Mối quan hệ giữa người buôn bán nhỏ và bạn hàng Trung Quốc

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 98 - 102)

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một số người buôn bán nhỏ có quan hệ họ hàng hoặc đồng hương với các tiểu thương trong chợ Cốc Lếu. Các tiểu thương trong chợ đã giới thiệu hoặc dẫn dắt họ theo nghề buôn bán nhỏ, giúp vốn hoặc giới thiệu bạn hàng cho người buôn bán nhỏ, một số tiểu thương cũng cho người buôn bán nhỏ có quan hệ họ hàng ở nhờ nhà hoặc cho thuê lại nhà trong thời gian đầu mới đến. Hầu hết, người buôn bán nhỏ từ miền xuôi lên đều có quan hệ họ

99

hàng hoặc quen biết từ trước, mối quan hệ này đảm bảo sự an toàn và có niềm tin chắc chắn hơn trong sự nghiệp mưu sinh phía trước của những người mới vào nghề buôn bán.

Quá trình đi buôn bán của những người buôn bán nhỏ ở chợ vùng biên giới đã mở rộng các mối quan hệ xã hội, đồng thời tăng cường liên kết với các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu. Việc buôn bán, nhất là buôn bán nhỏ của TNTS góp phần củng cố tính cộng đồng, tương trợ giữa các TNTS với nhau và với người Việt, do đặc tính của việc buôn bán, cần có kỹ năng, kỹ xảo và mạng lưới quan hệ xã hội nhằm trợ giúp nhau trong công việc, nếu trong buôn bán của các tộc người thiếu đi sự liên kết và tương trợ của cộng đồng thì gặp rất nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là thời gian đầu đi buôn, nếu không có vốn và không có quan hệ quen biết thì không bán được hàng. Bởi vậy, lúc đầu các tộc người phải liên kết nhau lại, trợ giúp nhau, giới thiệu bạn hàng, khách hàng cho nhau, dần dần, người này lại giúp người kia, người đi buôn trước lại giúp người đi buôn sau. Ví dụ điển hình nhóm người Giáy ở Bát Xát đi buôn bán hàng rong bên Hà Khẩu. Lúc đầu họ đi thành một nhóm, có một ít vốn, họ mua hàng của chủ trong chợ Cốc Lếu, tiền vốn có ít nên họ mua đủ lượng bán trong ngày, thu hồi vốn để ngày hôm sau lại lấy hàng, do làm ăn sòng phẳng lại thật thà, sau một thời gian một số tiểu thương bán bánh kẹo, thuốc lá, trà chanh cho một số TNTS mang sang bên Hà Khẩu bán rong bắt đầu tin và bán chịu hàng cho họ. Với các TNTS họ có thể trả một chút tiền trước hoặc lấy hàng đi bán rồi về trả lại tiền vốn, nhưng phải trả đúng hẹn.

Chính hoạt động buôn bán qua biên giới sôi động khiến cho mối quan hệ giữa các tiểu thương và các TNTS càng ngày càng trở nên mật thiết hơn, gắn bó hơn. Họ cùng trợ giúp nhau trong công việc buôn bán. Ngày càng có nhiều TNTS đi buôn bán ở bên kia biên giới, chính những người đi trước đã xây dựng được lòng tin và tình cảm tốt với các tiểu thương ở chợ để giới thiệu cho những người trong mạng lưới của mình cùng lấy hàng. Yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ làm ăn giữa các tiểu thương là lòng tin, khi đã tin tưởng và trở thành đối tác làm ăn lâu dài thì họ sẵn sàng cho chịu lại tiền hàng hoặc giới thiệu mối làm ăn tốt cho nhau, không chỉ đối với các TNTS mà cả với các đối tác khác. Nhưng để xây dựng được lòng tin và có quan hệ bền vững chặt chẽ lâu dài thì cần có nhiều nhân tố quan trọng, đó là sự thẳng thắn, thật thà và tuân thủ đúng quy luật trong kinh doanh. Ngoài ra, những người trong mạng lưới quan hệ cũng phải xây dựng tình cảm và sự gắn bó khăng khít với các tiểu

100

thương như giới thiệu quê quán, nhà cửa, mời thăm nhà hoặc mời tham dự các buổi lễ tết tại gia đình, tặng quà trong các dịp đặc biệt… Mặt khác, để có được lòng tin với các TNTS hoặc bạn hàng khác, các tiểu thương cũng cần biết được địa bàn cư trú ổn định của đối tác để có những mối liên lạc trực tiếp…

Như vậy, việc dựng quan hệ của người buôn bán trong kinh doanh là việc vô cùng quan trọng. Điều lưu ý trong công việc của người buôn bán nhỏ là cơ chế tin đồn và sự cạnh tranh lẫn nhau. Họ luôn giữ lòng tin và phải đúng hẹn với bạn hàng, có trường hợp cạnh tranh nhau, nói xấu nhau, ảnh hưởng đến uy tín của nhau, để có thêm nhiều khách hàng mới hoặc bán thêm được nhiều hàng. Sự hợp tác trong buôn bán với các TNTS giúp các tiểu thương ở chợ Cốc Lếu hiểu biết thêm về bạn hàng, mở rộng quan hệ và làm giàu thêm MLXH. Người Giáy ở Bát Xát và thành phố Lào Cai đã ổn định cuộc sống hơn và tìm được kế mưu sinh lâu dài nhờ việc đi buôn. Quan hệ giữa các tiểu thương và các TNTS với nhau trở nên khăng khít hơn, cả trong hoạt động kinh tế, thậm chí khi có việc như đám cưới, đám tang…

