KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Kết luận

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 102 - 106)

Kết luận

1. Chợ Cốc Lếu là trung tâm giao thương sầm uất nằm trong mạng lưới chợ vùng biên tỉnh Lào Cai. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, chợ Cốc Lếu đều phát huy được vai trò địa kinh tế của mình trong hoạt động thương mại ở vùng biên. Chợ nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, sát với cửa khẩu quốc tế Lào Cai lại có hệ thống đường giao thông và đường sắt thuận lợi cho việc thông thương với biên giới Trung Quốc, đây là vừa nơi tập kết hàng hóa từ các vùng lân cận tới, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa sang bên kia biên giới và từ bên kia biên giới vào thị trường nội địa. Hàng hóa ở chợ Cốc Lếu được phân phối và lan tỏa tới hầu khắp hệ thống chợ trong vùng, thậm chí đến các chợ khác trong cả nước.

Kể từ sau năm 1991, chính sách mở cửa vùng biên giới Việt - Trung được thực thi đã tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động kinh tế vùng biên phát triển. Từ đây, chợ Cốc Lếu trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất, đóng vai trò chi phối và điều tiết nguồn hàng cho cả hệ thống chợ trong vùng, đồng thời là nơi thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế tới tham quan và mua bán hàng hóa. Quá trình phát triển của chợ Cốc Lếu đã thu hút lượng lớn tiểu thương từ ngoại tỉnh về đây mưu sinh buôn bán. Sự thay thế của người Việt với người Hoa và các TNTS, người Việt trở thành chủ thể chính và thành phần tộc người đông nhất ở chợ, đây là điểm nổi bật nhất trong cơ cấu tộc người ở chợ Cốc Lếu. Các TNTS từ chỗ là chủ nhân của chợ đã trở thành khách hàng của chợ. Số lượng các tiểu thương từ mọi miền đất nước tập trung về đây buôn bán đã khẳng định được vị thế chiến lược quan trọng của chợ Cốc Lếu ở vùng biên Lào Cai.

2. Ở vùng biên giới Lào Cai, chợ Cốc Lếu đã khẳng định được vị thế đặc biệt của mình từ rất sớm trong lịch sử, vừa là nơi hội tụ vừa lan tỏa các yếu tố kinh tế - xã hội. Trải qua quá trình phát triển đã làm thay đổi diện mạo chợ Cốc Lếu với hệ thống cơ cấu hàng hóa, kiến trúc và thành phần tộc người. Không chỉ vậy, với tính chất là chợ trung tâm vùng nên thu hút một lượng lớn các TNTS trong vùng, vùng lân cận và một lượng lớn người di cư đến từ nhiều địa phương khác, tạo nên sự đa dạng trong bức tranh tộc người và quan hệ xã hội trong cộng đồng. Qua phân tích các mối quan hệ của các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về MLXH, giúp các tiểu thương tồn tại, cũng như thấy được sự liên kết và những

103

mối liên hệ khác nhau trong nghề nghiệp của họ. Có thể khẳng định rằng, các yếu tố trong QHTN tác động không nhỏ đến hoạt động giao thương của các tiểu thương.

Trong hệ thống các quan hệ của các tiểu thương, đa số họ phải duy trì mối quan hệ vốn có và tiếp tục xây dựng những liên hệ, liên kết với bạn hàng. Ở chợ Cốc Lếu, mối quan hệ giữa TNTS với nhau có từ rất sớm trong lịch sử và duy trì đến nay. Đó là quan hệ mang tính chất láng giềng, cụ thể thông qua quan hệ giữa tộc người ở vùng này với tộc người ở vùng khác. Ở khía cạnh buôn bán và trao đổi, các tộc người giữ tính độc lập riêng và hòa hợp lẫn nhau để hòa hợp, xích lại gần nhau nhưng vẫn giữ được bản sắc tộc người. Tiếp đến là mối quan hệ trong nội bộ tộc người, thông qua các mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản…; trong đó, các yếu tố về kinh tế vừa là thành tố văn hóa tộc người vừa là nhân tố cố kết các thành viên tộc người để phân biệt với các tộc người khác. Mỗi tộc người đều có đặc trưng riêng trong giao thương tạo nên tính đa dạng trong môi trường kinh doanh ở vùng biên. Do vậy, cần nâng cao ý thức của các tộc người để phát huy được các thành tố quan trọng trong quan hệ xã hội ở các tộc người. Mối QHTN đa số (người Việt) và các TNTS là mối quan hệ mang tính phổ biến trong lĩnh vực trao đổi, buôn bán. Tộc người Việt có vai trò to lớn, là nòng cốt trong tiến trình phát triển các quan hệ mua và bán ở chợ. Đây là mối quan hệ cơ bản trong quan hệ tộc tộc người ở nước ta nói chung và ở chợ Cốc Lếu nói riêng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội ở vùng biên giới Lào Cai. Những mối QHTN trên có vai trò, vị trí và tầm quan trọng khác nhau trong quá trình hình thành và vận hành MLXH của các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu. Do vậy, các mối QHTN trên cần được coi trọng và phát huy có hiệu quả.

Như vậy, các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu đã xây dựng quan hệ bạn hàng với các chợ tỉnh và chợ vùng biên tỉnh Lào cai thông qua các mối liên hệ và trao đổi hàng hóa; đồng thời, họ phát huy được các mối QHTN vốn có để hình thành MLXH trong kinh doanh. Thông qua mối quan hệ của những người bán hàng trong chợ, người mua và người bán đã giúp các tiểu thương liên kết chặt chẽ hơn trong nghề nghiệp.

