Lịch sử hình thành

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 32 - 35)

Dưới thời vua Minh Mạng, đơn vị hành chính tỉnh lần đầu tiên xuất hiện là các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn. Lúc này, tỉnh Lào Cai chưa xuất hiện nhưng phần đất thuộc tỉnh Lào Cai hiện nay thuộc tỉnh Hưng Hóa (Nguyễn Hữu Tâm, 2007).

Theo nguồn thư tịch cũ như Hưng Hóa phong thổ lục của Hoàng Trọng Chính,

Hưng Hóa ký lược của Phạm Thận Duật, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chưa thấy chép đến địa danh Lào Kay. Các châu Thủy Vỹ, Bảo Thắng và Văn Bàn đều thuộc tỉnh Hưng Hóa, trong đó, châu Thủy Vỹ là địa bàn chính của tỉnh Lào Cai sau này.

Ngày 12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định số 288 chuyển đạo quan binh số 4 Lào Cai, chuyển Lào Cai sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai gồm 3 trung tâm: Bắc Hà, Cốc Lếu, Phong Thổ. Đến ngày 1/2/1908, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển xã Xuân Quang và một phần xã Khảo Bàn, xã Xuân Giao từ tỉnh Yên Bái sát nhập vào tỉnh Lào Cai. Thời điểm này, tỉnh Lào Cai hình thành bộ máy hành chính từ tỉnh xuống tới xã và làng bản.

33

Từ rất sớm, người Pháp đã sử dụng danh từ “Lào Kay” trong các văn bản và con dấu. Khi đọc, người Việt biến âm theo tiếng Việt “Lào Kay” thành Lào Cai, trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai.

Về tên gọi Lào Cai, các nhà khoa học đã có những kiến giải khác nhau. Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, tên gọi Lào Cai bắt nguồn từ “Lão Nhai”, khi làm bản đồ, người Pháp viết “Lao Cai” thành “Lào Kay”. “Lão”, hay “Lạo” là tên của một tộc người, như vậy cách thích nghĩa “Lão Nhai” là phố của người bộ tộc Lão, Lạo. Vùng đất phường Cốc Lếu hiện nay, trước kia có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ đông đúc người đến đây tụ họp và tên chợ được lấy tên chính mảnh đất mà nó đang diễn ra. Vì thế, phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai (老街, tức Phố Cũ). Sau này, người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai (新街, Phố Mới ngày nay). Từ đó có thể khẳng định rằng, tên gọi Lào Cai hiện nay bắt nguồn từ tên “Lao Kàu” xuất hiện từ năm 1872 và cũng có thể xuất hiện sớm hơn (Vũ Huy Phúc, 2007).

Trong chính sử triều Nguyễn chép địa danh Bảo Thắng thì tài liệu Pháp bắt đầu dùng từ “Lao Kàu” để chỉ phố Bảo Thắng. Trải qua một thời gian dài, nhất là sau khi Pháp đã đặt xong chế độ bảo hộ đối với Trung và Bắc Kỳ, danh từ “Lao Kàu” chính thức được dùng, còn Bảo Thắng để chỉ một châu hay một đồn bảo, và rồi dần dần không được dùng để chỉ phố hay thị xã “Lao Kàu”.

Về nguồn gốc của chữ “Lao Kàu”, trước hết có thể quan sát thấy rằng chữ “Lao Kàu” là một từ phiên âm, bởi lẽ chữ i hai chấm ở trên (tiếng Pháp gọi là i tréma) dùng để bắt người đọc phải đọc tách đôi chữ a và chữ i, nếu không với chữ i thường thì chữ Kai có thể đọc là Ke. Vì vậy, từ “Kàu” phải đọc là Cai, khi đó chữ Cai mới có ý nghĩa.

Dựa theo kết quả nghiên cứu của Giáo sư Đỗ Văn Ninh, Lao Cai là cách phát âm của người địa phương đọc chữ Lão Nhai (老街) có nghĩa là Phố Cũ hoặc Chợ Cũ. Người Pháp sau này cũng giải thích chữ Lao Kay là Chợ Cũ (Vieux Marché). Vậy thời Lưu Vĩnh Phúc hay đúng hơn là trước đó người dân địa phương, kể cả người Hoa và người Việt, thường gọi Bảo Thắng là Lảo Kay (như chữ Mong Kai Sin Kai, v.v...). Sau đó, người Pháp phiên âm lại cách gọi đó bằng chữ Latinh là Lao Kai hoặc Lao Kay. Người Việt dùng chữ Quốc ngữ phiên âm lại là Lào Cai để chỉ Bảo Thắng (Vũ Huy Phúc, 2007).