Bên cạnh nhóm người buôn bán nhỏ, một bộ phận chủ yếu là nữ giới các dân tộc Việt, Giáy, Hà Nhì, Bố Y… sang thị trấn Hà Khẩu bán hàng thuê cho các siêu thị và các cửa hàng. Điểm nổi bật nhất của hình thức bán hàng thuê là đi theo nhóm. Phần lớn thanh niên nam nữ ở khu vực biên giới, kể cả thanh niên TNTS đều học tiếng Trung Quốc, giao tiếp thành thạo để đi bán hàng ở Trung Quốc, ngoài việc bán hàng, nhóm người này cũng quen với các chủ Trung Quốc, tạo lòng tin giúp người nhà mình sang lấy hàng, chịu tiền hàng để xây dựng quan hệ lâu dài và tạo lòng tin với chủ hàng. Việc đi bán hàng ở Hà Khẩu có lương cao hơn so với buôn bán hoặc làm các công việc khác ở Việt Nam, với người đi làm lâu lương khoảng 4000 tệ/1 tháng; với người mới đi làm khoảng 500 - 1000 tệ/1 tháng.

Tiểu kết chƣơng 4

Có thể thấy rằng, mạng lưới nghề nghiệp là một thứ vốn quan trọng trong hoạt động buôn bán của các tiểu thương. Nguồn vốn này tạo nên cần có uy tín nghề nghiệp và sự ổn định trong công việc nhằm tạo nên tính bền vững dựa trên quan hệ bạn hàng. Vì vậy, các tiểu thương hoặc người buôn bán nhỏ cần và phải xây dựng mạng lưới nghề nghiệp làm giá đỡ quan trọng trong công việc của mình.

Công việc của các tiểu thương hay những người buôn bán nhỏ luôn chứa đựng đầy tính cạnh tranh, bon chen và xô đẩy để có được lợi ích cao nhất. Chính vì vậy, các tiểu thương tự trang bị cho mình kỹ thuật buôn bán, tạo sự cạnh tranh giữa những

101

bạn hàng và đối tác. Chính vì vậy, các tiểu thương muốn tồn tại, họ đã hình thành nên một nhóm hoặc một đường dây cùng chung mục đích, tương trợ nhau về vốn, kỹ thuận bán hàng và hình thành mạng lưới nghề nghiệp nhằm tạo nên nguồn vốn xã hội. Xuất phát từ thực tế, các tiểu thương người Hoa đã chú trọng tới kỹ năng trong buôn bán và rất thành công trong việc kinh doanh không chỉ ở biên giới Việt - Trung mà ở hầu khắp mọi nơi. Chính người Hoa khi kinh doanh họ chú ý tới các yếu tố như giá cả, tính đa dạng của hàng hóa tạo cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, thái độ bán hàng tình cảm khéo léo, đặc biệt chú trọng tới việc khuyến mại và giảm giá hàng, hơn nữa cần chú trọng tới yếu tố tộc người, những người Hoa thích tìm mua hàng của người đồng tộc và họ bán với giá hợp lý hơn… Chính vì vậy, kinh doanh ở môi trường đa tộc người, tính cạnh tranh cao nhưng người Hoa lại rất thành công, bởi họ có nghệ thuật buôn bán và đặc tính khéo léo trong kinh doanh.

Mối QHTN ở vùng biên, đặc biệt trong buôn bán rất đa dạng, đó là mối quan hệ giữa người Việt, người Hoa và các TNTS. Các mối quan hệ này có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và tác động trực tiếp tới việc buôn bán. Từ sợi dây liên kết nhỏ, các tộc người đã xích lại gần nhau tạo nên mạng lưới nghề nghiệp đa dạng nhằm hình thành thứ vốn vô hình trong buôn bán, đây là nhân tố quan trọng làm nên sự thành công trong kinh doanh. Ngoài ra, sự đa dạng phong phú của hàng hóa và các mối quan hệ ở vùng biên cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa những người buôn bán. Song, với bản lĩnh nghề nghiệp và tâm tính tộc người, họ cùng hợp tác tạo nên một mạng lưới nghề nghiệp bền vững ở vùng biên.

Trước thực trạng buôn bán phải chấp nhận đó là tính rủi ro và bấp bênh, đặc biệt buôn bán ở vùng biên, để khắc phục những mặt trái trong nghề nghiệp, người buôn bán ngoài trang bị cho mình kỹ thuật, uy tín và mạng lưới nghề nghiệp, họ cần phải xây dựng và tạo dựng cho mình lòng tin lý tính và tình cảm bền vững với MLXH đang chi phối nghề nghiệp của mình.

102

Một phần của tài liệu Mạng lưới xã hội của các tiểu thương ở một chợ vùng biên (Nghiên cứu trường hợp chợ Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai (Trang 98 - 102)