pháp luật
Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 thì quyết định hành chính bị khiếu nại là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Và quyết định hành chính bị khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được hiểu là quyết định của Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh áp dụng cho từng cá nhân, cơ quan, tổ chức có đất bị thu hồi.
Như vậy, với định nghĩa trên, người khiếu nại chỉ có thể khiếu nại một quyết định hành chính mang tính cá biệt - quyết định áp dụng pháp luật cụ thể mà không có quyền khiếu nại văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước. Đây là một hạn chế đối với quyền khiếu nại của công dân. Bởi vì, trên thực tế, không ít văn bản của cơ quan nhà nước mặc dù được ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại đụng chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì họ không được quyền khiếu nại. Không ít trường hợp địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của công dân. Và những văn bản này lại chính là căn cứ để ban hành những quyết định hành chính mang tính cá biệt gây khiếu nại từ phía đối tượng chịu tác động. Theo thống kê, trong 5 năm thực hiện công tác kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật (2003 - 2008), toàn ngành đã phát hiện 6.879 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 12% trong tổng số văn bản tiếp nhận, kiểm tra. Trong số văn bản trái pháp luật, có nhiều văn bản liên quan đến vấn đề giá đền bù, giải tỏa trong quá trình Nhà nước thu hồi đất để làm công trình [28].
Đặc biệt, trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, pháp luật giao quyền chủ động cho địa phương và từng địa phương căn cứ vào điều kiện của
mình, trên cơ sở quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để quyết định chính sách, giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư. Chính quy định này, một mặt đã tạo ra cơ chế thông thoáng, chủ động, giúp địa phương triển khai nhanh và hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, nhưng mặt khác cũng có rất nhiều địa phương khi ban hành văn bản quy phạm trên lĩnh vực này chưa tuân thủ tính hợp pháp cũng như chưa chú trọng tính hợp lý của văn bản quy phạm.
Hiện nay, có một ý kiến cho rằng cần phải mở rộng quyền khiếu nại của công dân đối với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khi cho rằng văn bản đó không hợp pháp; một số ý kiến khác cho rằng quyết định do cơ quan hành chính ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật có chức năng, phạm vi điều chỉnh, hiệu lực pháp lý, thẩm quyền, trình tự ban hành khác cơ bản với quyết định hành chính cá biệt (là đối tượng khiếu nại). Vì vậy không thể xem xét theo quy định của pháp luật khiếu nại được, mà phải giải quyết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và luật khác liên quan đến kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước. Tác giả thống nhất với quan điểm cho rằng cần bổ sung vào pháp luật khiếu nại quy định công dân có quyền khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm, nếu quy định chung cho việc khiếu nại với tất cả các văn bản mang tính quy phạm pháp luật ở cả Trung ương và địa phương dễ dẫn đến tình trạng quá tải trong giải quyết, một số đối tượng sẽ lợi dụng việc khiếu nại cho các mục đích khác, gây khó khăn phức tạp cho việc giải quyết đối với loại khiếu nại này.
Vì vậy, qua nghiên cứu pháp luật thực định và khảo sát thực tiễn, tác giả cho rằng cần bổ sung vào pháp luật khiếu nại quy định: Công dân có quyền khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành khi cho rằng văn bản đó trái pháp luật. Bởi các lý do sau:
(i) Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đã và đang hướng đến mở rộng dân chủ trực tiếp. Cho nên, việc mở rộng quyền khiếu của công dân đối với văn bản quy phạm pháp luật là một bước đảm bảo việc thực hiện dân chủ trực tiếp trên thực tế.
(ii) Khiếu nại quyết định quy phạm pháp luật sẽ là một kênh thông tin "ngược" chân thật nhất để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương nắm bắt một cách chính xác những khiếm khuyết, hạn chế, bất cập về chính sách, quy định mà mình ban hành, nhằm kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; đồng thời qua kênh thông tin này, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương thấy được những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của cơ chế, chính sách và pháp luật kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn địa phương thực hiện.
(iii) Quy định công dân có quyền khiếu nại đối với văn bản quy phạm pháp luật của địa phương vừa là động lực thúc đẩy người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội; đồng thời là một yếu tố quan trọng buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thận trọng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nhằm tránh sai sót, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.