Hầu hết các nghiên cứu về vùng đất Lào Cai của các tác giả Ngô Vi Liễn, Đào Duy Anh đều giải thích chữ Lão Nhai bên cạnh tên Lào Cai trong các tác phẩm nổi tiếng về địa danh lịch sử của mình. Tuy nhiên có một giải thích khác về từ Lão Nhai

34

tức phố của người Lão hay người Thái (le bourg des Lao (Tai) do một chuyên gia hướng dẫn du lịch người Pháp chủ trương, có một nhánh dân tộc ít người gọi là người Lạo trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ở cuối thế kỷ XIX đã nhắc đến khi chép về phong tục Lào Kai. Bên cạnh đó, khi xem xét các vùng xung quanh Lào Kai thì thấy có nhiều địa danh tương tự Lào Cai như: Sin Kai, Si Kai, Si Ma Kai, v.v... và những từ đó chỉ có thể hiểu là Phố Mới (Sin Kai), Tây Phố (Si Kai), v.v...

Nhìn chung, có nhiều cách hiểu khác về nguồn gốc tên gọi Lào Cai nhưng phần đông các nhà nghiên cứu thiên về cách giải thích Lào Cai là phiên âm của từ Lão Nhai, có nghĩa là Phố Cũ. Vậy là tên gọi “Lao Kàu” xuất hiện nếu muộn nhất cũng từ 1872, được Việt hóa thành từ Lao Kay rồi Lào Cai. Thời xưa, Lào Cai là một căn cứ trao đổi hàng hóa, buôn bán giữa người Hoa (Trung Quốc) với cư dân Việt và các TNTS khác trong vùng.

Năm 1907, Pháp lập tỉnh Lào Cai, gồm châu Thủy Vĩ và châu Bảo Thắng. Đến năm 1945, Lào Cai là một trong 23 tỉnh thuộc Bắc Kỳ.

Tháng 12 năm 1975, Lào Cai sát nhập cùng Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Ngày 1 - 10 - 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập gồm 9 đơn vị hành chính, gồm thị xã Lào Cai và 8 huyện (Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Than Uyên), ngày 20 - 6 - 1992 lập lại thị xã Cam Đường, ngày 18 - 8 - 2000 tách huyện Bắc Hà thành 2 huyện là Bắc Hà và Si Ma Cai.

Từ đó đến nay, Lào Cai trở thành một trong những trọng điểm phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch ở vùng Đông Bắc nước ta.

2.1.3.Thành phần tộc người

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009, toàn tỉnh Lào Cai có 614.595 người, mật độ dân số 98 người/km2. Đến năm 2010, dân số thành phố Lào Cai có 101.200 người, mật độ dân số 440 người/km2. Lào Cai là địa bàn tụ cư của 25 tộc người, trong đó, các TNTS chiếm trên 64% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc dân Việt (chiếm 35,9% dân số toàn tỉnh), dân tộc Hmông (chiếm 22,21%), dân tộc Tày (chiếm 15,84%), dân tộc Dao (chiếm 15,05%), dân tộc Giáy (chiếm 4,7%), dân tộc Nùng (chiếm 4,4%), Phù Lá, Sán Chay, Hà Nhì và La Chí… chiếm tỷ lệ thấp hơn (Nguồn: Số liệu thống kê năm 2008 của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai). Bên cạnh các tộc người trên, Lào Cai là địa bàn tụ cư của người Hoa, có một bộ phận người

35

Hoa tự nhận là người Hoa bản địa và một bộ phận người Hoa gốc Hán, họ có mặt ở Lào Cai từ sớm, đến năm 1979, số người này đã trở về quê cũ ở bên kia biên giới.

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Lê (2010), trong số 56 dân tộc của Trung Quốc có 12 dân tộc xuyên biên giới Việt - Trung gồm: Zhuang, Han, Dai, Buyi , Miao, Yao, Yi, Hani, Lahu, Kelao, Jing, Hui. Đáng lưu ý là tất cả các dân tộc này đều có mặt ở Việt Nam nhưng lại được gọi bằng các tộc danh khác nhau. Các nhà khoa học Việt Nam dường như chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu các dân tộc xuyên biên giới nên chưa đưa ra được một danh mục cụ thể. Nguyễn Chí Huyên, Hoàng Hoa Toàn và Lương Văn Bảo (2000) đã tập hợp một số bài viết để mang lại một cái nhìn khái quát về nguồn gốc lịch sử các tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam nhưng không đưa ra môt danh mục xác định, trong khi thông tin về các đồng tộc của họ phía bên kia biên giới ít ỏi và chưa được cập nhật. Dựa trên các tài liệu mô tả dân tộc học có sẵn ở Việt Nam, chúng ta có thể xác định được 26 trong số 54 dân tộc có địa bàn cư trú xuyên biên giới Việt - Trung, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao, La Hủ, Cờ Lao, Chăm, Lự, Bố Y, Giáy, Hoa (Hán), Ngái, Lô Lô, Phù Lá, Pà Thẻn, Sán Dìu, Hà Nhì, Si La, Cống, Pu Péo, La Chí, Sán Chay, Mảng...; trong số này, có những tộc người có dân số đông như người Kinh (Việt), Tày, Nùng, Thái, Hmông, Dao, và Hoa nhưng cũng có những nhóm rất nhỏ với tổng dân số chỉ dưới một ngàn người như Pu Péo và Si-La.

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 32 - 35)