Nhu cầu về dầu lửa của Mỹ ngày càng tăng

Một phần của tài liệu Nhân tố dầu lửa trong quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng vịnh Péc Xích sau chiến tranh lạnh.PDF (Trang 73 - 74)

Mỹ là quốc gia đứng thứ ba về sản xuất dầu thô trên thế giới chỉ sau Arập Xê út và Nga, là một trong những nước có trữ lượng lớn về dầu lửa của thế giới. Mặc dù, Mỹ sản xuất khối lượng từ 5-7 triệu thùng/ngày nhưng trữ lượng dầu khai thác ra chủ yếu là để phục vụ trong nước, ngoài ra còn phải nhập khẩu thêm khoảng 14 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu lửa khác để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Ngày 18/6/2008, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, tổng thống Bush thừa nhận tình trạng ngày càng báo động của nước Mỹ về năng lượng. “Trong tương lai gần, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc cao vào dầu mỏ. Điều đó, có nghĩa là chúng ta cần phải tăng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nội địa”. Để tăng nguồn cung nội địa, tổng thống Mỹ cũng đưa ra các giải pháp như tăng cường khai thác năng lượng ở dải đá ngầm ở thềm lục địa (OSC), tiếp cận nguồn năng lượng ở đá phiến dầu- một loại đá có thể sản xuất ra dầu mỏ khi được nung lên hoặc qua các khâu xử lý, cho phép tiến hành khai thác tại khu vực bảo tồn thiên nhiên Alaska (ANWR), nâng cao năng suất của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ…Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận rằng, những giải pháp này phải mất nhiều năm mới thực hiện được. Do đó, trong thời gian trước mắt, các nguồn cung cấp bên ngoài vẫn sẽ là lựa chọn tối ưu của Mỹ. Bản báo cáo của Nhà Trắng mang tên “Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cho thế kỷ mới” công bố năm 2008 đã xác định nhu cầu an ninh năng lượng của Mỹ và lợi ích trong quan hệ với các đồng minh: “Mỹ phụ thuộc vào dầu mỏ vào khoảng 40% nhu cầu năng lượng chủ yếu của nước này, và gần một nửa nhu cầu về dầu mỏ của chúng ta được đáp ứng bằng nhập khẩu…Mặc dù chúng ta tiến hành việc tiết

74

kiệm và nghiên cứu về năng lượng thì Mỹ tiếp tục có một lợi ích sống còn trong việc đảm bảo sự tiếp cận với các nguồn dầu từ nước ngoài” [1, tr. 45].

Sau khi, Obama lên nhận chức Tổng thống Mỹ vào năm 2009, nền kinh tế Mỹ vốn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ thời Bush nay gặp thêm những khó khăn mới. Trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu lửa, Mỹ hiện đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc mới nổi trên thế giới, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Ấn Đố đứng ở vị trí thứ 12. Hai quốc gia mới nổi này có tốc độ phát triển kinh tế cao và có nhu cầu nhập khẩu năng lượng rất lớn để phục vụ nhu cầu trong nước. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới.

Với vị trí là quốc gia tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thị trường dầu lửa ở bất cứ khu vực nào trên thế giới bị xáo trộn đều có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ. 96% hoạt động của nền kinh tế Mỹ bị phụ thuộc vào dầu lửa, không chỉ các ngành công nghiệp, giao thông, thương mại mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân Mỹ. Qua đó, có thể khẳng định vai trò của dầu lửa là tối quan trọng đối với chính trị - an ninh, kinh tế và xã hội của Mỹ. Như vậy, dầu lửa không những là “vàng đen” mà thực sự còn là “máu” của nền kinh tế Mỹ.

Một phần của tài liệu Nhân tố dầu lửa trong quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vùng vịnh Péc Xích sau chiến tranh lạnh.PDF (Trang 73 - 74)