giải quyết khiếu nại
Trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và hoạt động giải quyết khiếu nại nói riêng, đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc. Tuy nhiên thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở cấp huyện. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay yêu cầu, đòi hỏi đối với đội ngũ cán bộ này rất cao, nhưng chế độ, chính sách cho họ chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy chưa khuyến khích được cán bộ nâng cao trách nhiệm và yên tâm công tác.
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại thì song song với việc hoàn thiện pháp luật, Tác giả cho rằng cần phải có những giải pháp đồng bộ để tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Cụ thể: Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại theo hướng chuyên môn hóa; tuyển chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức, có trình độ chuyên môn phù hợp; nhận thức đúng về chính trị; am hiểu các lĩnh vực của đời sống xã hội để bổ sung vào nghiệp vụ chuyên môn về giải quyết khiếu nại. Đồng thời quan tâm chăm lo về chế độ, chính sách, đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ này để họ yên tâm công tác và hạn chế tiêu cực.
3.2.4. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với hoạt động giải quyết khiếu nại
Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của hoạt động giải quyết khiếu nại. Thực tế cho thấy, "ở đâu cấp ủy Đảng, trước hết là Ban thường vụ và đồng chí Bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì ở đó công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả; tình hình xã hội ổn định"[13]. Vì vậy, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua hoạt động cụ thể như: Từng cấp ủy Đảng xây dựng Nghị quyết cụ thể về lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết đó; đánh giá năng lực, bố trí hợp lý cán bộ nhằm phát huy năng
lực, sở trường trong công tác giải quyết khiếu nại. Đồng thời, với vai trò hạt nhân lãnh đạo, cấp ủy Đảng huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị vào hoạt động giải quyết khiếu nại, nhất là đối với những trường hợp khiếu nại đông người, kéo dài. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước cần tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết khiếu nại, trong đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền; xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức vi phạm quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại.