Một số yếu tố kinh tế xã hội khác tác động tới chợ vùng biên

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 40 - 43)

Ảnh hưởng của chiến tranh biên giới năm 1979 đã có tác động lớn tới toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống kinh tế và dân cư vùng biên giới Lào Cai. Đặc biệt là việc người Hoa rời khỏi khu vực gần biên giới Lào Cai, lúc này, vai trò của người Hoa trong hoạt động buôn bán suy giảm dần, hầu như mọi hoạt động thương mại buôn bán tạm thời ngưng trệ. Thời điểm này, sự hiện diện của nền kinh tế kế hoạch hóa làm cho hoạt động trao đổi hàng hóa giảm sút. Từ năm 1979 chợ vùng biên vẫn tồn tại, song chỉ mang tính chất đơn thuần, chợ là nơi trao đổi hàng hóa phục vụ cư

41

dân địa phương. Lúc này, hoạt động kinh tế hàng hóa và giao lưu văn hóa tộc người gặp nhiều khó khăn.

Sau năm 1979, hưởng ứng phong trào di dân xây dựng vùng kinh tế mới của nhà nước, người Việt ở miền xuôi đã tăng cường chuyển cư lên miền núi. Sự hiện diện của các nhóm người Việt ở miền xuôi từ các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình… lên xây dựng kinh tế mới, cùng với nhu cầu trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới từng bước thúc đẩy hoạt động giao thương ở khu vực này. Cùng thời điểm này, số người Việt có mặt ở Lào Cai trước 1979, tạm gọi là người Lào Cai gốc, đang quay trở lại Lào Cai xây dựng cuộc sống mới. Người Việt đang dần thay thế vai trò của người Hoa trong hoạt động buôn bán, trao đổi ở vùng biên, đồng thời, họ tích cực tham gia vào quá trình phục hồi và xây dựng kinh tế ở đây.

Ngày 12 - 8 - 1991, Quốc hội Việt Nam khóa VII phê chuẩn việc chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Yên Bái và Lào Cai. Tỉnh Lào Cai được tái lập với diện tích 7.500 km2, với dân số 470.000 người. Kể từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, Lào Cai là địa bàn hấp dẫn cư dân từ khắp nơi trong cả nước về đây làm ăn sinh sống. Đến với Lào Cai chủ yếu là cư dân miền xuôi, ngoài việc tìm kế mưu sinh, họ còn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Nhiều người Việt ở miền xuôi lên Lào Cai định cư đã nhận xét rằng “Ở Lào Cai sống và làm ăn đều thuận lợi hơn miền xuôi. Vì ở đây có cửa khẩu nên buôn bán, kiếm sống dễ dàng hơn. Cuộc sống dễ chịu hơn, làm kinh tế tốt hơn”.

Sau khi quan hệ Việt - Trung chính thức bình thường hóa trở lại, trên tuyến biên giới Việt - Trung có vô số các chợ tập trung và các con đường lớn nhỏ, dân cư hai bên đã buôn bán tự phát với nhau tạo nên môi trường thương mại và trao đổi quốc tế dọc biên giới hết sức sôi động. Sau khi ban bố chỉ thị số 98 về mở cửa các cửa khẩu vùng biên giới, biên giới Việt - Trung có chính thức 21 cặp cửa khẩu được mở ra. Buôn bán thương mại qua các cửa khẩu này đã từng bước được khôi phục. Trước hoàn cảnh đó, để phù hợp với tình hình thực tế và những điều kiện có lợi khi phát triển thương mại vùng biên, chính phủ Việt Nam theo đó đã lần lượt ban hành nhiều quy định pháp luật về buôn bán qua cửa khẩu, một trong những chính sách quan trọng nhất đó chính là chính sách thành lập các khu kinh tế cửa khẩu (Nguyễn Thị Lê, 2010, tr 106, 107).

Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc vùng biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc được ký kết ngày 7 - 11 - 1991 đã đề ra một số nội dung của chính sách mở cửa vùng biên và chính sách xây dựng kinh tế vùng biên. Trong văn bản này đề cập đến việc chính quyền hai nước có quyền kinh doanh mậu dịch biên giới và mậu

