Cấu trúc của chợ Cốc Lếu

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 45 - 49)

Hiện nay, chợ Cốc Lếu gồm 2 khu: khu A và khu B, được ngăn cách bởi đường Hồng Hà, đoạn đường chạy dọc từ đầu cầu Cốc Lếu xuống phía cuối đường kéo dài ra tới đường Hoàng Liên mới. Chợ khu A có diện tích 7500m2

gồm 2 tầng, phía trước mặt chợ giáp đường Cốc Lếu, phía sau giáp đường Hồng Hà, phía Tây giáp đường Hòa An, gần nhà thờ Lào Cai. Chợ B có diện tích 2500m2 gồm 3 tầng, phía Tây và phía Đông khu chợ giáp với khu dân cư, phía trước mặt giáp đường Hồng Hà, phía sau giáp bờ sông Hồng. Từ khu A chợ Cốc Lếu theo đường Cốc Lếu rẽ tay phải ra đường Hoàng Sào cũ đi khoảng 40m đến cầu Cốc Lếu và từ khu A chợ Cốc Lếu đến cầu Cốc Lếu rẽ tay trái đến trung tâm cửa khẩu Quốc tế Lào Cai khoảng 500m. Từ chợ Cốc Lếu đến ga Lào Cai theo đường Hoàng Sào qua cầu Cốc Lếu rẽ tay phải ra đường Kim Tân khoảng 3km.

Tầng 1 khu chợ A có 400 hộ và tầng 2 có khoảng 280 hộ kinh doanh, phía hành lang trước chợ có khoảng 15 quầy hàng sửa chữa và đánh chìa khóa, đánh giầy, bán dây lưng, 01 quầy bán bánh rán, diện tích trước cửa sân chợ từ hành lang đến giáp đường Cốc Lếu là nơi trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô. Phía giáp đường Cốc Lếu ở cổng lối rẽ vào có 3 quầy bán xổ số và một số người đi xe ôm. Trên đường Cốc Lếu gần cổng chợ, phía đầu đường có 01 siêu thị gia đình, tiếp đó, các quầy bán quần áo

46

chất lượng cao, quầy bán đồng hồ, tiếp đến là trụ sở Công ty xổ số, trụ sở Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai. Từ cổng chợ nhìn ra, bên phải chợ là một dãy các cửa hàng vàng bạc, cạnh hành lang phía Tây chợ là một số quầy bán hàng giải khát, quầy khâu giầy dép cũ, quầy sửa chữa máy nổ và một số quầy bán hàng bánh kẹo. Khu hành lang phía Đông có 1 quầy bán điện thoại, 2 quầy bán đồ lễ, 02 quầy bán đồ hàng xén (gạo, mắm muối, đồ khô, hành khô, chanh, đỗ….). Phía cổng sau chợ A có 1 bãi trông xe phụ.

Vào chợ A, khách hàng có thể đi vào 5 hướng cổng khác nhau. Cổng chính là lối vào phía đường Cốc Lếu, cổng thứ 2 ở phía Tây đường Hòa An, cổng thứ 3 phía Đông - đối diện cổng nhà thờ, cổng phía sau giáp đường Hồng Hà có 2 lối vào, phía cổng gần Đội thuế chợ, phía cổng phụ gần trụ sở Ban quản lý chợ.

Khu chợ A có 2 tầng:

Tầng 1 có 240 quầy hàng chia thành 12 ngành hàng: hàng ăn uống có 13 quầy; hàng sắt có 7 quầy; hàng đồ chơi trẻ em có 12 quầy; hàng thuốc Bắc có 14 quầy; hàng văn phòng phẩm có 8 quầy; khu quầy bán vàng bạc, đá quý, đồng hồ điện thoại có 18 quầy; khu vực bán đồ lưu niệm 34 quầy; khu vực bán hoa quả có 10 quầy; khu vực bán hàng giải khát có 22 quầy; khu vực bán mành, rèm, chiếu trúc có 3 quầy; khu vực bán hàng thủ công mỹ nghệ có 44 quầy; khu vực bán đồ điện có 47 quầy.

Tầng 2 chợ A có 132 quầy bán quần áo các loại (trẻ em, người lớn, người già, quần áo mùa hè, mùa đông), chăn, màn, giầy dép, dây lưng, ví da.

Khu chợ B có 3 tầng, tầng 1 có 120 hộ kinh doanh; tầng 2 có 100 hộ, tầng 3 có hơn 100 hộ kinh doanh. Phía sân trước chợ là bãi trông xe. Phía trong cùng chợ tầng 1 là khu để xe của người đi chợ và xe chở hàng.

