Quan hệ xã hội của người bán hàng

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 62 - 64)

Các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu có rất nhiều mối quan hệ, đó là quan hệ gia đình, họ hàng, đồng hương, bạn bè, bạn buôn bán… Tất cả các mối quan hệ trên đều liên kết thành mạng lưới, góp phần trợ giúp các tiểu thương trong cuộc sống và nghề nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu, các tiểu thương người Việt tham gia buôn bán ở tất cả các ngành hàng như: chợ A có 14 ngành hàng và 363 hộ kinh doanh, chợ B có 12 ngành hàng và 343 hộ kinh doanh. Phần lớn họ có quan hệ họ hàng và cùng quê với nhau. Những mối quan hệ này là nguồn vốn xã hội quan trọng giúp họ trong công việc buôn bán. Số người Việt có quan hệ họ hàng và cùng quê ở chợ chiếm 93% số người được phỏng vấn. Khoảng hơn 75% số tiểu thương có quan hệ buôn bán và bạn hàng với người thân ở quê cũ. Theo số liệu điền dã năm 2012 tại chợ Cốc Lếu, có hơn 90% số hộ bán quần áo ở tầng 2 là người làng Đỗ Xá (Hà Tây cũ) và một số hộ bán điện tử, điện thoại, hàng sắt ở tầng 1 chợ A và tầng 2 chợ B. Trong số 60 cuộc phỏng vấn nhanh mà chúng tôi thực hiện ở chợ, có 39 tiểu thương có quan hệ họ hàng với nhau, có thể anh chị em ruột, họ hàng, bố mẹ, con cái hoặc chị em dâu, rể… Các tiểu thương bán quần áo ở tầng 2, chợ khu A đều có quan hệ họ hàng với nhau. Họ là anh em con chú, con bác hoặc họ hàng xa ở làng Đỗ Xá, Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Tây cũ. Những người buôn bán đồ điện tử có 13 tiểu thương có quan hệ họ hàng với nhau trong tổng số 20 quầy buôn bán. Phần lớn là anh em họ hàng ở dưới xuôi cùng nhau đi buôn bán và lập nghiệp ở chợ này. Một số người di cư từ Yên Bái lên buôn bán ở chợ rồi rủ thêm anh em họ hàng. Mặc dù ở quê mới, người buôn bán vẫn giữ mối quan hệ với những người họ hàng ở quê cũ, việc tổ chức giỗ họ hoặc đình đám vẫn được họ quan tâm mặc dù họ rất bận.

Hầu hết chủ quầy bán hàng đồ gỗ, đồ phong thủy quê gốc ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, họ có anh em họ hàng hoặc bạn bè thân làm nghề thủ công mỹ nghệ, thậm chí trước đây ở làng họ cũng làm nghề này. Khi lên Lào Cai họ buôn bán chính mặt hàng mà mình đã từng làm hoặc có hiểu biết sâu, có quan hệ từ trước, lên bán ở chợ Cốc Lếu từ năm 2000. Các chủ hàng này đã có mối quan hệ và liên hệ làm ăn lâu dài với các làng nghề truyền thống ở miền xuôi. Các chủ hàng có thể về tận nơi để lấy hàng hoặc nhờ chủ cơ sở sản xuất gửi qua đường tàu hoặc ô tô. Quá trình làm ăn lâu dài và tin nhau nên các chủ hàng và cơ sở sản xuất đã kết hợp với nhau sản xuất những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của khách và mang đi Hội chợ trưng bày triển lãm nhằm giới thiệu đặc trưng của làng nghề với khách hàng nước ngoài. Mặt hàng này chủ yếu bán cho khách Trung Quốc, một số ít khách du lịch trong nước. Chủ hàng lấy hàng

63

với số lượng lớn, nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp và giá trị cao như sừng hươu, lọ lộc bình, đôn, lọ hoa, bàn nước… Ngoài bán hàng ở chợ, các chủ hàng còn tham gia Hội chợ ở các tỉnh lân cận tại Trung Quốc để giới thiệu sản phẩm. Theo nhận xét của Ban quản lý chợ, đây là những người buôn bán lớn và có kinh tế khá hơn so với những người buôn khác ở chợ.

