và còn tiếp tục tăng lên. Sự lệ thuộc này là gót chân A-sin của quyền lực Mỹ chừng nào Mỹ không kiểm soát được vùng Vịnh.

Thứ tư, cuộc chiến tranh Irắc nằm trong chiến lược của chính quyền Bush hướng tới thiết lập một trật tự thế giới mới với vai trò siêu cường duy nhất của Mỹ, giảm vai trò của các nước lớn khác, của LHQ, các thể chế và luật pháp quốc tế, tạo tiền lệ thuận lợi để Mỹ có thể xử lý các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực phục vụ lợi ích của Mỹ. Cuộc chiến này là để thử nghiệm và triển khai bước đầu cho Chiến lược an ninh quốc gia mới đưa ra tháng 9/2002. Cuộc chiến ở Irắc cụ thể hóa hầu hết các hướng điều chỉnh chiến lược nêu trong chiến lược mới nói trên.

Thứ năm, những động cơ và yêu cầu nội bộ Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quyết định của chính quyền Bush, đặc biệt qua đây có thể lý giải được tại sao Mỹ quyết định đánh Irắc trong thời điểm hiện nay và muốn kết thúc sớm, bất chấp những bất lợi về ngoại giao, thương vong của lính Mỹ và dân thường, sự chống đối của dư luận thế giới.

Trong bối cảnh chính quyền Bush gặp nhiều khó khăn nội bộ: kinh tế phục hồi chậm và không ổn định dù chính quyền đã dùng nhiều biện pháp mạnh; cuộc chiến Apghanistan không giành thắng lợi triệt để (không bắt hoặc giết Bin Lađen), không đủ để kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng; uy tín lãnh đạo của Bush xuống thấp, đặc biệt là về điều hành kinh tế; phe dân chủ bắt đầu tăng chỉ trích về cả đối nội và đối ngoại…hơn lúc nào hết Bush cần một thách thức lớn về an ninh để tập hợp lực lượng, một thắng lợi đối ngoại quan trọng để nâng cao uy tín, và một liều thuốc đủ mạnh để giúp kinh tế Mỹ ra khỏi trì trệ và kích thích tăng trưởng, đảm bảo cho thắng lợi trong cuộc bầu cử 2004. Bài học của G. Bush (cha) chiến thắng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 nhưng thất cử năm 1992 do không chú ý đầy đủ tới các vấn đề kinh tế là điều ám ảnh mà Tổng thống G.W.Bush (con) không muốn lặp lại.

Một thắng lợi nhanh ở Irắc có thể góp phần hết sức quan trọng giúp chính quyền Bush đạt được mục tiêu đối nội trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị nội bộ, những ý kiến bất đồng sẽ giảm, uy tín và quyền lực của Bush sẽ được củng cố,

40

thuận lợi cho việc thúc đẩy các chính sách khác. Về kinh tế, thắng lợi nhanh sẽ hạn chế chi phí chiến tranh, ổn định lòng tin tiêu dùng, kích thích đầu tư, giảm giá dầu, các công ty Mỹ thu lợi trong tái thiết Irắc, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại và càng củng cố uy tín của chính quyền đảng Cộng hòa.

Cuộc chiến Irắc - dù xét ở bất cứ góc độ nào - là một kết cục tồi tệ đối với tất cả các bên liên quan. Trong con mắt quốc tế nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, uy tín của LHQ đã bị xói mòn nghiêm trọng do không đảm đương được trách nhiệm bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Sự can thiệp quân sự của Mỹ không những chưa đem lại hòa bình và ổn định cho Irắc và Vịnh Pếc-xích mà còn là mục tiêu bị lên án gay gắt trong thế giới Arập và Hồi giáo. Không chỉ như vậy, cuộc chiến Irắc còn gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ Mỹ và đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đối với Irắc, không chỉ với Tổng thống Saddam Hussein và Đảng Baath bị truất quyền lãnh đạo, ách chiếm đóng và đô hộ của Mỹ còn là nỗi nhục nhã ê chề đối với cả dân tộc Irắc [26, tr. 45].

Mỹ dự tính xây dựng một đất nước Irắc tự do và dân chủ theo kiểu Mỹ. Một Irắc không có Saddam Hussein sẽ là đồng minh của Mỹ, nêu một tấm gương cho các nước Vịnh Pếc-xích cũng như cả thế giới Arập. Nước nào theo Mỹ sẽ có hòa bình, thịnh vượng và tự do, còn kẻ nào chống Mỹ sẽ phải chịu hậu quả nặng nề [21, tr. 29].

Hiện nay, Mỹ đang duy trì lực lượng 50.000 quân, lên kế hoạch thiết lập khoảng 14 căn cứ quân sự ở Irắc với ý đồ: (1) Duy trì nguyên trạng chính quyền thân Mỹ ở Irắc. Hỗ trợ cho chính quyền này đủ sức đứng vững trước nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Irắc. Ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của lực lượng Đảng Baath cũ; (2) Việc duy trì lực lượng quân sự ở Irắc cho phép Mỹ có thể thuận lợi trong việc triển khai các hợp đồng khai thác dầu lửa, xây dựng hoặc tái thiết Irắc do các công ty Mỹ đảm nhận nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

Chính sách của Mỹ hiện nay là khống chế chặt nguồn dầu mỏ của Irắc, bất cứ quốc gia nào muốn ký kết những hợp đồng dầu lửa hoặc các hợp đồng kinh tế khác ở vùng Vịnh này đều phải thông qua và được sự đồng ý của Mỹ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

41

Việc khống chế được vùng Vịnh giàu dầu lửa này sẽ giúp cho Mỹ thuận lợi trong việc triển khai các kế hoạch của mình ở khu vực Trung Đông: (1) Khống chế sự trỗi dậy của chính quyền Iran, Xiri; (2) Tạo thuận lợi cho việc Mỹ triển khai kế hoạch Đại Trung Đông; (3) Giúp Ixraen có một vị thế và chỗ đứng vững chắc trong khu vực.

Tất cả các mục tiêu và ý đồ trên của Mỹ nhằm mục đích khống chế nguồn dầu mỏ phong phú của Irắc. Qua đó thực hiện được toan tính của Washington là duy trì vị trí lãnh đạo số một của mình ở khu vực Trung Đông và thế giới.

Một phần của tài liệu Nhân tố dầu lửa trong quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng vịnh Péc Xích sau chiến tranh lạnh.PDF (Trang 35 - 41)