Vào chợ B có 3 cổng chính, cổng thứ 1 đi từ đầu đường Hồng Hà vào khoảng 30m rẽ tay phải vào chợ xuống tầng 1, theo hướng thẳng đi từ cổng vào xuống bờ sông có 2 dãy hàng bán đồ hải sản tôm, cua, cá, phía trong cùng bán gà sống và gà đã giết mổ; cổng thứ 2 đối diện với tòa nhà Ban quản lý chợ, từ cổng vào xuống phía bờ sông là dãy hàng bán rau, cổng thứ 3, hướng chính diện, cổng chính vào chợ, cửa nhìn ra đường Hồng Hà, ở chính giữa hai cổng vào tầng 1, cổng chính vào tầng 2 chợ.

Khu chợ B có 3 tầng:

Tầng 1 có 224 quầy, chia thành các khu vực bán hàng hóa khác nhau; khu vực bán đồ đông lạnh có 12 quầy; khu vực bán trứng gà, trứng vịt có 10 quầy; thực phẩm đồ khô có 6 quầy; khu bán rau củ quả có 76 quầy; khu vực bán thịt chó có 2 quầy; khu vực bán thức ăn chín có 24 quầy; khu vực bán thịt lợn có 43 quầy; khu vực bán

47

thịt bò có 8 quầy; khu vực bán gà mổ có 13 quầy; khu vực bán cá tươi có 9 quầy, hàng cá tạp có 12 quầy.

Tầng 2 có 62 quầy; chia thành các khu vực bán hàng khác nhau; khu vực bán đồ hàng khô, vàng mã 12 quầy; khu vực bán giầy dép, cặp xách, cặp số 30 quầy; khu vực bán hàng nhôm nhựa, sành sứ thủy tinh có 20 quầy.

Tầng 3 có 60 quầy, bán các mặt hàng bách hóa tổng hợp như quần áo, giày dép, túi, ví, ba lô, và một số đồ lưu niệm nhỏ…

Chợ Cốc Lếu ở vị trí đắc địa, gần sông, gần đường biên giới, gần cửa khẩu, gần ga tàu, đây là vị trí thuận lợi cho việc giao thương buôn bán trong nội địa và qua biên giới. Hàng ngày, chợ Cốc Lếu đón một lượng lớn khách du lịch tới tham quan cửa khẩu, sau đó tới chơi chợ, mua đồ lưu niệm hoặc khách du lịch từ Sa Pa xuống Lào Cai, tranh thủ thời gian chờ tàu vào buổi tối, họ thường vào chơi chợ Cốc Lếu. “Chợ Cốc Lếu đặt ở vị trí thuận lợi, nhiều khách tới chợ, nhất là khách du lịch, ở quanh khu vực thành phố Lào Cai có chợ Kim Tân, chợ Nguyễn Du… nhưng du khách thích tới chợ Cốc Lếu hơn vì tiện một tuyến đường qua thăm cửa khẩu, rẽ qua chợ Cốc Lếu. Ngoài ra, chợ Cốc Lếu là chợ lớn, nổi tiếng và có từ lâu đời ở vùng này, chợ còn có duyên và những nét đặc trưng riêng nên du khách rất thích đến chợ” - PV anh Nguyễn Văn Ph, 36 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, ngày pv 10/9/2010.

Các tiểu thương trong chợ chủ yếu là người Việt ở miền xuôi, có truyền thống đi buôn bán, đây là một trong những yếu tố khác với các chợ khác trong vùng. Phần lớn họ là những thị dân quanh thành phố Lào Cai. Các tiểu thương người Việt đã phát huy được sự năng động, nhạy bén ở chợ, đã thúc đẩy môi trường giao thương ở chợ Cốc Lếu sôi động hơn, hàng hóa đa dạng hơn, không chỉ có hàng Trung Quốc, hàng có nguồn gốc từ miền xuôi ở chợ cũng khá phong phú.

Ở chợ, các ngành hàng được bố trí thành từng khu vực riêng. Với vị trí địa lý như vậy, chợ Cốc Lếu đã trở thành trung tâm mua bán trao đổi hàng hóa sôi động ở ven biên giới.