42

dịch địa phương tại vùng biên giới; chính quyền hai nước đồng ý mở cửa điểm chợ qua lại biên giới và chợ biên giới tại các thị xã, thị trấn dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc; những hàng hóa trao đổi và phương tiện vận tải trong mậu dịch xuất nhập khẩu của hai bên cần có giấy phép của nhà chức trách chủ quản mỗi bên và phù hợp với quy định và pháp luật liên quan của Hải quan và các ngành kiểm tra kiểm nghiệm khác của mỗi bên; đồng thời trong văn bản này cũng ghi rõ bốn cặp cửa khẩu: Đồng Đăng - Bằng Tường, Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái - Đông Hưng và Lào Cai - Hà Khẩu sẽ mở cửa cho những người mang hộ chiếu có thị thực xuất nhập cảnh và những người mang giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc quá cảnh của nước thứ 3 cũng như các hàng hóa mậu dịch; ngoài các cửa khẩu nêu trên, hiện nay trên tuyến biên giới Việt Trung còn có 59 đường mòn biên giới và 13 chợ biên giới đã được mở cửa để phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế và qua lại giữa hai nước. Cư dân buôn bán ở biên giới được hưởng lợi từ các chính sách, nghị định của Chính phủ, đây là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế vùng biên giới của tỉnh Lào Cai. Đặc biệt từ:

- Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCT-BTC-BGTVT-BNN& PTNT- BYT-NHNN ngày 31-1-2008 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg qui định:

+ Thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, thanh toán trong mua bán hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện bằng đồng Việt Nam (VNĐ) hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.

+ Định mức hàng hóa miễn thuế nhập khẩu không quá 2.000.000VNĐ/ 1 người/1ngày được áp dụng cho các đối tượng nếu hội đủ các tiêu chí: (1) Là cư dân biên giới Việt Nam hoặc cư dân biên giới của 3 nước có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia) qua lại biên giới xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp. (2) Hàng hóa được sản xuất tại nước có chung biên giới. Hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba không được hưởng định mức miễn thuế này.

+ Chủ thể được mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.

+ Chủ thể Việt Nam được xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới

+ Chủ hàng, người điều khiển phương tiện hàng hóa, nhân viên phục vụ trên xe, tàu, thuyền phải có một trong các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Hộ chiếu, Chứng minh thư biên giới, Giấy thông hành biên giới, hoặc các giấy tờ qua lại biên giới khác theo quy định của pháp luật (Dẫn theo Nguyễn Minh Hằng, 2003).

43

Từ chính sách mở cửa và sự tăng cường của người Việt lên vùng biên đã làm cho chợ có cơ hội hồi sinh và phát triển. Cùng với chính sách phát triển kinh tế của nhà nước ở vùng biên mậu nhằm tập trung phát triển kinh tế. Chợ Cốc Lếu là 1 trong 3 chợ nằm ở khu vực cửa khẩu lớn nhất nước ta (cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn và Lào Cai). Các yếu tố trên chứng tỏ, chợ Cốc Lếu có vị trí địa kinh tế, đặc biệt là việc nằm cạnh cửa khẩu lâu đời và lớn ở nước ta có tác động lớn tới hoạt động giao thương hàng hóa.

Đến năm 1986, nhà nước thực hiện chính sách Đổi mới, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển, trong đó hoạt động buôn bán được khuyến khích. Đặc biệt ở vùng biên giới, hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi hơn với sự hiện diện của người Việt ở miền xuôi và các loại hàng hóa được mang ra trao đổi buôn bán với cư dân nội vùng và bên kia biên giới. Chính phủ cũng mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế vùng biên nhằm khắc phục những khó khăn trong hoạt động giao thương qua biên giới.

Các yếu tố trên góp phần làm sống dậy các hoạt động buôn bán ở chợ vùng biên, chợ trở nên sầm uất, quan trọng hơn, chợ Cốc Lếu không chỉ là chợ dân sinh thông thường, cung cấp hàng hóa cho cư dân địa phương mà còn trở thành chợ đầu mối giao thương kinh tế ở miền địa đầu tổ quốc, đóng vai trò thông thương hàng hóa từ miền xuôi lên miền núi rồi sang bên kia biên giới. Từ khi chợ hồi sinh, kinh tế hàng hóa của thành phố Lào Cai phát triển sôi động, các hoạt động trao đổi hàng hóa với miền xuôi và bên kia biên giới được thúc đẩy, dòng người lao động từ khắp nơi trong cả nước đổ về đây tìm kiếm việc làm, hàng loạt các container vận chuyển hàng hóa tập trung tại cửa khẩu để xuất sang bên kia biên giới, sức sống kinh tế của thành phố Lào Cai như đang hồi sinh, trỗi dậy từng giờ, từng ngày. Nhờ có chợ, thành phố Lào Cai như đang được thăng hoa phát triển.

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 40 - 43)