Quan hệ với người bán hàng rong

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 68 - 70)

Ở trong chợ, ngoài quan hệ với những bạn chợ, bạn hàng, khách hàng… các tiểu thương còn có quan hệ mật thiết với những người bán hàng rong. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong số 60 tiểu thương được hỏi đều có quan hệ với người bán hàng rong và trong số 23 người bán hàng rong đều có quan hệ với tiểu thương trong chợ. Những người bán hàng rong như bán hàng nước giải khát, bánh khoai, bánh chuối, chè đỗ đen, bánh cuốn, xôi, bánh khúc, bánh dày giò, bánh rán, bánh mỳ, nước chanh leo đóng túi, rượu nếp cẩm, rau quả tươi, bánh chưng rán… đều mang bán hàng phục vụ cho các tiểu thương trong chợ. Những người bán hàng rong này không có quầy hàng, một số người thuê được một diện tích nhỏ, khoảng hơn 1m2

trong chợ là địa điểm tập kết hàng hoặc dừng chân. Nguồn vốn của họ không lớn chỉ vài trăm nghìn, thậm chí có người lấy hàng của đại lý rồi trả tiền sau. Với một đôi quang gánh hoặc một chiếc thúng, mẹt trên tay họ len lỏi khắp các ngõ ngách trong chợ phục vụ các tiểu thương vào đầu giờ trưa, hoặc đầu giờ chiều, cuối buổi chiều,… bán hàng ở đây không mất nhiều thời gian, lại bán được nhiều hàng. Bán hàng lâu năm ở chợ và có uy tín nên họ có nhiều khách quen và có mối quan hệ thân thiện với nhau. Đối với các tiểu thương, việc quan hệ với người bán hàng rong không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn lựa chọn được hàng hóa tin tưởng và có chất lượng. Mặt khác những người bán hàng rong cũng là nhóm những người có thể sang bên kia biên giới lấy hàng thuê cho các chủ quầy trong chợ. Họ thường tranh thủ khi bán hết hàng sớm, sang bên kia mang hàng thuê cho tiểu thương, công việc như vậy thường không cần vốn, chỉ mất công và thời gian.

Từ những mối quan hệ trong gia đình đến quan hệ trong buôn bán, các tiểu thương đã tìm đến những yếu tố tin cậy ở người bán hàng rong để trợ giúp công việc buôn bán của mình, đồng thời, các tiểu thương cũng giới thiệu công việc hoặc tìm

69

việc giúp những người bán hàng rong có quan hệ với mình. Nhờ có sự giới thiệu mà những người bán hàng rong đã có được sự tin cậy đối với các tiểu thương trong chợ.

Đặc biệt, trong chợ Cốc Lếu có 4 quầy bán cơm lưu động, phục vụ khách hàng tận nơi và 1 quầy bán nước đun sôi để bán cho các quầy lưu niệm chuyên bán và giới thiệu café cho khách du lịch Trung Quốc. Trong chợ có một số người bán báo, sổ xố và một số người bán tăm tre tình thương… Với nhóm người này, các tiểu thương trong chợ thường mua ủng hộ nhiệt tình. Quan sát của chúng tôi thấy rằng, sống trong thế giới đầy bon chen, đố kỵ khốc liệt nhưng với những người nghèo khổ, các tiểu thương họ cho và giúp người nghèo bằng cả tấm lòng, làm như vậy, họ cũng mong có được may mắn theo quan niệm “xởi lởi trời cởi cho”.

Các TNTS trong vùng và các vùng lân cận là tiểu thương hoặc người bán hàng rong thường mua lại hàng từ các tiểu thương trong chợ Cốc Lếu như bánh kẹo, thuốc lá, café sang bán rong tại khu vực cửa khẩu. Một bộ phận TNTS khác mua móc chìa khóa, đồ lưu niệm nhỏ bán rong quanh khu vực thành phố Lào Cai. Bộ phận người thiểu số khác mua gạo, thịt lợn và nguyên liệu khác của các tiểu thương ở khu bán lương thực thực phẩm ở chợ B về làm bánh dân tộc mang sang bên kia Trung Quốc bán. Có một số người thiểu số thiếu vốn đi buôn hoặc không bán hết hàng, chưa kịp thu lại vốn thì các tiểu thương cho nợ lại tiền vốn vài ngày thậm chí lâu hơn nhưng các TNTS phải đúng hẹn và xây dựng được lòng tin với người bán hàng.

Hàng ngày, các tiểu thương ở chợ mua rau, gạo, cá, gà… và một số hàng hóa khác của các TNTS bán hàng rong ở khu đường Hồng Hà hoặc phía ngoài cổng chợ B, chợ cóc. Các tiểu thương thích mua hàng của các TNTS vì hàng tươi và ngon hơn so với thực phẩm và rau cỏ mang từ Trung Quốc về. Một số người Giáy, Hà Nhì từ Đồng Tuyển, Hợp Thành (tp Lào Cai) và Cốc San (huyện Bát Xát) có quan hệ bạn hàng lâu dài với các tiểu thương trong chợ. Họ thường mang rau hoặc gạo vào tận chợ bán cho tiểu thương, để giữ mối quan hệ lâu dài, các TNTS còn để tiểu thương nợ lại tiền hàng vài ngày mới trả hoặc các TNTS còn tặng thêm cho các tiểu thương những sản phẩm của gia đình mình như hoa quả hoặc rau gia vị… để tăng thêm sự thân thiết…

Trong quá trình trao đổi hàng hóa, các TNTS cũng học hỏi cách ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống và buôn bán của các tiểu thương, ngược lại, các tiểu thương cũng học từ các TNTS đức tính thật thà, thẳng thắn… Ở đây, mối quan chính diễn ra giữa các tiểu thương người Việt với các TNTS là tiểu thương hoặc người bán hàng rong.

70

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 68 - 70)