Hàng hóa ở chợ Cốc Lếu rất đa dạng, phong phú, nhiều mặt hàng khác nhau, với mục đích chính là phục vụ khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài, khách địa phương, khách du lịch Trung Quốc. Mỗi ngành hàng khác nhau lại hướng tới những đối tượng khách hàng khác nhau. “Khách du lịch Trung Quốc sang chợ Cốc Lếu thích mua hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thuốc lá, bánh kẹo, cà phê Việt Nam. Khách du lịch trong nước thích mua đồ điện tử, quần áo, điện thoại, thuốc Bắc, túi xách, bánh kẹo và hoa quả khô, đồ chơi trẻ em, một số đồ lưu niệm nhỏ như đồng hồ, đèn phin, gương, bật lửa, ô, cần câu cá, máy cạo râu… Nhiều khách du lịch trong nước thích mua thuốc Bắc, một số khách du lịch miền Nam thích mua hoa quả

48

khô như táo mèo, hạnh nhân, chuối hột khô…” (Phỏng vấn chị Trần Thị N. Bán đồ điện, khu A, tầng 1, chợ Cốc Lếu, ngày PV. 20/12/2010).

Hầu hết, các mặt hàng ở chợ Cốc Lếu đều mang những tính chất đặc trưng riêng, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc như đồ điện tử, hàng sắt, đồ chơi trẻ em, điện thoại, chiếu trúc mành, hoa quả… Một số ngành hàng có nguồn gốc Việt Nam như hàng thủ công mỹ nghệ, một số ít hàng điện tử, hàng bánh kẹo, thuốc lá, cà phê, một số loại thuốc Bắc…

Các quầy hàng có diện tích khác nhau từ 1,88m2; 2,3m2; 2,61m2; 3,13m2; 3,5m2; 5,46m2; 8,22m2; 8,57m2; 9m2; 9,72m2; một số ít quầy có diện tích 12m2, một số quầy có diện tích lớn thường được chia thành 2 gian khác nhau… Các tiểu thương bán hàng trong chợ đều thuê lại quầy của Ban quản lý chợ. Tại chợ B, mức giá thuê quầy được căn cứ vào quyết định 498/QĐ-UB ngày 10/10/2003 của UBND tỉnh Lào Cai về việc quy định mức giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ B Cốc Lếu như sau: đối với tầng 1 chợ B là 36.000 đồng/1m2/1 tháng; đối với tầng 2 chợ B là 44.000 đồng/1m2/1 tháng; đối với tầng 3 là 36.000 đồng/1m2/1 tháng (Hệ số điều chỉnh tăng không quá 1,2 lần mức giá sàn quy định) (Phỏng vấn ông Trần Văn L. Trưởng Ban quản lý chợ Cốc Lếu, ngày PV20/12/2010).

Bên ngoài chợ có một dãy hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, một số người bán xổ số. Ngoài cổng chợ B, phía sau chợ A kéo dài xuống đường Hồng Hà người bán hàng rong thường họp chợ vào buổi chiều, họ bán các loại hàng rau, thịt gà, thịt bò, cá, tôm, hoa quả, hàng ăn… Bán hàng tại khu vực này chủ yếu là những người bán hàng rong ở quanh chợ hoặc khu vực đường Hồng Hà, đường Cốc Lếu... Họ không có cửa hàng do không có tiền thuê quầy hoặc không thuê được quầy trong chợ. Họ bán hàng rong ngoài đường, đến buổi chiều lại tập trung về cổng chợ B gần nhà thờ. Bán hàng ở khu vực này họ vẫn phải đóng tiền vé chợ, 5.000 đồng/1 người bán/1 ngày. Mặc dù việc bán hàng ở đây phải đóng phí vệ sinh cho Ban quản lý chợ nhưng hàng ngày, người bán hàng vẫn thường xuyên bị đội trật tự công an phường Cốc Lếu tới thu hàng và nhắc nhở về việc bán hàng. Thời gian từ lúc 3h chiều đến khoảng 5h chiều người bán hàng thường bán trên vỉa hè hoặc bên lề hàng rào của nhà thờ Cốc Lếu, sau 5h chiều khi đội trật tự trở về, người bán hàng đổ xuống lòng đường bán hàng. Những hàng hóa thực phẩm rau cỏ bán ở bên ngoài cổng chợ B phục vụ chính những người bán hàng trong chợ Cốc Lếu. “Mua thức ăn rau cỏ ở ngoài chợ tiện hơn và đỡ mất thời gian hơn, buổi chiều tạt qua cổng chợ có thể đi xe máy vào rồi đi ra, tiện hơn vào khu tầng 1 khu B chợ Cốc Lếu” Phỏng vấn chị Nguyễn Thị L, bán hàng đồ điện, khu A chợ Cốc Lếu, ngày pv 25/11/2010.

49

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 45 - 49)