3. Quan hệ dân tộc xuyên biên giới đang diễn ra ở chiều cạnh kinh tế chủ yếu trong trao đổi, mua bán hàng hóa mà phần lớn diễn ra giữa người Việt với người Hoa, người Việt với các TNTS, người Hoa với các TNTS. Mối quan hệ giữa các tiểu thương, người buôn bán nhỏ trong điều kiện phát triển kinh tế vùng biên giới đã thúc đẩy hoạt động buôn bán, giao thương của các tộc người khá đa dạng. Dưới tác động

104

thị trường vùng biên, tại khu vực biên giới đã xuất hiện những nhóm các TNTS tham gia vào hoạt động buôn bán. Đây là nét khác biệt của các TNTS ở gần biên giới so với các TNTS cư trú ở các khu vực khác. Việc xuất hiện nhóm các TNTS buôn bán nhỏ này chủ yếu do tác động của môi trường và điều kiện cư trú.

Sự phát triển của chợ Cốc Lếu và hoạt động kinh tế thương mại vùng biên giúp cho các tộc người tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giao thương hàng hóa gắn kết các QHTN giữa các tộc người ở nước ta và các tộc người bên kia biên giới. QHTN giữa các tộc người ở chợ vùng biên càng được thắt chặt góp phần hình thành mạng lưới quan hệ xã hội của các tiểu thương càng vững chắc. Có thể nói, QHTN đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và vận hành của MLXH của các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, sự quản lý và điều hành các chính sách biên mậu linh hoạt, phù hợp giúp chính quyền và cư dân, các tiểu thương vùng biên giới thuận tiện hơn trong buôn bán, qua đó, chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý tốt hơn các hoạt động trao đổi buôn bán ở vùng biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Thứ hai, chợ vùng biên là địa bàn chiến lược trọng yếu về an ninh quốc gia, là địa bàn cộng cư của nhiều tộc người, là nơi rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị, kinh tế. Vì vậy, cần tổ chức và xây dựng một môi trường kinh tế nhân văn cho các tộc người vùng biên theo đúng nghĩa của nó là việc làm thiết thực. Cho nên, các cấp chính quyền cần nắm vững đặc điểm kinh tế - xã hội - văn hóa ở vùng biên giới tỉnh Lào Cai nhằm quy hoạch, thiết kế xây dựng chợ vùng cao biên giới phù hợp. Chợ không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, do đó, càng phải chú trọng đặc điểm văn hóa, bản sắc văn hóa chợ vùng cao. Chợ vùng cao biên giới có vẻ đẹp riêng, hài hòa với môi trường tự nhiên và xã hội với trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Do đó, không nên thiết kế xây dựng chợ vùng biên một cách đại trà, dập khuôn máy móc giống như ở đồng bằng. Ở một số xã của các TNTS cần khuyến khích đồng bào tích cực tham gia kinh doanh các mặt hàng truyền thống của tộc người mình làm phong phú hàng hóa du lịch trong không gian xã hội vùng biên giới.

Thứ ba, cần có cơ chế khuyến khích, giúp đỡ cư dân địa phương, đặc biệt là các TNTS tham gia vào các hoạt động thương mại ở biên mậu thông qua các hình thức nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế, giao thương và buôn bán hàng hóa, giúp đỡ về vốn, kiến thức, ngôn ngữ, kinh nghiệm và nghệ thuật trong kinh doanh

105

cho các TNTS, đặc biệt là nhóm các TNTS bị mất đất hoặc thiếu tư liệu sản xuất. Tận dụng ưu thế về văn hóa của các TNTS để phát triển du lịch và hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ và trung tâm thương mại ở vùng biên. Tuy nhiên, cần chú ý đến những tác động tiêu cực của du lịch và kinh doanh đến đặc trưng văn hóa của các TNTS để có kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Thứ tư, nâng cao nhận thức và văn hóa kinh doanh cho các tiểu thương và người buôn bán nhỏ nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thứ năm, tăng cường và chủ động trong quan hệ kinh tế xuyên biên giới nhằm phát triển đời sống kinh tế các ở vùng biên, song, tránh tình trạng lệ thuộc vào nền kinh tế các tộc người khác bên kia biên giới.

Cuối cùng, nếu coi hoạt động kinh doanh, buôn bán và trao đổi hàng hóa là nhu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những tiền đề quan trọng trong phát triển bền vững vùng biên giới thì cần phải có một chính sách phù hợp, trợ giúp những người buôn bán nhỏ, đặc biệt là các TNTS cần thu hẹp khoảng cách giữa những tiểu thương người Việt và các TNTS trong kinh doanh buôn bán. Khuyến khích và hỗ trợ các TNTS trong buôn bán, trao đổi hàng hóa là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới tỉnh Lào Cai. Ngoài ra hệ thống chợ biên giới với sự năng động của thương nhân người Hoa và người Việt cũng có vai trò lớn lao trong thúc đẩy giao lưu kinh tế. Tuy nhiên, hệ lụy của một vùng biên mở và đang phát triển quá nóng là cửa ngõ cho các yếu tố văn hóa mới ngoại lai được du nhập, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền văn hóa truyền thống của khu vực. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vùng biên cũng kéo theo những tệ nạn xã hội và các vấn đề khác như ma túy, buôn lậu, mại dâm và đặt công tác an ninh trật tự của biên giới trước những thách thức gay gắt.

106

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 102 - 106)