Quyền khiếu nại là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật. Nhà nước đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại bởi các thiết chế quyền lực và trên cơ sở pháp luật về khiếu nại và các văn bản pháp luật liên quan. Khi thực hiện quyền khiếu nại, công dân đã sử dụng "quyền" để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền hoặc cán bộ công chức xâm phạm; đồng thời, thông qua thực hiện quyền khiếu nại, công dân đã trực tiếp tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đối với cơ quan hành chính nhà nước, giải quyết những vụ việc khiếu nại cụ thể là kênh thông tin chân thực làm cơ sở xem xét lại các chủ trương, chính sách của mình có hợp pháp, hợp lý không, cũng như phát hiện cán bộ công chức được giao quyền vi phạm pháp luật, để kịp thời sửa đổi cho phù hợp, chấn chỉnh hành vi vi phạm, làm trong sạch bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Khiếu nại hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là việc người có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật khiếu nại và pháp luật đất đai, đề nghị chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi họ có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền
và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là một dạng cụ thể của khiếu nại hành chính nói chung, vì vậy, bên cạnh những đặc điểm chung, khiếu nại hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có những đặc điểm riêng như: Việc khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân của chủ thể khiếu nại như nhà ở, đất sản xuất, việc làm, chất lượng cuộc sống; tính chất của khiếu nại là phức tạp, dễ xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp; khi khiếu nại xảy ra, có nhiều chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết.
Khiếu nại hành chính còn có tình ưu việt hơn so với khiếu kiện ra Tòa án. Vì khiếu nại hành chính người dân sẽ ít tốn kém tiền bạc, thời gian và thủ tục đơn giản hơn rất nhiều so với khiếu kiện qua Tòa án. Ngược lại, nếu khiếu kiện qua Tòa án, người dân sẽ mất nhiều thời gian vì thủ tục tố tụng phức tạp hơn, ngoài ra người thua kiện sẽ phải chịu một mức án phí nhất định và tỷ lệ phần trăm đối với giá trị tài sản khiếu kiện. Chính điều này dẫn đến mô hình khiếu nại hành chính được lựa chọn rộng rãi và hiệu quả hơn nhiều so với việc khiếu kiện ra Tòa án.
Trách nhiệm giải quyết khiếu nại trước hết và chủ yếu là của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quyền lực nhà nước, các cá nhân có thẩm quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội khác đều có trách nhiệm tham gia, phối hợp trong hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính của công dân, nhằm đảm bảo việc giải quyết khiếu nại kịp thời, chính xác.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chịu sự chi phối trực tiếp bởi quy định của pháp luật về khiếu nại và pháp luật đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, hai hệ thống pháp luật này có nhiều điểm mâu thuẫn nhau, vì vậy đã hạn chế quyền khiếu nại của người bị thu hồi đất trên thực tế cũng như gây khó khăn cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, làm hạn chế hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực này. Để tìm hiểu việc áp dụng pháp luật về giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực này, tác giả thực hiện việc khảo sát thực tiễn và đề xuất những giải pháp cụ thể trong Chương 2 và Chương 3 dưới đây.
Chương 2