Quan hệ bạn bè trong buôn bán có thể giới thiệu những khách quen hoặc những mối giao hàng lớn ở nhiều địa phương khác nhau. Theo anh B người bán hàng ở khu điện tử - điện thoại “quan hệ bạn bè càng rộng càng có nhiều cơ hội làm ăn buôn bán hơn”. Trường hợp anh K, người buôn bán đồ điện trong chợ. Anh có nhiều mối quan hệ tốt với bạn hàng Việt Nam và Trung Quốc. Anh vừa làm mối giao hàng cho các chủ hàng trong chợ lại vừa làm đại lý giới thiệu hàng hóa cho chủ hàng Trung Quốc. Người chủ hàng Trung Quốc thường xuyên qua lại cửa hàng nhà anh K để thăm hỏi việc bán hàng. Trong dịp tết họ cũng tặng quà cho nhau hoặc dịp vui buồn tổ chức ăn uống họ lại mời tham gia.

Hầu hết, người Việt buôn bán ở chợ chủ yếu quê ở Nam Định, Hà Tây cũ, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… Họ đều thành lập hội đồng hương quê mới. Mối quan hệ này cũng hỗ trợ các tiểu thương có thêm những quan hệ mới trong kinh doanh như giới thiệu khách hàng cho nhau, tìm mối làm ăn, giúp nhau trong cách bán hàng, thậm chí họ có thể trông hàng hoặc giúp nhau tìm người giúp việc, hỗ trợ nhau khi gia đình có việc cưới xin, tang ma…

Những người buôn bán cũng có quan hệ với những nhà quản lý, chính quyền địa phương hay ban quản lý chợ. Mối quan hệ này giúp người buôn bán đảm bảo và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong kinh doanh buôn bán ở chợ.

Quan hệ của người bán hàng với người mối giao hàng là người Việt hoặc người Hoa đóng vai trò quan trọng trong hoạt động buôn bán. Hàng ngày, người mối giao hàng thường tới các quầy để nhận đơn mua hàng của những người bán hàng, sau đó, họ sang khu bán buôn hàng hóa ở bên Hà Khẩu để chuyển hàng về, chủ hàng từ Hà Khẩu cũng có thể sang chợ để nhận trực tiếp đơn đặt hàng của các tiểu thương rồi mang hàng sang. Trường hợp anh B, người chủ hàng sản xuất nước hoa mang hàng sang tận chợ giao cho các tiểu thương, sau đó, anh nhận sửa lại những mặt hàng bị lỗi và hàng kém chất lượng. Những người mối là những người ở dưới xuôi đi buôn chuyến ở nhiều chợ trong cả nước. Họ lấy hàng từ miền xuôi có nguồn gốc Việt Nam ở chợ Đồng Xuân hay chợ Cổ Nhuế hoặc hàng hóa do nhà máy sản xuất mang lên giao cho các chủ hàng ở chợ Cốc Lếu, sau đó, lấy hàng từ có nguồn gốc từ Trung Quốc tại chợ Cốc Lếu hoặc bên Hà Khẩu về giao cho các chủ hàng ở chợ miền xuôi.

64

Cũng có trường hợp người mối lấy hàng điện tử ở Móng Cái (Quảng Ninh) có nguồn gốc từ Trung Quốc lên giao cho các chủ hàng trong chợ, vì một số hàng đồ điện ở chợ Móng Cái được nhập về từ chợ Đông Hưng (Trung Quốc) về Móng Cái, mặt hàng này ở Hà Khẩu không có. Họ là những người nhanh nhẹn và quen việc nên việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới thuận lợi hơn những người bán hàng trong chợ.

Các quan hệ xã hội của các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu khá đa dạng, bởi phần lớn tiểu thương ở chợ đều đã từng buôn bán ở quê cũ hoặc tiếp thu truyền thống gia đình, thậm chí nhiều người vì nhu cầu mưu sinh nên phải “học và hành” nghề buôn bán. Tại đây, họ có một quá trình thích nghi, thích ứng trên nhiều phương diện và phát huy được những đặc điểm vốn có của cư dân người Việt ở miền xuôi như cần cù, năng động, sáng tạo, nhạy bén với cơ chế mới, khéo léo và lối ứng xử linh hoạt. Một bộ phận người Việt cũng giao lưu với các tộc người sở tại bằng quan hệ nhận họ hàng, thông gia hay đồng niên… Từ những quan hệ trên, người Việt ảnh hưởng một phần đức tính đôn hậu, trung thực, thẳng thắn của các tộc người khác ở miền núi (Bùi Xuân Đính, 2009). Những nhân tố trên là nền tảng quan trọng trợ giúp người Việt trong hoạt động buôn bán ở chợ vùng biên.

Có thể thấy, quan hệ bao trùm lên quan hệ của tiểu thương ở chợ Cốc Lếu là quan hệ nội bộ tộc người, quan hệ này chiếm yếu tố chủ đạo về quy mô, hình thức và mạng lưới giá trị.

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 62 - 64)